Thủ tướng nêu 5 bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xã hội năm 2023

GD&TĐ - Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 5 bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xã hội năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Nhiều điểm sáng nổi bật

Sáng 23/10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024.

Thủ tướng cho biết, tại Kỳ họp này, Chính phủ đã gửi đến Quốc hội 77 hồ sơ, tài liệu, báo cáo, tờ trình, trong đó có Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024.

Thủ tướng nêu bối cảnh thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024.

Theo Thủ tướng, nước ta bước vào thực hiện kế hoạch năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức chồng chất.

Tình hình khu vực, thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, cạnh tranh, xung đột ngày càng gay gắt hơn; tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại; lạm phát vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt; tiêu dùng, thương mại, đầu tư suy yếu…

Công tác điều hành trong nước chịu áp lực lớn; vừa phải tập trung chống chịu, thích ứng với các diễn biến bất lợi, tranh thủ cơ hội, thời cơ từ bên ngoài; vừa phải xử lý, tháo gỡ những vấn đề tồn đọng, tích tụ của doanh nghiệp, dự án đầu tư, những bất cập, vướng mắc của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm thuốc, vật tư y tế, hệ thống đăng kiểm, ứng phó các vấn đề phát sinh về hỗ trợ người lao động, phòng chống thiên tai, bão lũ, hạn hán.

Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới trong trung và dài hạn của nền kinh tế.

Trong bối cảnh nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ; khó khăn, thách thức nhiều hơn đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2023.

Khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, khoa học của Trung ương mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương;

Sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023.

Nhờ đó, nước ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, tuy chưa đạt được mục tiêu nhưng vẫn thuộc nhóm cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật được chú trọng, dành nhiều thời gian, đổi mới cách chỉ đạo, cách làm. Đầu tư công và các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, có kết quả và sản phẩm cụ thể; nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ trong khó khăn.

Các lĩnh vực về văn hóa, xã hội được triển khai tương đối đồng bộ, kịp thời, đúng đối tượng. Độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.

Công tác đối ngoại là điểm sáng nổi bật của năm 2023, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có tính lịch sử, tạo thuận lợi mới, cơ hội mới, thời cơ mới để phát triển KTXH và tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới.

"Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự ủng hộ, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình KTXH tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực", Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, nền kinh tế vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.

Các đại biểu tham dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Các đại biểu tham dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

5 bài học kinh nghiệm

Sau khi phân tích những kết quả đạt được trong năm 2023 và những tồn tại hạn chế, Thủ tướng nêu 5 bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, cần quán triệt, nghiêm túc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Thứ hai, nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên, quyết tâm cao, đổi mới sáng tạo; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài.

Thứ ba, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chỉ đạo điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm.

Thứ tư, giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ năm, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; chú trọng ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa, xã hội; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Trong đó, Thủ tướng lưu ý kinh nghiệm quan trọng là phải đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả về những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm.

Các đại biểu nghiên cứu tại liệu.

Các đại biểu nghiên cứu tại liệu.

Nhấn mạnh mục các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2024, Thủ tướng cho biết, có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%;

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%;

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%... Dự toán thu ngân sách Nhà nước tăng khoảng 5%; bội chi ngân sách Nhà nước dưới 4% GDP.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.