Thủ tướng làm việc với Đại học Việt Nhật

GD&TĐ - Chiều 15/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm và làm việc với cán bộ, giảng viên Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành của Việt Nam; ông Takebe Tsutomu, Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt; ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.

Đánh giá cao những kết quả mà trường đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Đại học Việt Nhật thành lập ngày 21/7/2014 là một biểu tượng của quan hệ đối tác chiến lược hợp tác toàn diện Việt Nam - Nhật Bản với mục tiêu trở thành trường đại học tiên tiến ngang tầm khu vực, quốc tế, nơi hội tụ những tiến bộ của giáo dục quốc tế cũng như những thế mạnh và giá trị riêng của hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

Theo Thủ tướng, dù còn gặp nhiều khó khăn của bước đầu thành lập trong thời gian ngắn vừa qua, song với sự nỗ lực của cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản, Đại học Việt Nhật đã đạt được những kết quả quan trọng.

“Kinh nghiệm của chính Nhật Bản từ thế kỷ 19 cho thấy giáo dục là con đường thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu và tiến lên phát triển toàn diện đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay, giáo dục và đào tạo đóng vai trò then chốt, quyết định khả năng nắm bắt cơ hội, đi tắt đón đầu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của quốc gia”. Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết Việt Nam coi giáo dục là quốc sách và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, là một đột phá chiến lược về phát triển kinh tế xã hội.

Bày tỏ kỳ vọng rất lớn vào những giá trị mà trường sẽ đóng góp cho xã hội, tác động lan tỏa tích cực đến các trường đại học khác của Việt Nam, Thủ tướng cho rằng Đại học Việt Nhật cần hướng đến trở thành một trường đại học nghiên cứu đạt trình độ quốc tế, là nơi cung cấp tinh hoa, nhân tài cho xã hội. Trường không chỉ tập trung vào chuyên môn mà cần chú trọng xây dựng văn hóa, tinh thần kỷ luật trong giới trẻ, phát triển toàn diện từ kỹ năng đến tư chất và khả năng nghiên cứu. Đặc biệt, trường cần liên kết chặt chẽ và hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp. Các chương trình và nội dung đào tạo phải được xây dựng trên cơ sở tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của Nhật Bản, bám sát nhu cầu thực tế tại Việt Nam và cập nhật với trình độ quốc tế.

 Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng cho rằng trước mắt phải chung tay hợp tác trong 3 việc lớn.

Thứ nhất, cần phải hoàn thiện mô hình phát triển và bộ máy quản trị theo hướng hiện đại, tiên tiến. Là một đơn vị thành viên, Đại học Việt Nhật cần hợp tác, liên kết chặt chẽ với các trường, đơn vị trực thuộc của Đại học Quốc gia Hà Nội trong đào tạo, nghiên cứu và sử dụng cơ sở vật chất dùng chung. Đồng thời, cần thực hiện định hướng chiến lược phát triển các ngành công nghệ mũi nhọn mà các đối tác Nhật Bản có ưu thế và Việt Nam có nhu cầu nhưng chưa có điều kiện triển khai.

Thứ hai, chú trọng phát triển đội ngũ nhà khoa học trình độ cao, cán bộ quản lý có tư duy, phương pháp và kỹ năng quản trị đại học tiên tiến. Không chỉ chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên hiện có, trường cần mở rộng cánh cửa trao đổi cho các giảng viên trẻ, những tài năng muốn cống hiến cho sự phát triển của nhà trường và đất nước.

Để hiện thực hóa điều này, trường cần một không gian mở, một môi trường văn hóa giàu bản sắc, đề cao tính phản biện, tính đa dạng, nguyên tắc công bằng, dân chủ, không ngừng tự đổi mới về cơ chế, chính sách, về phương pháp quản trị, cập nhật những xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trường phải luôn là hình mẫu về tình tiên phong, là nơi chứng nghiệm cho các cải cách giáo dục có tính lan tỏa cả Việt Nam và Nhật Bản.

Vấn đề thứ 3 trong chung tay hợp tác là đào tạo và nghiên cứu khoa học cần gắn kết, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng nhân lực theo đặt hàng của doanh nghiệp, của nền kinh tế, là nơi giao thoa các điểm tương đồng văn hóa Á Đông, là cầu nối và biểu tượng cho mối quan hệ chiến lược Việt Nam - Nhật Bản và rộng hơn nữa, là biểu tượng toàn diện về hợp tác giáo dục vì sự phát triển bền vững mang tính hình mẫu của ASEAN và châu Á.

Về các kiến nghị của nhà trường, Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam đang khẩn trương soạn thảo nghị định về cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập và xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho các trường đại học hợp tác quốc tế, áp dụng cho Đại học Việt Đức, Đại học Việt Nhật, Việt Pháp bao gồm cả cơ chế về chế độ lương, đãi ngộ, học phí, quản trị tự chủ…

Các bộ, cơ quan của Việt Nam đang khẩn trương hoàn thành các quy định về việc vay vốn ODA ưu đãi từ Chính phủ Nhật Bản cho xây dựng Đại học Việt Nhật. Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản tới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên sẽ trao đổi thêm về việc này. Đồng thời, các cơ quan Việt Nam sẽ cố gắng hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2018, cân đối đủ vốn đối ứng để thực hiện các hoạt động chuẩn bị để triển khai xây dựng trụ sở trường tại Hòa Lạc. Chính phủ Việt Nam cam kết cùng phía Nhật Bản phát triển thành công Đại học Việt Nhật sớm trở thành một biểu tượng của của mối quan hệ hợp tác hữu nghị thắm thiết, văn hóa tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.