Tham dự tọa đàm có đại diện đến từ các Sở GD&ĐT, bộ ngành liên quan, các nhà trường và đại diện các cục vụ chức năng thuộc Bộ GD&ĐT.
Thư viện phải là cơ quan truyền thông trong nhà trường
Chủ trì và phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Trần Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh về vai trò quan trọng của thư viện trường học trong công cuộc đổi mới giáo dục, đồng thời coi đây là một cơ quan truyền thông trong nhà trường, nhằm mục đích cung cấp thông tin để giải đáp thắc mắc, thỏa mãn trí tò mò, tìm hiểu của học sinh.
Bên cạnh đó, thư viện trường học chính là động lực đóng góp vào việc đổi mới giáo dục trong trường phổ thông, nhằm mục đích sử dụng các nguồn tài liệu để hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy và học.
Việc xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông là cơ sở để các nhà trường thực hiện mục tiêu trước mắt và lâu dài. Thư viện phải là nơi quy tụ các tài liệu, các đầu sách phục vụ nhu cầu học tập, tham khảo, mở rộng kiến thức cho đội ngũ giáo viên và học sinh.
Nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng, cần thống nhất về các thuật ngữ và khái niệm sử dụng trong Quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông, diễn đạt ngắn gọn hơn và cần tiếp tục điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với thực tế tại các nhà trường.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, bà Nguyễn Thị Hồng Diễm cho biết, xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về thư viện trường học là mong đợi bấy lâu của địa phương. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần lắng nghe, nghiên cứu kỹ tình hình cụ thể, đánh giá đúng về những thuận lợi và hạn chế của mỗi địa phương để đưa ra bộ tiêu chuẩn hợp lý, có tính khả thi cao.
Nhiều ý kiến tập trung vào Tiêu chuẩn 4 – Quản lý thư viện. Đại diện từ Sở GD&ĐT Nghệ An, ông Mai Xuân Dương cho rằng: Thư viện nhà trường cần được quản lý từ cấp phòng GD&ĐT để tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động của các nhà trường.
Bên cạnh đó, về nội dung tiêu chuẩn của nhân viên thư viện, phải tốt nghiệp đúng chuyên ngành thư viện từ trung cấp trở lên cũng được nhiều ý kiến đề xuất điều chỉnh vì vị trí nhân viên thư viện tại các nhà trường hiện nay phần lớn là kiêm nhiệm và trái chuyên môn.
Cần đa dạng nguồn tài nguyên trong thư viện
Góp ý cho tiêu chuẩn 2 - Tài nguyên thông tin thư viện, đại diện Báo GD&TĐ, nhà báo Đinh Công Thắng cho rằng, ngoài các loại sách, tài liệu in, tài liệu chép tay, tài liệu điện tử, thiết bị dạy học… do đặc thù, thư viện nhà trường cần có thêm các đầu báo chí, trong đó đề xuất cần có Báo Giáo dục và Thời đại - Cơ quan ngôn luận của Bộ GD&ĐT - diễn đàn toàn xã hội vì sự nghiệp GD.
Sự có mặt của Báo Giáo dục và Thời đại trong hệ thống thư viện trường học là nguồn cung cấp thông tin chính thống về ngành Giáo dục, chuyển tải các chỉ đạo, chủ trương của Bộ GD&ĐT đến với hệ thống nhà trường nhanh nhất, cập nhật hàng ngày... là nguồn thông tin tư liệu quý phục vụ cho nhu cầu đọc và tiếp cận thông tin của giáo viên, học sinh...
Đồng quan điểm trên, ông Dương Văn Lâm – đại diện Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng, tiêu chuẩn về Tài nguyên thông tin thư viện trong dự thảo lần 1 bộ tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông cần bổ sung thêm các đầu báo, tạp chí phù hợp vì các loại hình tài liệu này có tính cập nhật và dễ tương tác đối với mọi độc giả.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu, ông Nguyễn Tiến Triệu – Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) cho biết, Ban soạn thảo tiếp thu và sẽ điều chỉnh, bổ sung những nội dung hợp lý. Nhấn mạnh, xây dựng và chuẩn hóa thư viện trường học là một trong những biện pháp tăng cường và phát huy văn hóa đọc cho học sinh. Đồng thời, gợi ý tiến tới mỗi môn học cần có 1 - 2 tiết đọc sách/năm học để tạo động lực và thói quen đọc sách, nghiên cứu tài liệu cho người học.
Kết luận tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Huy Hoàng nhấn mạnh: “Thư viện các trường hiện nay chủ yếu vận hành theo QĐ 01/2013. Trước đòi hỏi của thực tiễn để đáp ứng CTGDPT mới, thư viện nhà trường cũng cần có những thay đổi, do một số quy định cũ đã không còn phù hợp. Việc đề xuất bộ tiêu chí thư viện mới thực sự cần thiết nhằm nâng cao công tác hoạt động thư viện, góp phần thực hiện CTGDPT mới – hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực người học”.