Thủ tướng đề nghị Bộ Công an phải có giải pháp liên quan mẫu hộ chiếu mới

GD&TĐ -  Tại phiên họp Chính phủ,  Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Công an nghiên cứu và có giải pháp về vấn đề liên quan tới mẫu hộ chiếu mới, tránh những tác động bất lợi trong bối cảnh đất nước mở cửa.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ngày 3/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới các địa phương.

Buổi sáng, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng gửi lời chia buồn tới thân nhân, gia đình 3 chiến sĩ hy sinh

Lắng nghe các ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực và kết quả của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua. Đơn cử, Bộ Giao thông vận tải có những điểm sáng về giải ngân đầu tư công. Đây cũng là Bộ có số vốn đầu tư công lớn nhất; quyết liệt triển khai thu phí không dừng; thúc đẩy phát triển đường sắt…

Thủ tướng cũng lưu ý một số công việc cụ thể như đề nghị Bộ Công an nghiên cứu và có giải pháp về vấn đề liên quan tới mẫu hộ chiếu mới, tránh những tác động bất lợi trong bối cảnh mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng phát biểu kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng phát biểu kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát đã dũng cảm hy sinh trong vụ cháy gần đây tại Hà Nội, đồng thời nhắc nhở các địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân, trong đó có công tác phòng cháy, chữa cháy.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương thúc đẩy mạnh mẽ việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; công khai trên báo chí về những địa phương làm tốt và chưa làm tốt. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các chỉ đạo, đôn đốc về nội dung này.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, công tác điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ được chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên. Việc điều hành kinh tế vĩ mô vừa qua rất quan tâm lắng nghe ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân, sát tình hình, kịp thời, phù hợp, như vấn đề giá cả, nguồn cung xăng dầu, thịt lợn…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế đã cơ bản giải quyết được một bước; sắp tới, sẽ tính phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần, trân trọng, gìn giữ sách để dùng lâu dài.

Vắc xin vẫn là vũ khí chiến lược, lá chắn hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tiếp tục được triển khai đồng bộ, quyết liệt, bài bản.

Thủ tướng cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là do giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; khó khăn về vốn, tín dụng... Đời sống một bộ phận người dân khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thiệt hại do thiên tai tăng, tổng giá trị thiệt hại 5.624,5 tỷ đồng (gấp 7,3 lần cùng kỳ năm 2021).

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, số ca mắc Covid-19 tăng do sự xuất hiện của biến chủng mới. Công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong số các nguyên nhân chủ quan và khách quan, nguyên nhân chủ quan là vẫn còn một số tập thể lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, chưa bám sát công việc, kiểm tra đôn đốc và đôi khi còn lơ là, chủ quan.

Nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng cần tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo của Đảng; đoàn kết thống nhất, giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính; hết sức bình tĩnh, giữ vững bản lĩnh, phát huy kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, đánh giá đúng nguyên nhân để có nguyên nhân, giải pháp phù hợp.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không". Ảnh: VGP/ Nhật Bắc.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không". Ảnh: VGP/ Nhật Bắc.

Về trọng tâm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không".

Về nội dung "3 tăng cường", Thủ tướng cho biết, đó là: Tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; Tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tăng cường tiêm vắc xin; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính.

Việc tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả rất có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ hiện nay.

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng nêu rõ, từ kinh nghiệm "xương máu", vắc xin vẫn là vũ khí chiến lược, lá chắn hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch; cần tiếp tục đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng; theo sát diễn biến, sẵn sàng các phương án, kịch bản, nhân lực, trang thiết bị vật tư, y tế phục vụ khám chữa bệnh và cho công tác phòng, chống dịch trên phạm vi toàn quốc và ở từng địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ