Thư viện không phải... kho chứa sách

GD&TĐ -Nằm trong khuôn khổ Hội thi Thư viện Năng động - Sáng tạo 2019,  mới đây, kiến trúc sư Phan Nguyên Bảo (Giảng viên Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường ĐH Tôn Đức Thắng) đã cùng các thành viên tổ chức hội thi tham quan thư viện Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM). 

Kiến trúc sư Phan Nguyên Bảo chia sẻ với thủ thư của Trường THPT Bùi Thị Xuân
Kiến trúc sư Phan Nguyên Bảo chia sẻ với thủ thư của Trường THPT Bùi Thị Xuân

Tại đây, kiến trúc sư đã tư vấn trường về cách sắp xếp, bài trí thư

viện trường bằng những tiêu chí quan trọng của một thư viện đạt chuẩn.

Công năng là tiêu chí hàng đầu

Theo kiến trúc sư Phan Nguyên Bảo, công năng của thư viện đơn giản là bố trí đầy đủ các vật dụng cần có của thư viện và trả lời các câu hỏi như: bàn thủ thư nên đặt ở đâu, hệ tủ dùng như thế nào, chỗ ngồi, tối đa nguồn sáng tự nhiên ra sao,…

Lối đi trong thư viện phải hợp lý, có lưu thông chính và phụ, để đáp ứng được chức năng cơ bản của một thư viện. Đồng thời, bàn ghế cần bố trí năng động và đa năng để dễ di chuyển. 

“Chúng ta phải xác định rằng, việc đọc khác với việc học, học cần bàn, ghế, cần đến lớp. Đọc thì cần không gian, cần sự thoải mái để thưởng thức điều kỳ diệu từ những trang sách một cách trọn vẹn nhất.

Thư viện không chỉ là nơi đọc mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ những kiến thức. Chúng ta cần bố trí làm sao thuận tiện, thoải mái cho các em học sinh, đừng biến thư viện trở thành “kho cất sách”, anh Bảo nhấn mạnh. 

Buổi tư vấn diễn ra tại Thư viện Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM
Buổi tư vấn diễn ra tại Thư viện Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM

Tiêu chí thứ hai là tái chế, Ban giám khảo sẽ đánh giá mức độ tái chế các vật dụng trong thư viện của mỗi đội thi. Điều này giúp các trường tiết kiệm tối đa chi phí, tận dụng các vật dụng đã qua sử dụng, bảo vệ môi trường, kích thích sự sáng tạo trong bài trí. “Bài dự thi có tái chế càng nhiều, càng tiết kiệm thì lại càng ghi nhiều điểm”, anh Bảo cho biết. 

Thẩm mỹ và sáng tạo là tiêu chí cuối cùng, các thiết kế phải hài hòa về màu sắc và chất liệu, tránh bài trí bừa bộn gây khó chịu cho học sinh. Đặc biệt, mỗi thư viện cần tạo một điểm nhấn riêng thật sự thu hút.

Hướng đến thư viện đa năng 
Ba năm gắn với vị trí thủ thư viện Trường THPT Bùi Thị Xuân, cô Phan Thị Thu Thủy luôn được học trò yêu quý vì luôn tạo nên không gian đọc thoải mái, sáng tạo và thu hút. Tại đây, những dụng cụ trang trí chủ yếu làm từ đồ tài chế. Dịp này, kiến trúc sư cũng đánh giá cao những dụng cụ tái chế và cách bài trí của thư viện.
Góc nhỏ trong thư viện Trường THPT Bùi Thị Xuân
Góc nhỏ trong thư viện Trường THPT Bùi Thị Xuân 
 “Bản thân là một thủ thư mà cả ngày không thấy em học sinh nào ghé thư viện thì sẽ rất buồn, chính vì vậy, trang trí làm sao để học trò thích thú và ghé thư viện thường xuyên là điều vô cùng quan trọng”, cô Thủy cho biết.

Trước cửa thư viện, cô Thủy tận dụng góc hành lang bé xíu dựng “góc tư duy”. Được biết, sau lần lắng nghe học trò tâm sự về câu hỏi tư duy trong kỳ thi đánh giá năng lực, cô Thủy quyết tâm đặt ngay trước thư viện một góc nhỏ, mỗi tuần sẽ có một số câu hỏi bất kỳ về tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống.

Các em học sinh tham gia bằng cách viết đáp án và bỏ vào hòm thư. Những em có nhiều đáp án đúng nhất trong vòng một tuần, sáng thứ hai sẽ được tuyên dương trước cờ và được tặng kèm phần quà tái chế bắt mắt. 

Thư viện Trường THPT Bùi Thị Xuân lúc nào cũng dễ chịu nhờ tinh dầu do cô thủ thư chuẩn bị
 Thư viện Trường THPT Bùi Thị Xuân lúc nào cũng dễ chịu nhờ tinh dầu do cô thủ thư chuẩn bị

“Những câu hỏi ở góc tư duy lại có trong các cuốn sách của thư viện, để trả lời được những câu hỏi, các em sẽ tìm sách đọc, cứ như vậy, khả năng tư duy và văn hóa đọc dần hình thành”, cô Thủy cho biết thêm. Ngoài ra, thư viện Trường THPT Bùi Thị Xuân còn mở rộng không gian đọc bằng góc thư viện xanh ngay sân trường.

Để sách trở nên gần gũi hơn, ngay từ những ngày đầu, ở bộ môn Ngữ Văn tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, các em đã hình thành thói quen đọc sách thông qua các tiết đọc sách tại lớp. Sau khi đọc xong, mỗi em sẽ gửi lại giáo viên bài cảm nhận về cuốn sách đã đọc. Điều này giúp các em đi sâu vào giá trị từng đầu sách và những triết lý bổ ích mà tác giả muốn truyền tải. 
Góc tư duy luôn thu hút nhiều em học sinh
 Góc tư duy luôn thu hút nhiều em học sinh
Qua những hoạt động trên giúp các em hiểu rằng thư viện không đơn thuần chỉ là những kệ sách. Vào đây, các em quen thêm nhiều bạn mới, rèn luyện tư duy, bổ sung kiến thức và cùng nhau khám phá những điều mới lạ.
Qua đó, nuôi dưỡng văn hóa đọc đối với những đứa trẻ yêu sách và để những em ghét đọc sách không phải ám ảnh hai từ “thư viện”.
 Riêng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cô Thủy đã có những chuẩn bị bước đầu cho Hội thi Thư viện Năng động - Sáng tạo: “Đăng ký thi xong về tôi cũng sắp xếp những khoảng trống, bố cục để thoáng lối đi. Ngoài ra, nhờ sự giúp đỡ của các em học sinh, vài dụng cụ tái chế cũng đã sẵn sàng trong thư viện” 
Hội thi Thư viện Năng động - Sáng tạo năm 2019 do Thành đoàn phối hợp với Cục Thông tin Cơ sở (Bộ Thông tin &Truyền thông) và Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố là đơn vị trực tiếp phối hợp triển khai.  Hội thi diễn ra từ 14/10 đến ngày 15/12/2019.
Để tham gia, các trường chụp ảnh/quay đoạn phim thể hiện không gian thư viện trường trước và sau khi chỉnh trang. 40 trường đầu tiên đăng ký tham gia sẽ được Ban tổ chức xét duyệt hỗ trợ mức kinh phí 3 triệu đồng/trường để chỉnh trang thư viện. Hội thi có tổng giá trị giải thưởng là 310 triệu đồng. Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ trao tặng kinh phí 50 triệu đồng để chỉnh trang thư viện của 1 trường khó khăn trên địa bàn thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Khâu trọng yếu

GD&TĐ - Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất...