Sáng nay (18/3) tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020. Đề án được triển khai theo Kết luận số 53 năm 2009 của Bộ Chính trị. Cùng tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đồng thời yêu cầu lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố dự hội nghị, trong đó có hơn 40 Ủy viên Trung ương dự hội nghị ở các đầu cầu địa phương, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ chống dịch. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước, vì dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Về hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện Đề án an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, Thủ tướng cho rằng, đây là lúc nhìn lại toàn diện, đánh giá một cách căn bản, rút ra các vấn đề lớn về an ninh lương thực của đất nước. Sản phẩm sau hội nghị, sắp tới, Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị Dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị về an ninh lương thực, trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về an ninh lương thực quốc gia thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự họp đánh giá những mặt được, chưa được sau 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị, đồng thời nhìn rộng ra kết quả sau hơn 30 năm đổi mới. Trước đây Việt Nam là đất nước thiếu ăn, nhưng đến nay, lương thực bình quân đầu người đạt trên 525kg, là 1 trong 3 nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu lương thực, cụ thể là gạo, đạt từ 6,5 đến 7 triệu tấn/năm.
Với việc Việt Nam ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và công tác nghiên cứu vào sản xuất nông nghiệp, nước ta đã có thương hiệu gạo ngon nhất thế giới được công nhận trong năm 2019. Cùng với đó, đời sống người nông dân được cải thiện tốt, lợi nhuận người trồng lúa đạt tối thiểu 30% so với giá thành sản xuất.
Cho rằng cần thẳng thắn thảo luận về những yếu kém của sản xuất nông nghiệp, trong đó có an ninh lương thực, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam xuất khẩu gạo thuộc top đầu thế giới, nhưng xếp hạng về an ninh lương thực chỉ ở mức trung bình, đứng thứ 57/113 quốc gia. Đời sống nông dân nước ta khá hơn trước nhưng vẫn còn nghèo.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề, trong diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện nay thì giữ lại diện tích đất lúa bao nhiêu là phù hợp; những hạ tầng nào cần tiếp tục đầu tư trong sản xuất nông nghiệp; vấn đề công nghiệp chế biến và thất thoát sau thu hoạch giải quyết ra sao; sản lượng lớn nhưng xuất khẩu lương thực đạt hiệu quả đến đâu; vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã trong các vấn đề này...
Đề nghị các đại biểu, trong đó có các nhà khoa học nêu giải pháp sắp tới, Thủ tướng cho rằng, phải đảm bảo an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trong đó, đóng góp vào an ninh lương thực thế giới là cần thiết, nhưng trước hết phải lo cho gần 100 triệu dân nước ta. Đây là mặt hàng thiết yếu, cần thiết, ổn định trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Cách đây vài hôm khi có một số cá nhân từ nước ngoài vào Việt Nam bị nhiễm Covid-19, thị trường đã có sự nhốn nháo, nhất là có tình trạng mua lương thực dự trữ.
"Thủ tướng phải điện thoại chỉ đạo lãnh đạo Tổng Công ty lương thực miền Bắc đưa lương thực bán đầy đủ cho dân, bán đến 11h đêm để bình ổn. Điều đó cho thấy nếu chúng ta không có lương thực thì thực hiện làm sao được điều này?. Cho nên dự trữ lương thực, ổn định trong mọi điều kiện rất quan trọng. Đây là mặt hàng chính yếu, chiến lược và không được coi thường.
Cho nên chúng ta sống trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tương tác với thế giới ảo, nhưng chúng ta không được ảo. An ninh lương thực luôn luôn là vấn đề hệ trọng với mọi quốc gia, nhất là trong bối cảnh bất ổn chính trị, biến đổi khí hậu liên tục xảy ra, đặc biệt là an ninh phi truyền thống như bệnh tật xảy ra. Do đó, đảm bảo an toàn, ổn định cho người dân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước chúng ta"-Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 10 năm triển khai Kết luận 53 của Bộ Chính trị, toàn ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng 2,61%/năm.
Tình trạng thiếu dinh dưỡng được cải tiến đáng kể, từ mức trên 18% giai đoạn trước đó xuống còn gần 11% hiện nay. Lượng gạo ăn bình quân đầu người giảm từ 132kg năm 2008 xuống còn gần 97kg năm 2018. Cũng theo các thời điểm này, lượng thịt ăn bình quân đầu người tăng từ 17kg lên 26 kg.
Cùng với đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn được đẩy mạnh triển khai. 10 năm qua cả nước đã đào tạo 9,6 triệu lao động nông thôn. 90% sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục việc làm cũ với thu nhập cao hơn.
Đến năm 2019, cả nước có 15.300 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 73% hoạt động hiệu quả; gần 12.600 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.