Thủ tướng Israel tuyên bố nóng về hành động tiếp theo

GD&TĐ - Thủ tướng Israel cho biết ông có ý định nhổ bỏ tận gốc hệ tư tưởng “độc hại” khỏi các nhà thờ Hồi giáo và trường học của người Palestine .

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

“Israel sẽ thanh lọc các nhà thờ Hồi giáo và trường học ở Gaza khỏi hệ tư tưởng ‘độc hại’ của họ sau khi cuộc chiến với Hamas kết thúc”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói với chủ sở hữu nền tảng X (hay còn gọi là Twitter) Elon Musk trong một cuộc phỏng vấn hôm 28/11.

Thủ tướng Israel lấy các quốc gia vùng Vịnh giàu có làm ví dụ về các quốc gia Hồi giáo đã “phi cực đoan hóa”.

Nói chuyện với tỉ phú người Mỹ Elon Musk trong một cuộc phỏng vấn được phát trực tiếp trên mạng xã hội X, ông Netanyahu nhấn mạnh việc tiêu diệt Hamas sẽ là “tiền thân” cho những thay đổi mang tính hệ thống hơn ở Gaza.

“Chúng ta phải phi quân sự hóa Gaza sau khi Hamas bị tiêu diệt. Chúng ta phải phi cực đoan hóa Gaza và điều đó sẽ mất một thời gian. Đặc biệt là làm việc tại các nhà thờ Hồi giáo và trường học, đó là nơi trẻ em thấm nhuần các giá trị của mình. Và sau đó chúng ta phải xây dựng lại Gaza”, ông Netanyahu nói.

Trong suốt chiến dịch trên không và trên bộ kéo dài 7 tuần của Israel tại vùng đất Palestine, Thủ tướng Israel đã nhiều lần tuyên bố rằng, Hamas sẽ không còn tồn tại vào thời điểm hoạt động này kết thúc. Tuy nhiên, ông tỏ ra ít rõ ràng hơn về tương lai của lãnh thổ này.

Trong khi một số người trong chính phủ của ông kêu gọi thanh lọc sắc tộc trên quy mô lớn và chiếm đóng dải đất, thì Thủ tướng hồi đầu tháng này lại nói rằng, “phải có một chính phủ dân sự ở đó”, mà không giải thích liệu chính phủ đó sẽ được điều hành bởi Chính quyền Palestine hay do một nhóm chính trị khác điều hành.

Mở rộng tầm nhìn của mình về một Gaza “phi cực đoan hóa”, ông Netanyahu nói với ông Musk: “Trước tiên bạn phải loại bỏ độc hại, như bạn đã làm ở Đức, như bạn đã làm ở Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai”.

Nhà lãnh đạo Israel đồng thời chỉ ra Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain là ví dụ về các quốc gia Ả Rập đã trải qua quá trình này, có thể đề cập đến việc họ công nhận Israel vào năm 2020.

Với việc Riyadh đang trên đà đạt được thỏa thuận công nhận do Mỹ làm trung gian trước khi cuộc chiến hiện tại bắt đầu, ông Netanyahu nói thêm rằng “điều tương tự đang xảy ra ở mức độ đáng kể ở Ả Rập Saudi”.

Nhà lãnh đạo Israel gợi ý “những người bạn Ả Rập” của đất nước ông có thể giúp xây dựng lại Gaza, nơi Liên Hợp Quốc ước tính rằng, khoảng một nửa số nhà cửa đã bị phá hủy kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi nói rằng, các quốc gia Ả Rập sẽ không tham gia bất kỳ hoạt động gìn giữ hòa bình nào sau xung đột ở Gaza, cũng như sẽ không “dọn dẹp mớ hỗn độn” mà quân đội Israel để lại.

“Làm sao ai có thể nói về tương lai của Gaza khi chúng ta không biết Gaza sẽ ra sao sau khi cuộc chiến kết thúc?”, ông Safadi hỏi vào thời điểm đó.

Tỷ phú Elon Musk đã tới Israel hôm 27/11 để gặp Thủ tướng Israel Netanyahu và gia đình của những người Israel bị Hamas bắt làm con tin.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh các nhóm Do Thái cáo buộc rằng, tỷ phú này đã cho phép nội dung bài Do Thái trên mạng xã hội X, tuy nhiên, sau khi nghe Thủ tướng Israel giải thích về lý do cuộc chiến tại Dải Gaza, ông Musk tỏ ra đồng tình, cho rằng, điều quan trọng là phải "loại bỏ những kẻ có ý đồ sát hại người Do Thái".

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...