Theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhà trường, giáo viên không được vận động tài trợ để chi trả thù lao hoặc các hoạt động liên quan trực tiếp cho giáo viên, nhân viên trường học; kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh do ban quản lý, sử dụng và chỉ phục vụ các hoạt động trực tiếp của ban.
Những ngày qua dư luận xôn xao vì sự việc xảy ra ở Trường Tiểu học Chương Dương (Quận 1, TPHCM). Dù là xét ở góc độ nào thì hành động của nữ giáo viên cũng không đúng. Là phụ huynh của 2 cô con gái, con gái lớn học trường công lập từ lớp 1 đến hết lớp 12, con gái bé đang học lớp 4 trường tiểu học ngoài công lập nhưng chưa bao giờ tôi gặp cô giáo chủ nhiệm nào có hành vi như vậy.
Tuy nhiên, một số bạn bè tôi có con đang theo học các trường công lập ở Hà Nội có chia sẻ thông tin khi đi họp phụ huynh đầu năm và rất tâm tư, chỉ là họ không đủ dũng cảm phản ứng trước mặt cô giáo, không phản ánh lên mạng xã hội hay cung cấp thông tin cho báo chí.
Sự việc tương tự như ở Trường Tiểu học Chương Dương không phải là hiếm gặp ở Hà Nội. Đầu tháng 9 năm nay, bạn tôi có con học một trường công lập được mời đi họp phụ huynh. Trước khi họp, giáo viên chủ nhiệm đã trao đổi riêng với ban đại diện cha mẹ học sinh về những mong muốn của cô.
Sau đó, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi đóng góp tiền mua sắm trang thiết bị dạy học cho lớp như máy chiếu, điều hòa vì đồ hiện có đã được các lớp trước sử dụng đã cũ. Sau khi thuyết phục một hồi, các phụ huynh đã thống nhất tạm thời nộp quỹ lớp học kỳ I là mỗi em 1,5 triệu đồng để mua điều hòa, máy chiếu… và chi các khoản khác cho lớp. Sau này thiếu tiền sẽ kêu gọi phụ huynh đóng quỹ lớp tiếp.
Từ sau sự việc của cô giáo ở Trường Tiểu học Chương Dương hay sự việc ở trường con bạn tôi thì điều chúng ta nên quan tâm hơn cả không phải chỉ là lên án. Chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm gì sau sự việc đó để sau này ngành Giáo dục không để xảy ra những sự việc tương tự như vậy?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh kèm theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011. Tại khoản 4 Điều 10 của Điều lệ ghi rõ:
“4. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:
a) Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.
b) Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường”.
Mặc dù vậy, vào đầu năm học, ở cuộc họp phụ huynh lớp, nhiều ban đại diện cha mẹ học sinh đã lờ đi quy định trong Thông tư 55. Về lý thuyết thì ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ đại diện cho tiếng nói của đại đa số phụ huynh nhưng thực tế ở nhiều nơi họ lại là những “cánh tay nối dài” của giáo viên chủ nhiệm. Để tránh rơi vào những tình huống đáng tiếc như trên, cả giáo viên và phụ huynh đều nên rút kinh nghiệm và nên có cách ứng xử đúng mực.
Về phía giáo viên, tuyệt đối không được kêu gọi phụ huynh đóng góp tiền để mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy cho trường, lớp học hoặc cho giáo viên. Bởi vì, làm như vậy là vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh.
Có thể một số ít phụ huynh đủ dũng khí lên tiếng phản đối, nhưng đa số phụ huynh dù đồng ý nộp tiền quỹ cho con để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho cô giáo nhưng trong lòng ấm ức, bức xúc và bàn tán sau lưng rất nhiều. Thậm chí, có những phụ huynh sẽ vô tình kể những chuyện này trước mặt con với thái độ không tốt. Điều này sẽ khiến cho cả phụ huynh và học sinh cảm thấy không còn tôn trọng giáo viên như trước.
Để có được sự tôn trọng của phụ huynh và học sinh, giáo viên luôn phải cư xử chuẩn mực, không được tham, tâm huyết với nghề và yêu thương học trò hết lòng. Chỉ cần lỡ nảy sinh lòng tham một chút thì sẽ phá hỏng toàn bộ hình ảnh tốt đẹp trước đây của mình.
Mọi người sẽ không nhìn thấy, không công nhận bất kỳ sự cố gắng, nỗ lực nào của giáo viên trước đây mà sẽ chỉ nhìn thấy điều đang xảy ra trước mắt đó là giáo viên kêu gọi phụ huynh đóng tiền quỹ mua laptop cho cô giáo. Số tiền nhỏ này thực sự không xứng đáng để vì nó mà làm mất đi danh dự, uy tín của giáo viên, thậm chí là mất luôn công việc hiện có của giáo viên.
Về phía phụ huynh, nên đọc Thông tư, Điều lệ của Bộ GD&ĐT để biết chúng ta được phép làm gì và không được phép làm gì; nên thẳng thắn góp ý công khai trong buổi họp phụ huynh nếu như cảm thấy yêu cầu của giáo viên là vô lý và sai quy định.
Nếu như cả lớp đều nghe theo cô giáo, có thể làm đơn kiến nghị gửi ban giám hiệu nhà trường. Tôi tin rằng, chỉ cần một phụ huynh có văn bản có ý kiến thì nhà trường tuyệt đối sẽ không cho phép giáo viên triển khai việc thu quỹ mua sắm đồ dùng dạy học cho giáo viên như vậy.
Chính các phụ huynh cũng có lỗi khi đã “nuông chiều” yêu cầu vô lý của giáo viên và để xảy ra những sự việc đáng tiếc như thế. Giá như phụ huynh thẳng thắn, dám nói ra điều mình nghĩ, có ý kiến với giáo viên, nhà trường thì mọi việc sẽ được ngăn chặn kịp thời, không bị đẩy đi xa như thế. Cũng sẽ không xảy ra việc đưa thông tin ầm ĩ lên các báo, cô giáo cũng sẽ không bị cho ngừng đứng lớp như thế.
Trong trường hợp ban đại diện cha mẹ học sinh thu các khoản thu vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 10 của Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT thì các phụ huynh có quyền yêu cầu hoàn lại, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 15 Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm điều lệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động của ban phụ huynh thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hiệu trưởng nhà trường cũng cần có trách nhiệm trong việc nhắc nhở, chấn chỉnh hoạt động của ban phụ huynh nếu không tuân thủ quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý trực tiếp nếu xảy ra lạm thu.
Từ việc của cô giáo ở Trường Tiểu học Chương Dương, Bộ GD&ĐT cần quán triệt thêm trong ngành, bản thân mỗi giáo viên cũng cần nhìn lại mình để không vướng vào những sai phạm đáng tiếc như thế. Ngoài ra, để giải quyết tình trạng lạm thu quỹ ban, núp bóng “tự nguyện” thì bất kỳ thông tư, nghị định nào ban hành cũng phải thật chặt chẽ không để cho nhiều người có cơ hội lách luật.
Và một điều vô cùng quan trọng nữa là các bậc phụ huynh nên nắm chắc các quy định của Bộ GD&ĐT, thẳng thắn, mạnh dạn đóng góp ý kiến với giáo viên để giúp giáo viên không bị mắc sai lầm đáng tiếc như sự việc vừa qua và cũng để tránh phát sinh sự việc lùm xùm không đáng có cho ngành Giáo dục.