Tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/2, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020.
Ảnh minh họa/internet |
Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp để đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trên cơ sở đó, Đề án đặt ra 3 mục tiêu cụ thể:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo lập hệ thống đòn bẩy khuyến khích hợp lý, ổn định và dài hạn, nhất là ưu đãi về thuế và các biện pháp khuyến khích đầu tư khác, thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo cơ chế thị trường vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh.
Thứ hai, hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp để trở thành các ngành kinh tế chủ lực.
Thứ ba, từng bước củng cố nội lực của nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế và củng cố vị thế quốc gia trên trường quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Cũng theo Đề án, tái cơ cấu một số lĩnh vực chủ yếu cần bảo đảm duy trì môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, ổn định. Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, triệt để tiết kiệm; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu không khuyến khích, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; tăng cường huy động nguồn lực phục vụ cho mục tiêu đầu tư phát triển; tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu; theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước, kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường;…
Ngoài ra, cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả các trọng tâm tái cơ cấu kinh tế. Trong đó có tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống tài chính – ngân hàng, trọng tâm là các tổ chức tín dụng; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Đồng thời, cần đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành sản xuất, dịch vụ, điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của nền kinh tế; tiếp tục tái cơ cấu, xây dựng và phát triển cơ cấu vùng kinh tế hợp lý.
Quyết định cũng đưa ra một số nhóm giải pháp nhằm đạt được những mục tiêu đề ra như: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh quốc gia; nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn chiến lược với quy hoạch, kế hoạch, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch; đổi mới cơ chế, chính sách huy động, phân bổ, sử dụng vốn đầu tư; tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, trọng tâm là các ngân hàng thương mại; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân; thực hiện hiệu quả các chương trình đồng bộ hỗ trợ phát triển các cụm sản xuất liên ngành; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, nâng cao hiệu quả và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế;…
Theo ĐCSVN