Thủ tục “đi đêm” làm khó doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Thủ tục “đi đêm” làm khó doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Doanh nghiệp kêu cứu vì thủ tục lúc nửa đêm!

Ngày 10/4, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng. Nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó trong thực hiện chủ trương này. Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo tại ĐBSCL đã có đơn kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Nội dung của đơn kiến nghị là đề nghị xem xét lại việc mở tờ khai thông quan xuất khẩu gạo. Khó hiểu nhất là việc xúc tiến thủ tục tờ khai hải quan âm thầm “trong đêm khuya” khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay.

Theo phản ánh, nhiều doanh nghiệp không thể tham gia xuất khẩu gạo trong tháng 4 do không kịp đăng ký tờ khai hải quan trực tuyến. Nguyên nhân là do việc mở tờ khai trực tuyến lúc 0 giờ ngày 12/4. Chỉ sau vài giờ số lượng đăng ký xuất khẩu gạo đã đủ 400 nghìn tấn. Nhiều doanh nghiệp xếp hàng chờ hàng tháng trời giờ phải tiếp tục “neo” các container gạo ở bến cảng!

Hiện Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) đã gửi đơn kêu cứu lần 2. Theo ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc công ty, vào lúc 10 giờ 28 phút ngày 11/4, công ty nhận được Quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương. Ngay sau đó, công ty đã túc trực trên máy tính để mở tờ khai cho những lô hàng khai dang dở từ ngày 24/3. Nhân viên trực đến 21 giờ 11/4, nhưng hệ thống phần mềm Hải quan điện tử không mở. 

Công ty cũng không tìm thấy bất kỳ thông tin công bố hoặc công văn có liên quan về việc mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai và thông quan hàng gạo của Hải quan. Sau đó công ty lên hệ thống phần mềm Hải quan điện tử VNACCS để lấy thông tin tờ khai thì chỉ nhận được hệ thống báo như sau: “Thực hiện không thành công, kết thúc bất thường được phát hiện ở trung tâm”. Đến sáng Chủ nhật (12/4), công ty tiếp tục lên hệ thống để thực hiện mở tờ khai thì hệ thống công bố là đã đủ chỉ tiêu!

Không chỉ Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An mà nhiều doanh nghiệp xuất gạo ở ĐBSCL cũng “chậm chân”. Theo Quyết định số 1106 ngày 10/4 về việc công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương thì tại Cần Thơ có 13/41 doanh nghiệp được phép xuất hơn 77.000 tấn gạo trong tháng 4. Trước đó các đơn vị này đã thực hiện ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài và đăng ký khai hải quan đầy đủ. 

Tuy nhiên, đến sáng 12/4, một số doanh nghiệp ở Cần Thơ cho biết số lượng 400 nghìn tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 được thông báo đã đủ số hạn ngạch và tạm dừng khai báo hải quan và thông quan. Hiện các doanh nghiệp vẫn còn lượng lớn lưu kho chưa được phân bổ hạn ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, số nợ cho vay của các ngân hàng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn đã lên tới 7.700 tỷ đồng...

Hàng nghìn container gạo tiếp tục chờ ngoài cảng

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, điều đáng lo nhất là số gạo đã đóng container lưu ở kho bãi và bến cảng để chờ xuất khẩu. Nếu chậm xuất đi sẽ gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp do chi phí lưu kho bãi phát sinh rất lớn. Chỉ riêng các doanh nghiệp ở Cần Thơ hiện nay có gần 10.000 tấn gạo chờ xuất khẩu. Chi phí phát sinh mà các doanh nghiệp phải trả lên tới hàng tỷ đồng. Hiện có nhiều doanh nghiệp gạo tồn từ 1.000 - 2.000 tấn trong container từ ngày 26/3 đến nay cũng không khai xuất được lô nào.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo có gần 6.900 tấn đã vào container. Số hàng này bị kẹt do lệnh tạm dừng xuất khẩu ngày 24/3. Đơn vị này chỉ chờ khai thực tế để xuất, nhưng bị ứ lại vì khai quan lúc 0 giờ. Với lượng gạo trên, tính phí lưu container 50 USD/container, công ty mất khoảng 14.000 USD/ngày (gần 300 triệu đồng/ngày). Chưa kể, hơn 4.000 nghìn tấn gạo đang bị ùn lại, lênh đênh trên sà lan, mỗi ngày chi phí mất 120 triệu đồng.

Công ty TNHH Dương Vũ, hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu gạo tại tỉnh Long An cũng có đơn cầu cứu vì tồn 12.500 tấn nếp từ 20/3 đến nay. Công ty này hoàn toàn đồng ý với quyết định của Thủ tướng về việc áp dụng hạn ngạch 400 nghìn tấn gạo trong tháng 4 để bảo đảm an ninh lương thực trước tình hình dịch bệnh. 

Tuy nhiên, mặt hàng nếp và tấm nếp không thuộc diện dự trữ quốc gia, không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia. Khách hàng đang có nhu cầu cao. Doanh nghiệp có thể xuất khẩu với giá cao, mang lại lợi ích cho Nhà nước, nông dân. Thế nhưng mặt hàng này lại không được phép xuất khẩu và cũng rất khó tiêu thụ hết trong nước.

Vì nguyên nhân này mà công ty đang đứng trước bờ vực phá sản kéo theo nhiều hệ lụy khác. Những hộ nông dân đã được công ty bao tiêu trồng nếp không thể tiêu thụ. Ngân hàng không thu được công nợ (công ty hiện đang nợ ngân hàng hơn 300 tỷ đồng). Hơn 400 công nhân viên của công ty lâm vào tình cảnh thất nghiệp. Hiện tại, công ty đã đóng 500 container (tương đương 12.500 tấn nếp và tấm nếp) đã lưu container từ ngày 20/3 nhưng chưa kịp xuất khẩu. Nay lại tiếp tục không thể khai báo hải quan. Nếu kéo dài đến tháng 5 chất lượng hàng hóa sẽ xuống cấp. Đồng thời, khách hàng yêu cầu bồi thường hủy hợp đồng nếu không giao hàng kịp trong tháng 4.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ