Chủ trương mang tầm chiến lược
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho biết, nhờ quyết liệt đổi mới, tiên phong sáng tạo trong tổ chức và triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xác lập và luôn nỗ lực thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức lớn, hàng đầu đất nước, có uy tín trong khu vực và quốc tế, xứng đáng với niềm tin và kì vọng của Đảng và Nhà nước.
Trong thời gian qua, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục có bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, khẳng định danh tiếng, xác lập vị trí đại học hàng đầu Việt Nam và ghi danh vào nhóm các trường đại học có vị thế cao trong khu vực và thế giới.
Vị trí của Đại học Quốc gia Hà Nội cải thiện rõ nét trên bảng xếp hạng quốc tế, 3 năm liên tục (2019-2021) nằm trong nhóm 801-1000 thế giới. Năm 2020, theo công bố của Tổ chức xếp hạng QS (Anh), Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong nhóm 101-150 các trường đại có thời gian thành lập dưới 50 năm có chất lượng giáo dục hàng đầu trên thế giới. Xếp hạng quốc tế theo ngành, lĩnh vực đạt kết quả tốt với nhiều lĩnh vực nằm trong nhóm 500 thế giới.
Trong bối cảnh các nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, ở mức rất thấp so với yêu cầu để xây dựng một đại học tầm cỡ khu vực và quốc tế, thì việc Đại học Quốc gia Hà Nội có tên, và liên tục thăng tiến trong bảng xếp hạng đại học khu vực và quốc tế là sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của Đảng bộ và tập thể lãnh đạo các thời kỳ.
"Sự khác biệt và hiệu quả từ mô hình tổ chức Đại học Quốc gia Hà Nội mang lại những thành tích xuất sắc trong tiên phong đổi mới sáng tạo, các sản phẩm đào tạo, KH&CN độc đáo chỉ các đại học đa ngành, đa lĩnh vực mới thực hiện được”, Giám đốc Lê Quân cho biết.
Mô hình tổ chức Đại học Quốc gia Hà Nội cho phép các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc sử dụng, chia sẻ nguồn lực chung qua đó bổ khuyết, liên thông, liên kết, thống nhất với nhau, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, gắn kết chí hướng, phấn đấu theo cùng một mục tiêu, tạo được các giá trị gia tăng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong đó, các chương trình đào tạo liên ngành, liên đơn vị, đã góp phần cung cấp hàng nghìn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ có tư duy, trí tuệ liên ngành cho các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Theo Giám đốc Lê Quân, “từ khóa” cốt lõi trong định hướng phát triển thời gian tới của Đại học Quốc gia Hà Nội là “chất lượng cao”. Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội ưu tiên đầu tư mạnh cho các ngành đào tạo khoa học cơ bản truyền thống để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, góp phần củng cố nền tảng, năng lực nghiên cứu và đội ngũ cán bộ khoa học tài năng; ưu tiên đào tạo giảng viên đại học, nhà khoa học cho các trường đại học, cao đẳng trong cả nước; xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và tuyên truyền lý luận trình độ cao cho Đảng.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng mở rộng các chương trình đào tạo liên ngành, liên đơn vị, cung cấp nguồn nhân lực có trí tuệ liên ngành cho các lĩnh vực quan trọng của đất nước; Trong phát triển khoa học và công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đẩy mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và khoa học giáo dục; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước. Đồng thời tăng cường hoạt động nghiên cứu trong một số lĩnh vực khoa học tự nhiên mà Đại học Quốc gia Hà Nội có lợi thế thông qua các chương trình nghiên cứu cơ bản.
Phát triển đô thị đại học theo mô hình “5 trong 1”
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ biểu dương những kết quả mà các nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ, viên chức, học viên, sinh viên, học sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội đã đạt được. Trên cơ sở kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học với tiềm năng rất lớn; có truyền thống lịch sử vẻ vang, đáng tự hào với nhiều nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các cơ quan trong hệ thống chính trị từng học tập, rèn luyện tại đây.
Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với các định hướng và kiến nghị mà Đại học Quốc gia Hà Nội đã nêu. Để tiếp tục phát triển, nâng cao vị thế trong giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội cần tập trung nguồn lực thực hiện các nội dung sau:
Thứ nhất, cần nâng tầm Đại học Quốc gia Hà Nội trong giai đoạn mới khi cả nước triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; có cơ chế giải phóng tối đa nguồn lực con người rất lớn để đội ngũ cán bộ phát huy, cống hiến nhiều hơn nữa; xử lý hài hòa, hợp lý, hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, xã hội và thị trường, tăng cường hợp tác công tư.
Thứ hai, tập trung cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Nghị quyết 20 về phát triển KH&CN, nghị quyết đại hội Đảng bộ Đại học Quốc gia Hà Nội. Về tổ chức, bộ máy, biên chế, cơ chế tự chủ, công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, cần bám sát và cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng về các vấn đề này và Luật GDĐH. Xây dựng các chương trình, dự án, kế hoạch, quy hoạch, cơ chế chính sách, tập trung lãnh đạo chỉ đạo, bố trí nguồn lực, có mục tiêu cụ thể cho từng năm và trong 5 năm tới để nâng tầm Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thứ ba, tập trung khắc phục bằng được những bất cập, hạn chế, yếu kém, bảo đảm bộ máy vận hành trơn tru, thông suốt, hiệu quả hơn, nhất là trong đào tạo, nghiên cứu và thực hiện sứ mệnh; khắc phục bằng được việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu dứt điểm khi nguồn lực có hạn.
Thứ tư, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài theo Nghị quyết của Đảng, phục vụ đắc lực, hiệu quả cho 3 khâu đột phá chiến lược.
Thứ năm, vấn đề đào tạo là một trụ cột của Đại học Quốc gia Hà Nội. Thủ tướng đặc biệt lưu ý cần quan tâm tới vấn đề sinh viên, giảng viên, nhà trường, xác định người học là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực. Tập trung đào tạo nhân lực trong các môn khoa học cơ bản – đây là một lĩnh vực truyền thống của nhà trường; đào tạo nhân lực cho Đại học Quốc gia Hà Nội và các đại học khác.
Tăng cường liên kết, liên doanh với các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức… để đào tạo nguồn nhân lực không chỉ đạt đẳng cấp quốc gia mà còn quốc tế, chú trọng đào tạo ngoại ngữ và tin học trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Đổi mới công tác tuyển sinh, tập trung kiểm soát đầu ra. Tiếp thu các công nghệ đào tạo tiên tiến.
Thứ sáu, công tác nghiên cứu cần chú trọng tổng kết thực tiễn, phục vụ các chương trình lớn của quốc gia, các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quan tâm đến một số vấn đề nghiên cứu như chủ quyền lãnh thổ quốc gia; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; tư vấn chính sách về đổi mới sáng tạo, CMCN lần thứ 4; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đặc điểm văn hóa vùng miền; chính sách, giải pháp phòng chống dịch, khôi phục và phát triển kinh tế; vấn đề cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo; chuyển đổi số; công nghệ sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu nông sản…
Thứ bảy, cần tổng kết thực tiễn triển khai mô hình Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 1993 tới nay, với việc bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn để đề xuất cụ thể với các cấp có thẩm quyền. Tinh thần chung là tăng thẩm quyền, tăng phân cấp, tăng tự chủ, linh hoạt, tăng đầu tư để lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.
Nhìn nhận những nỗ lực to lớn của Đại học Quốc gia Hà Nội thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao việc Đại học Quốc gia Hà Nội đã gắn kết sứ mệnh với phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục thể hiện trách nhiệm quốc gia trong việc tham gia chủ trì, thực hiện những chương trình nghiên cứu có tầm vóc, mang giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn lớn, mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao đối với sự phát triển của xã hội và đất nước như: Chương trình KH&CN phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Quốc chí, Trung tâm Tư liệu Việt Nam học, Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm Kinh điển phương Đông,...
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Đại học Quốc gia Hà Nội luôn sẵn sàng chung lòng, chung sức cùng xã hội trong những gian đoạn khó khăn. Cán bộ, sinh viên đã có mặt tại những tuyến đầu chống dịch. Nhiều công trình khoa học kết hợp chặt chẽ nghiên cứu liên ngành của các nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội đã đóng góp về y học phục vụ nâng cao sức khỏe, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh covid-19.
Lãnh đạo TP Hà Nội, các Bộ, ngành cũng bày tỏ ủng hộ những kiến nghị, đề xuất của Đại học Quốc gia Hà Nội và cho biết sẽ tiếp tục phối hợp cùng tháo gỡ những vướng mắc, gia tăng nguồn lực để xây dựng và phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội.