Bao gồm TP Đà Nẵng, Bình Dương, An Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Quảng Nam, Bình Phước.
Thí sinh F1, F2 được đưa, đón bằng xe riêng
Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Trần Nguyễn Minh Thành – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã hoàn tất, tất cả đã sẵn sàng chờ ngày “trống điểm trường thi”.
Đại diện Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho biết, kỳ thi năm nay có hơn 12.700 thí sinh đăng ký dự thi tại 31 điểm thi và được bố trí 550 phòng thi. Thành phố huy động hơn 3.600 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi; khoảng 700 cán bộ, giáo viên dự phòng coi thi.
Công tác in sao đề được Hội đồng thi TP Đà Nẵng đặc biệt quan tâm và thực hiện đúng quy chế. Thành phố quyết định bố trí 3 xe chuyên dụng để vận chuyển bàn giao đề thi đến các điểm thi, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Địa phương này xây dựng phương án: Những thí sinh F1, F2 và những thí sinh nằm trong vùng cách ly sẽ dự thi ở điểm thi riêng, đảm bảo các điều kiện theo quy chế và công tác phòng, chống dịch bệnh. Những thí sinh này sẽ được đưa đón bằng xe riêng của y tế.
Để đảm bảo giãn cách, mỗi phòng thi ở điểm thi này sẽ bố trí tối đa 12 thí sinh. Thí sinh sẽ được hỗ trợ ăn uống buổi trưa (nếu có nhu cầu ở lại). Người làm công tác thi được trang bị bảo hộ phòng dịch. Công tác khử khuẩn được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, sau mỗi buổi thi, bài thi sẽ được khử khuẩn bằng máy chuyên dụng của lực lượng công an.
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho hay, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh quyết định tổ chức kỳ thi thành 2 đợt. Hiện toàn tỉnh có hơn 1.200 thí sinh thuộc diện F0, F1. Dự báo, con số này vẫn còn biến động trong một vài ngày tới.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh cũng quyết định dừng hoạt động các điểm thi trên địa bàn thị xã Đức Phổ. Theo đó, gần 1.300 thí sinh ở địa phương này sẽ chuyển sang thi đợt 2.
Cũng theo đại diện Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, hiện có 1 người trong Ban in sao đề thi thuộc diện F2. Hội đồng thi đã có phương án ứng phó với tình huống: F2 trở thành F1. Tuy nhiên, dù diễn biến thế nào thì công tác in sao đề thi vẫn phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình và quy chế.
Tại tỉnh Phú Yên, 4/9 huyện, thị xã đã xuất hiện F0. Hiện có gần 400 học sinh diện F1, F2… Sở GD&ĐT đề xuất thí sinh và cán bộ coi thi test nhanh Covid-19 trước kỳ thi. Muộn nhất ngày, 4/7, UBND tỉnh sẽ quyết định phương án tổ chức kỳ thi (một đợt hoặc hai đợt). Nếu Phú Yên thay đổi phương án thi (tổ chức thành 2 đợt), thì đề nghị Bộ có hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi tuyển sinh cho những thí sinh thi đợt 2.
Sẵn sàng ứng phó với tình huống phát sinh
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng ghi nhận sự chuẩn bị của các địa phương, đồng thời khẳng định: Kỳ thi có ý nghĩa quan trọng, không chỉ xét tốt nghiệp THPT mà còn làm cơ sở quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển.
Kỳ thi này sẽ phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm của các địa phương, do đó đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực rất cao của toàn ngành và xã hội, đảm bảo công bằng, an toàn, khách quan, nghiêm túc, tạo tâm lý an tâm cho thí sinh và phụ huynh.
Ngoài yêu cầu về nhiệm vụ chuyên môn, Thứ trưởng nhấn mạnh: Mục tiêu an toàn là số 1. An toàn không chỉ đơn thuần là phòng chống dịch bệnh mà còn đảm bảo an toàn về sức khoẻ, vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông và an toàn trong những tình huống mưa bão, lũ lụt…
Đến thời điểm này, trong số các địa phương trên, có 3 tỉnh tổ chức thi 1 đợt, 3 tỉnh tổ chức thi thành 2 đợt và 2 địa phương chưa có quyết định cụ thể (đang xin ý kiến chỉ đạo). Theo Thứ trưởng, việc tổ chức Kỳ thi 1 đợt, hay 2 đợt sẽ do địa phương quyết định dựa trên tình hình thực tế và có tham vấn của ngành Y tế. Kỳ thi này sẽ do địa phương chịu trách nhiệm hoàn toàn. Nguyên tắc chung là đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan.
Nhấn mạnh một số biện pháp cần quan tâm, chú trọng, Thứ trưởng lưu ý: Các địa phương cần rà soát lại kế hoạch tổ chức kỳ thi, đảm bảo nguồn lực và các điều kiện cần thiết trong coi thi, chấm thi. Đặc biệt, cần xây dựng phương án với nhiều kịch bản khác nhau nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh.
Địa phương nào chưa hoàn chỉnh việc tập huấn, cần khẩn trương thực hiện. Tài liệu tập huấn cho cán bộ coi thi, thanh tra, kiểm tra cần được chuẩn bị kỹ càng, tường minh, dễ hiểu. Đồng thời, phổ biến, quán triệt đến thí sinh Quy chế thi bằng hình thức trực tuyến.
Thứ trưởng lưu ý, cần đề phòng gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao. Công tác chỉ đạo cần được thực hiện sát sao, thường xuyên, có sự phối hợp giữa các sở, ngành; bình tĩnh xử lý khi các tình huống đột xuất xảy ra.
Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Chủ động tuyên truyền, tạo sự đồng thuận đối với học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội.
Thứ trưởng đề nghị, Sở GD&ĐT các địa phương cần tham mưu với lãnh đạo tỉnh chuẩn bị tốt các khâu tổ chức Kỳ thi. Những kiến nghị, đề xuất của địa phương, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Riêng về xét tuyển đại học, Bộ sẽ có phương án đảm bảo quyền lợi cho thí sinh ở cả hai đợt thi. Hiện, Bộ đã dự kiến phương án xét tuyển 1 lần cho cả 2 đợt thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo đó, thí sinh thi đợt 1 và đợt 2 có cơ hội xét tuyển ngang nhau, đảm bảo quyền lợi và sự công bằng đối với thí sinh.
Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn khiến cho khoảng cách thi đợt 2 với đợt 1 quá xa, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn trong công tác tuyển sinh; đảm bảo quyền lợi của thí sinh, an toàn phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn không ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh.