Cảnh sát Thái Lan kiềm chế trước đoàn biểu tình |
(GD&TĐ) - Những ngày này ở Bangkok và Kiev cùng diễn ra những cuộc biểu tình dữ dội, giống hệt nhau cả về hình thức, nội dung và mục đích. Người biểu tình cùng chiếm các tòa nhà chính phủ, làm tê liệt mọi hoạt động của chính quyền, cuối cùng đòi Thủ tướng hay Tổng thống của họ từ chức. Những cuộc biểu tình đó ẩn chứa nhiều hàm ý giúp xác định chúng ta đang sống trong một thế giới nào?
Ai là những nhà cách mạng?
Cho dù cả hai phe nổi dậy (ở cả Thái Lan và Ukraina) đều tự coi cuộc biểu tình của họ là cuộc cách mạng và bản thân họ đích thị là các nhà cách mạng. Tuy nhiên, xác định ai là nhà cách mạng mới là điều thú vị. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy mục tiêu của các cuộc biểu tình khá mơ hồ.
Cũng như Ukraina, một nửa nước Thái Lan chống lại nửa còn lại trước hết ở phong cách sống. Ở Thái Lan, miền Bắc mặc áo “đỏ” được sự hỗ trợ của chính phủ chống lại miền Nam và thủ đô Bangkok mang áo “vàng”.
Theo các nhà phân tích, phe áo vàng quá biết rằng họ không phải là số đông, sẽ thất bại trong tất cả các cuộc bầu cử. Chính vì vậy, con đường duy nhất để giành chính quyền chỉ có thể là tiến hành đảo chính bất hợp pháp.
Từ năm 2006 - 2011, họ giành được chính quyền (đứng đầu là Thủ tướng Abhisit Vejjajiva- người đang tham gia vào cuộc bạo loạn hiện nay) không thông qua bầu cử mà chỉ dựa vào sự hỗ trợ của quân đội và một số nhân vật quan trọng ở thủ đô Bangkok.
Còn Thaksin là ai? Có thể nói ngắn gọn là Thủ tướng đã tạo ra hệ thống an sinh xã hội đầu tiên và tốt nhất từ trước đến nay và là người được lòng cử tri ở Thái Lan. Thaksin còn là một triệu phú trước khi thành Thủ tướng và được mệnh danh là “Berlusconi của Thái Lan”.
Chính vì vậy, Thaksin có không ít kẻ thù trong quân đội, thậm chí cả các thành viên Hoàng gia.
Như vậy, phe đối lập ở Thái Lan đang tiến hành một cuộc cách mạng ngoài nghị trường và cuộc cách mạng này nhận được sự ủng hộ của cư dân thủ đô và các tầng lớp trung lưu. Mô hình “cách mạng màu” được áp dụng không chỉ ở Thái Lan, Ukraina mà còn ở cả hàng chục nước khác, tạo thành một “xu hướng” trong thời đại chúng ta.
Đối phó với các cuộc biểu tình này như thế nào?
Phe đối lập Thái Lan cũng như các cuộc “cách mạng màu” ở nhiều nước đã sử dụng chiến thuật khôn ngoan: Kích động bạo lực từ phía chính quyền, tìm đồng minh từ quân đội và đặc biệt là công chức - tầng lớp được coi là trung lưu.
Nếu chính quyền ra tay đàn áp coi như “dính” vào cái bẫy của họ. Không ai có thể chấp nhận bạo lực, đặc biệt là ở một nước sùng đạo phật như Thái Lan.
Vậy phải đối phó với chiến thuật này như thế nào?
Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã đi một nước cờ tuyệt vời. Lúc đầu, bà coi như không để ý đến người biểu tình - không ra tay đàn áp mà có vẻ như tỉnh bơ với các hành động khiêu khích. Yingluck Shinawatra kiên quyết không từ chức, bà hủy các chuyến công du nước ngoài, ở lại Bangkok. Người biểu tình chiếm các tòa nhà của chính phủ ư? Cứ để cho họ ngồi đấy.
Ngay sau đó, thủ lĩnh phe đối lập Suthep Thaugsuban, người trực tiếp tổ chức biểu tình bạo động bị một tòa án ở Thái Lan ra lệnh bắt giữ. Đến hôm nay, mọi chuyện chưa ngã ngũ nhưng có vẻ như Yingluck Shinawatra đã chiến thắng.
Một vấn đề mang tính toàn cầu: Phải làm gì với những cư dân thành phố - những người được gọi là thượng lưu - luôn coi những cuộc bầu cử hay ý chí của đông đảo người dân chỉ là một trở ngại và họ sẵn sàng nổi loạn, chiếm giữ thành phố trong một vài ngày?
Một trong những biện pháp thông dụng nhất - loại bỏ những người này ra khỏi các thành phố lớn. Các nước Đông Nam Á như Malaysia, Myanmar và cả Thái Lan cũng làm như vậy. Tuy nhiên, Thái Lan không thành công vì các khu dân cư mới ở ngoại ô Bangkok chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân đô thị.
Anh Phương