Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại vào tháng 12/2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, Thường trực Chính phủ đã làm việc trực tuyến với lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng.
Đến nay, tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát, tuy nhiên chúng ta không được chủ quan, lơ là; tình hình thế giới có nhiều biến động như xung đột tại Ukraine, giá cả nguyên liệu đầu vào, lạm phát tại nhiều nước tăng cao… tác động mạnh tới tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam. Dự báo, tình hình có thể còn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán.
Cuộc làm việc nhằm đánh giá lại việc thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, việc triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội về Thành phố Đà Nẵng, kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc làm việc cuối năm 2021 với lãnh đạo Đà Nẵng; việc thực hiện chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, thảo luận các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng: Tình hình kinh tế-xã hội Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc. Ảnh VGP/Nhật Bắc.
Theo báo cáo của Thành phố Đà Nẵng, năm 2021, mặc dù dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề, nhưng tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) cả năm vẫn tăng 0,18%; GRDP bình quân đầu người đạt 87,87 triệu đồng (tương đương 3.753 USD, cao nhất vùng kinh tế trọng điểm miền Trung). Một số ngành công nghiệp và dịch vụ vẫn có mức tăng trưởng khá. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 4,6%. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên 3,18 tỷ USD, tăng 13,2%, xuất siêu 487 triệu USD.
Đặc biệt, tình hình kinh tế-xã hội Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc, nhất là từ tháng 3 đến nay. GRDP quý II tăng 12,37%; 6 tháng đầu năm tăng 7,23% (tốc độ tăng xếp thứ 2/5 vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; 4/14 vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; 28/63 toàn quốc).
Động lực chủ yếu và hạt nhân tăng trưởng chính của Đà Nẵng là khu vực dịch vụ (6 tháng đầu năm tăng 9,82%, quý II tăng 17,8%); tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 6,3%. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước tăng 20,8%; xuất khẩu phần mềm tăng 30%. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 68% dự toán cả năm, tăng 18% so với cùng kỳ; dư nợ tín dụng tăng 9,31% so với cùng kỳ 2021.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới tăng 16,3%, với 49 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp cao gấp 2,24 lần so với năm 2020. Đối với thu hút đầu tư trong nước, Thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 27 dự án với tổng vốn đầu tư là 7.748 tỷ đồng, tăng 35% về số dự án.
Đà Nẵng tiếp tục nằm trong tốp các tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đứng thứ nhất cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin", đứng thứ 3 cả nước về Chỉ số cải cách hành chính.
Năm 2022, Đà Nẵng xác định chủ đề là "Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội". Với những cơ chế, định hướng lớn đối với sự phát triển thành phố từ Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 119 của Quốc hội và Nghị định số 34 của Chính phủ về triển khai mô hình chính quyền đô thị và sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch chung của Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cùng với sự kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, có thể nói đây là thời điểm thích hợp để Đà Nẵng hiện thực hóa, đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án và thu hút đầu tư mạnh mẽ.