(GD&TĐ) - Đầu tuần này, Bắc Kinh vừa công bố “Sách trắng” quốc phòng 2013 của Trung Quốc. Cuốn sách ra đời như một động thái nhằm quảng bá cho sức mạnh quân sự của nước này - một nỗ lực nhằm giải thích cho cả thế giới rằng tại sao siêu cường thứ 2 lại cần một quân đội và hải quân lớn như vậy. Điều hết sức thú vị rằng cuốn sách không được công bố bởi Bộ Quốc phòng mà là Trung tâm Thông tin của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc.
Sách trắng tiết lộ nhiều thông tin mới
Sách trắng quốc phòng 2013 là cuốn Sách trắng thứ 8 của Trung Quốc và theo thông lệ, cứ 2 năm nó được công bố một lần. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh tiết lộ con số và cơ cấu các lực lượng vũ trang và như vậy, họ đã tước mất “miếng ăn” của nhiều nhà tình báo và các chuyên gia quân sự trên thế giới. Giờ đây chúng ta đã có thông tin chính thức rằng các lực lượng vũ trang Trung Quốc có quân số lớn nhất thế giới. Cụ thể, lục quân có 18 quân đoàn được triển khai tại 7 quân khu (Bắc Kinh, Thẩm Dương, Lan Châu, Tế Nam, Nam Kinh, Quảng Châu và Thành Đô) với tổng số 850 ngàn. Không quân - 398 ngàn. Hải quân có 3 hạm đội (Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải) với tổng số 235 ngàn người. Điều đáng chú ý là đơn vị pháo binh số 2 với tâm điểm là lực lượng tên lửa đạn đạo chiến lược, tên lửa thông thường và các đơn vị phụ trợ khác. Đây là lực lượng “chịu trách nhiệm ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Trung Quốc từ các nước khác...” - Sách trắng nêu rõ.
Lực lượng tên lửa phòng không tầm ngắn của Trung Quốc |
Theo Washington Post, trong năm tài chính 2013, lần đầu tiên đường cong tăng trưởng trong chi tiêu quân sự của Trung Quốc bị phá vỡ - nó chỉ tăng có 10,7%. 20 năm qua, theo ước tính của các chuyên gia nước ngoài, chỉ số tăng trưởng trong chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc luôn đạt 2 con số. Còn hiện nay, nếu tính cả lạm phát, nó chỉ xứng đáng ở hàng một con số mà thôi.
Trong bối cảnh hiện nay, thế giới ít quan tâm đến số quân trên mặt đất. Đã qua rồi chiến thuật dùng “biển người” để đè bẹp đối phương. Một quân đội đông chưa chắc đã mạnh và sẽ phải chi phí rất tốn kém. Thế giới không lo ngại lực lượng trên bộ của Trung Quốc mà lo ngại những hoạt động ngày càng tích cực của họ trong không gian. Theo Sách trắng, càng ngày những de dọa an ninh càng nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực internet. Trung Quốc đang phải đối phó với nhiều cuộc tấn công của tin tặc. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hải quân Trung Quốc đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà bình luận quân sự. Năm ngoái, Trung Quốc hân hoan đón chào sự ra đời của tàu sân bay đầu tiên và sắp tới chắc chắn sẽ thêm nhiều tàu sân bay nữa. Mục “biển” trong Sách trắng nói rất nhiều về các cuộc diễn tập, bảo dưỡng tàu và nhiều chuyện khác. Sau khi đọc xong phần này, người đọc có cảm giác như Trung Quốc đang muốn khuếch trương với thế giới về lực lượng hải quân hùng mạnh của họ.
Nói ngắn gọn, trên cả hai đại dương (Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương) lực lượng hải quân của Trung Quốc chưa thể sánh với hải quân Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh muốn hướng tới giải pháp cân bằng quyền lực ở hai đại dương này. Theo các nhà phân tích thì chính trường thế giới trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thế cân bằng quyền lực này.
Như tài liệu tuyên truyền
Sách trắng quốc phòng 2013 của Trung Quốc được bắt đầu bằng những dòng chữ như thế này: Ngày nay, hoà bình và phát triển đang phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức mới. Sứ mệnh lịch sử trao cho các dân tộc ở tất cả các nước... Để có thể tự tin nắm bắt các cơ hội và cùng nhau đối phó với thách thức phải cùng nhau duy trì an ninh, củng cố sự phát triển. Sách trắng quốc phòng 2013 của Trung Quốc đậm đặc lời kêu gọi hợp tác để cùng nhau đối phó với những thách thức. Qua Sách trắng, Trung Quốc tuyên bố ủng hộ khái niệm an ninh mới bao gồm xây dựng lòng tin lẫn nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi. Bước đi mới nhất của Trung Quốc trong việc xây dựng lòng tin với các nước trên thế giới là giải mật các dữ liệu về số lượng và cơ cấu của các lực lượng vũ trang nước này.
Công bố Sách trắng quốc phòng 2013, Trung Quốc như gửi một thông điệp đến tất cả các nước trên thế giới rằng những tuyên bố về mục đích quân sự trong việc thực hiện “giấc mơ Trung Quốc” trùng khớp với khả năng quân sự của họ. Theo các nhà phân tích, nếu tất cả tuyên bố trên là sự thực thì chúng ta đang đứng trước một chính sách rõ ràng của một đối tác có thể dự đoán được.
Duy Long (TH)