Tuy nhiên, nhiều khi người biên soạn chưa vững kĩ thuật ra đề, khâu kiểm duyệt, thẩm định chưa tốt, tạo nên những đề hoặc là mắc nhiều sai sót, hoặc dễ dãi, thiếu trí tuệ,...
Bên cạnh đó, số lượng câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong một đề kiểm tra (kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận ở THPT có khi chỉ là 3 câu khiến học sinh dễ dàng chọn được phương án đúng, nhiều khi chỉ bằng cách nhìn bài bạn.
Các câu hỏi, bài tập trắc nghiệm khách quan đã được thử nghiệm trong thực tế, được hội đồng thẩm định phê duyệt, đạt độ tin cậy cao, cần được tập hợp thành một ngân hàng đề với số lượng đủ lớn và khả năng lắp ráp linh hoạt để phục vụ cho các đợt kiểm tra, thi cử với quy mô khác nhau.
Để phát huy ưu thế của trắc nghiệm khách quan, PGS.TS Hoàng Hoà Bình cho rằng, trước hết, cần tăng số lượng câu hỏi, bài tập trong mỗi đề trắc nghiệm khách quan để bao quát được nhiều nội dung học tập, nhiều mạch kiến thức, kĩ năng; qua đó, đánh giá được học lực học sinh toàn diện hơn so với đề tự luận thường chỉ gồm một vài câu hỏi, bài tập.
Ví dụ, trong 45 phút kiểm tra, với học sinh lớp 5, tuỳ mức độ khó, dễ, có thể ra từ 20 đến 35 câu hỏi, bài tập (thậm chí từ 45 đến 55 câu với đề 60 phút).
Việc tăng số lượng câu hỏi, bài tập trong đề trắc nghiệm khách quan khiến học sinh phải hết sức tập trung mới có thể kịp đọc và làm hết bài trong thời gian cho phép.
Theo PGS.TS Hoàng Hoà Bình, đây được coi là thủ thuật ra đề nhằm đánh giá chính xác năng lực của học sinh, vì với thời gian làm việc gấp như vậy, học sinh phải có kiến thức, kĩ năng thuần thục và tâm lí vững vàng mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Trước yêu cầu làm việc hết sức khẩn trương, các em cũng sẽ không có thời gian sử dụng tài liệu đem vào phòng thi, không có thời gian giúp đỡ hay hỏi han những học sinh khác.
Mặt khác, vì nội dung của đề trắc nghiệm khách quan liên quan đến nhiều phần trong chương trình học nên học sinh khó đem theo tài liệu, mà dù tài liệu có đúng với nội dung kiểm tra, thi cử thì cũng khó dùng vì những câu hỏi đặt ra không phải là những câu chép từ sách giáo khoa.
Bên cạnh đó, để tránh hiện tượng học sinh nhìn bài nhau khi làm bài theo đề trắc nghiệm khách quan, theo PGS.TS Hoàng Hoà Bình, cần sử dụng ít nhất hai đề: Một đề phát cho học sinh có số báo danh chẵn, một đề số báo danh lẻ.
Các đề này có nội dung giống nhau, nhưng khác ở sự sắp xếp các câu hỏi và thứ tự các phư¬ơng án trả lời trong một câu hỏi.
Do vậy, nếu một học sinh không làm được bài, có chép bài của bạn thì kết quả cũng không khá hơn. Đó là những ưu điểm giúp giảm thiểu tình trạng gian lận trong thi cử khi ra đề trắc nghiệm khách quan.
Thêm nữa, khi ra đề trắc nghiệm khách quan, PGS.TS Hoàng Hoà Bình cho rằng, cần tránh hiện tượng sử dụng một cách đơn điệu chỉ một kiểu trắc nghiệm lựa chọn hoặc trắc nghiệm lựa chọn kết hợp với trắc nghiệm đúng - sai.
Bên cạnh những câu hỏi, bài tập kiểu lựa chọn câu trả lời đúng, đánh giá đúng - sai, cần bổ sung một số lượng nhất định các câu hỏi, bài tập kiểu đối chiếu, thay thế, sắp xếp, điền khuyết, trả lời ngắn.
Các câu hỏi, bài tập kiểu này sẽ giúp đánh giá được toàn diện nhiều kiến thức, kĩ năng, khả năng vận dụng kiến thức và đánh giá được phần nào khả năng lập luận, cảm thụ, giảm thiểu những hạn chế của đề trắc nghiệm khách quan.
Mặt khác, cần ra những đề phối hợp trắc nghiệm khách quan với trắc nghiệm tự luận nhằm đánh giá đúng khả năng lập luận, cảm thụ và diễn đạt của học sinh.