Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lâm Thị Phương Thanh, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Gấu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy; lãnh đạo các cơ quan của Đảng, cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các địa phương.
Hơn 300 đại biểu tham dự tại điểm cầu trung tâm tại Hà Nội và trên 5.000 cán bộ, hội viên phụ nữ, các nữ doanh nhân, nữ trí thức, phụ nữ lực lượng vũ trang, phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực tham gia tại các điểm cầu trên cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Hội nghị có ý nghĩa quan trọng khi được tổ chức vào năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời cũng là thời điểm đang có nhiều hoạt động thiết thực chào mừng 92 năm thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Cuộc đối thoại nhằm lắng nghe, chia sẻ, cùng giải quyết và cùng có trách nhiệm trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở 3 nhóm chủ đề: (1) Phụ nữ với phát triển kinh tế; (2) Phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; (3) Phụ nữ và thế hệ tương lai.
Mở đầu hội nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga báo cáo đề dẫn một số kết quả của tổ chức Hội, quá trình lấy ý kiến của phụ nữ và các vấn đề đặt ra hiện nay liên quan tới phụ nữ và bình đẳng giới.
Công tác phụ nữ và bình đẳng giới đạt những thành tựu quan trọng
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nêu rõ, cuộc đối thoại là minh chứng cụ thể thể hiện tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ đối với phong trào phụ nữ và sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.
Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát; Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt và đạt được các kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực, kinh tế được phục hồi và tăng trưởng tích cực, văn hóa, xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân được cải thiện.
Hơn 300 đại biểu tham dự tại điểm cầu trung tâm tại Hà Nội và trên 5.000 cán bộ, hội viên phụ nữ, các nữ doanh nhân, nữ trí thức, phụ nữ lực lượng vũ trang, phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực tham gia tại các điểm cầu trên cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực cố gắng không ngừng của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tỉ lệ nữ đại biểu khoá XV đạt cao, xếp thứ 62/190 quốc gia trên thế giới và thứ 2 trong khu vực ASEAN về tỉ lệ nữ tham gia cơ quan nghị viện/quốc hội (theo đánh giá của Liên đoàn nghị viện quốc tế). 50% bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt.
Nữ trí thức ngày càng thể hiện được tài năng, trí tuệ và sức sáng tạo, có nhiều cống hiến cho xã hội, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Từ năm 2015 đến nay đã có 3 nhà khoa học nữ Việt Nam được UNESCO vinh danh là Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới (trong đó năm 2022 có 1 nữ khoa học).
Đặc biệt, trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, cùng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và người dân, các nữ cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên y tế đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản khó khăn - thậm chí cả hy sinh, mất mát - tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ngày càng tăng, có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Mới đây nhất, tại Lễ vinh danh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 do VCCI tổ chức, có 2 nữ doanh nhân Việt Nam vào trong Top 10 doanh nhân tiêu biểu xuất sắc nhất, 3 trong 6 doanh nhân có thành tích xuất sắc trong hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.
Trong lĩnh vực văn hóa-thể thao, lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành vé tham dự vòng chung kết World Cup nữ 2023. Vận động viên nữ Việt Nam có đóng góp quan trọng về thành tích của quốc gia tại SEA Games 31 với 103 huy chương vàng, 119 huy chương bạc và đồng, chiếm gần 50% trong tổng số huy chương của đoàn Việt Nam.
Phụ nữ trong lực lượng vũ trang Việt Nam tham gia hiệu quả, trách nhiệm trong lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc… và còn nhiều thành tựu khác, thể hiện vai trò, vị thế và sự đóng góp quan trọng của phụ nữ trên các lĩnh vực.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Nhiều hoạt động thiết thực, linh hoạt, phù hợp tình hình
Đối với tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đồng hành cùng các cấp chính quyền, các cấp Hội trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Cụ thể, chủ động triển khai, vận động phụ nữ tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Chính phủ, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp phát động.
Thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em phát triển toàn diện với nhiều cách thức sáng tạo, linh hoạt, kể cả trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19.
Từ Chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã có 11.000 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 2.000 trẻ mồ côi do dịch Covid-19 đã được kết nối hỗ trợ, đỡ đầu.
Nâng cao hiệu quả tham gia quản lý nhà nước thông qua việc chủ động giám sát, phản biện xã hội và đề xuất với Chính phủ và các cấp chính quyền các chính sách về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Điển hình trong giai đoạn vừa rồi là các đề án 938 "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027" và Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (vừa sơ kết 5 năm vào ngày 30/9/2022).
Tích cực phát huy vai trò trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó chủ trì Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ngày càng tích cực, chủ động tham gia hội nhập quốc tế và thực hiện công tác đối ngoại nhân dân, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Tạo điều kiện phát triển toàn diện, phát huy vai trò, sự đóng góp của phụ nữ
Hội nghị đối thoại là dịp để chị em phụ nữ và các cấp Hội gửi gắm tình cảm, bày tỏ nguyện vọng, kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành với mong muốn được tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện phát triển toàn diện, phát huy vai trò, sự đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển chung của đất nước.
Để chuẩn bị cho Hội nghị hôm nay, các cấp Hội đã tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của hội viên, phụ nữ thông qua sinh hoạt hội viên, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, nắm bắt dư luận xã hội, mở chuyên mục trên Báo Phụ nữ Việt Nam, thu thập ý kiến trên hệ thống cổng thông tin điện tử và các nền tảng số của Hội, tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn:
Một là, các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế như cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; tạo điều kiện để phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay hợp pháp, hợp lý, an toàn…
Hai là, các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ như: Các giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu về tỉ lệ cán bộ nữ; những giải pháp, cơ chế đặc thù đối với cán bộ Hội cơ sở; công tác đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn; hỗ trợ tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ…
Ba là, các vấn đề liên quan đến môi trường sống an toàn và phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em, như chính sách thai sản nhằm bảo đảm thu nhập và sức khỏe cho lao động nữ khi mang thai và sinh con; chương trình giáo dục làm cha mẹ; quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; tạo điều kiện để phụ nữ di cư trở về nhanh chóng tái hòa nhập, ổn định cuộc sống; quản lý hiệu quả thông tin chia sẻ trên mạng xã hội…
"Chúng tôi tin tưởng rằng, những ý kiến chính đáng của phụ nữ sẽ được Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, giải đáp và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có các giải pháp phù hợp để giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng của chị em phụ nữ; đồng thời động viên, khích lệ, truyền cảm hứng để mỗi phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang", nỗ lực và quyết tâm hơn nữa nhằm hiện thực hóa những mong ước, khát vọng chính đáng của bản thân, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân nói chung và người phụ nữ nói riêng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Luôn tỏa sáng phẩm chất "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang"
Phát biểu định hướng hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các bà, các mẹ, các chị, các em, các cháu gái cùng các quý vị đại biểu lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân kỷ niệm 92 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan tích cực chuẩn bị, tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại hôm nay.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ luôn có vai trò đặc biệt, có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, vị trí công việc gì, phụ nữ Việt Nam cũng luôn tỏa sáng phẩm chất "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" như 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng cho phụ nữ Việt Nam.
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ với nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phụ nữ trong tạo việc làm, khởi nghiệp… với những chính sách đó, Việt Nam đã tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội, những lúc thuận lợi cũng như khó khăn.
Nhân đây, Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với chị em phụ nữ trong hơn 2 năm chống dịch, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy đối ngoại và hội nhập; phụ nữ đã có nhiều vất vả, hy sinh, nhọc nhằn trong phòng, chống dịch, vừa gánh vai trò gia đình, vừa là thành viên của xã hội, đóng góp tích cực vào các nhiệm vụ chung.
Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân nói chung và người phụ nữ nói riêng, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Từ đầu năm tới nay, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành đã tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với nhiều đối tượng, nông dân, người lao động, doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng nhau chia sẻ, tìm các giải pháp thiết thực, hiệu quả, xử lý những khó khăn đang hiện hữu và cả trong tương lai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
"Chúng ta cần nhìn lại những việc đã làm được, chưa làm được để tiếp tục có các giải pháp nhằm cải thiện, tạo động lực, truyền cảm hứng làm việc, cống hiến của chị em phụ nữ ngày càng tốt hơn. Tất nhiên, cuộc đối thoại không thể giải quyết được tất cả các vấn đề, nhưng ít nhất chúng ta phải có ý thức không ngừng giải quyết các vấn đề nảy sinh, nỗ lực, quyết tâm phấn đấu vươn lên", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng đề nghị với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, chân thành, các đại biểu nói rõ những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc; các bộ, ngành trả lời có trách nhiệm về những vấn đề còn băn khoăn, trăn trở, lo lắng của phụ nữ cả nước.
"Những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó xử lý, giải quyết, mỗi người trên cương vị, thẩm quyền, trách nhiệm của mình phải cố gắng làm hết mình, không phải nêu ra vấn đề rồi để đấy. Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội", Thủ tướng nhấn mạnh.