Thủ tướng phê duyệt đề án tổ chức Olympic Hóa học quốc tế tại Việt Nam

Thủ tướng phê duyệt đề án tổ chức Olympic Hóa học quốc tế tại Việt Nam

(GD&TĐ)-Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 211/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổ chức Olympic Hóa học Quốc tế lần thứ 46 năm 2014 tại Việt Nam.

Đoàn HS Việt Nam dự thi Olympic hóa học quốc tế lần thứ 41, tại Anh
Đoàn HS Việt Nam dự thi Olympic hóa học quốc tế lần thứ 41, tại Anh

Ban chỉ đạo quốc gia IChO 2014 do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT làm trưởng ban; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT làm phó ban thường trực.

IChO 2014 được tổ chức trong 10 ngày, từ ngày 20/7 đến hết ngày 29/7/2014. Địa điểm tổ chức chính tại thành phố Hà Nội.

Sẽ có khoảng 80 đoàn đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ được gửi giấy mời tham dự cuộc thi này.

Theo đề án, việc tổ chức IChO 2014 được tiến hành phù hợp với quy định của Quy chế IChO hiện hành; quy định của Hội đồng Olympic Hóa học Quốc tế đối với nước đăng cai tổ chức và pháp luật của Việt Nam.

Việc tổ chức soạn thảo đề thi, coi thi, chấm thi, trao giải và thực hiện các thủ tục cần thiết của IChO 2014 được tiến hành theo quy định của Quy chế IChO và quy định của Hội đồng quốc tế đối với nước đăng cai tổ chức.

Việc tổ chức tuyển chọn, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên môn bảo đảm tiêu chuẩn, trình độ theo đúng quy định của Quy chế IChO. Trong trường hợp cần thiết có thể thuê các chuyên gia Hóa học nước ngoài tham gia các công tác chuyên môn của IChO 2014 và ký kết hợp đồng thuê thư ký chuyên trách cho công tác tổ chức; tổ chức ăn, ở, đi lại cho các đoàn dự thi, chuẩn bị cơ sở vật chất, các dịch vụ kỹ thuật, công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động của IChO 2014...

Việc tổ chức tốt Olympic Hóa học Quốc tế lần thứ 46 năm 2014 tại Việt Nam (viết tắt là IChO 2014) là nhằm khuyến khích học tập và giảng dạy môn Hóa học trong nhà trường; góp phần phát hiện, bồi đưỡng và đào tạo học sinh tài năng về Hóa học và thực hiện tốt đường lối đối ngoại, chủ trương hội nhập của Đảng và Nhà nước.

Olympic Hóa học Quốc tế được tổ chức thường niên kể từ năm 1968, là một trong 5 cuộc thi (Toán, Lý, Hóa, Sinh học và Tin học) dành cho học sinh trung học quốc tế. Theo thông lệ, mỗi quốc gia được cử 4 thí sinh tham gia.

Cuộc thi được tổ chức thành 2 phần, gồm phần Lý thuyết (tối đa 60 điểm) và phần Thực nghiệm (trong phòng thí nghiệm, tối đa 40 điểm). 10% số thí sinh có điểm số cao nhất sẽ được nhận huy chương vàng, 20% và 30% số thí sinh có điểm số tiếp theo sẽ được huy chương bạc và huy chương đồng.

Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế từ năm 1997. Trong những năm gần đây, đoàn Việt Nam thường đạt thứ hạng cao ở nhóm các quốc gia có kết quả thi đứng đầu. 

Lập Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ