Ngày 3/12, Phiên chính thức Đại hội toàn thể lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025 của Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Tham dự có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 93 thành viên, giảm 54 thành viên so với số ủy viên Ban chấp hành nhiệm kỳ I. Ban chấp hành Khóa II đã họp phiên đầu tiên để bầu Ban Thường vụ gồm 44 ủy viên, giảm 19 người so với số ủy viên Ban Thường vụ nhiệm kỳ I.
Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 là TS Vũ Ngọc Hoàng - nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW.
Các Phó Chủ tịch 11 người gồm: PGS.TS Hoàng Minh Sơn (Thứ trưởng Bộ GD&ĐT); PGS.TS Trần Xuân Nhĩ; PGS.TS Trần Quang Quý; TS Lê Trường Tùng; TS Lê Viết Khuyến; TS Nguyễn Đình Hảo; PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải; PGS.TS Nguyễn Minh Tâm; PGS.TS Lê Quang Sơn; PGS.TS Hà Thanh Toàn; Viện sỹ Trình Quang Phú.
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Hiệp hội trong sự phát triển của hệ thống các trường ĐH, CĐ Việt Nam; nhất là các trường tư thục đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua;
Hiệp hội đã có nhiều đóng góp trong công tác phản biện, tư vấn tham gia xây dựng chính sách về giáo dục ĐH-CĐ; trong đó có công tác tuyển sinh, tự chủ đại học và nhiều hoạt động thiết thực khác.
“Chúng tôi đánh giá cao sự nhiệt tình, tâm huyết đóng góp trí tuệ của các nhà giáo, cán bộ quản lý lão thành đã lãnh đạo Hiệp hội. Các thầy tiếp tục là các tấm gương để các thế hệ tiếp sau noi theo” – Thứ trưởng nói.
Khẳng định, những năm qua giáo dục ĐH-CĐ có những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận; Thứ trưởng nhấn mạnh: Trong thời gian tới đây, với những bối cảnh toàn cầu thay đổi, sự cạnh tranh giữa các trường ĐH nước ngoài với các trường ĐH trong nước sẽ trở nên gay gắt hơn.
Bên cạnh nguồn nhân lực trình độ, chất lượng cao; những tiến bộ công nghệ sẽ trở thành những yếu tố cạnh tranh cốt lõi của mỗi tổ chức, doanh nghiệp và mỗi quốc gia.
Thứ trưởng cho biết, dự thảo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Trung ương Đảng đã nhiều lần nhấn mạnh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là những đột phá chiến lược.
Cùng với đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99 của Chính phủ, và một số luật khác đã tạo hành lang pháp lý rộng hơn cho các trường ĐH-CĐ phát triển, nhất là cơ chế tự chủ.
Trong bối cảnh đó, hệ thống giáo dục ĐH-CĐ Việt Nam sẽ đứng trước những cơ hội lớn, nhưng đồng thời sẽ có những thách thức không nhỏ. Vì vậy, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong xây dựng chính sách, cơ chế triển khai, thì việc thành công trong hệ thống giáo dục đại học phụ thuộc rất nhiều vào chính các trường ĐH-CĐ cũng như sự hợp tác, liên kết trong hệ thống. Theo đó, Hiệp hội đóng vai trò quan trọng.
Theo Thứ trưởng, Hiệp hội mạnh hay không chính là từng trường ĐH- CĐ, từng thành viên phải mạnh, và có sự liên kết, hợp tác giữa các thành viên với nhau. Vì vậy, Hiệp hội phải mang lại lợi ích thực sự cho các thành viên, trở thành ngôi nhà chung của các thành viên và là nơi tập hợp, kết nối các thành viên, chia sẻ thông tin để cùng nhau phát triển.
Hiệp hội phải thực sự trở thành tiếng nói chung, tiếng nói đại diện cho các trường đại học, cao đẳng, cho các thành viên và là nơi tổ chức các hoạt động chia sẻ thông tin, chia sẻ tài nguyên và kết nối hợp tác giữa các thành viên với nhau.
Thứ trưởng cho rằng, một hiệp hội mạnh không chỉ là cơ quan thường trực mạnh, mà chính là ở thế mạnh của các trường. Nếu tận dụng được sức mạnh của các trường trong mọi hoạt động, trong nghiên cứu khoa học, xây dựng học liệu, sáng kiến trong đào tạo, xây dựng cơ chế tự chủ và nếu như Hiệp hội làm tốt vai trò kết nối, tận dụng sức mạnh của các trường thì toàn bộ hệ thống sẽ mạnh lên.
Thứ trưởng tin tưởng, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp hiệu quả hơn nữa trong phát triển hệ thống giáo ĐH-CĐ.