'Thủ phủ' hương trầm Quỳ Châu, Nghệ An: Mang Tết ấm đến mỗi gia đình

GD&TĐ - Những ngày này, các cơ sở sản xuất hương trầm ở thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) đang hối hả chuẩn bị hàng cho dịp Tết Nguyên đán.

Các cơ sở sản xuất hương trầm ở huyện Quỳ Châu đang tất bật vào vụ Tết.
Các cơ sở sản xuất hương trầm ở huyện Quỳ Châu đang tất bật vào vụ Tết.

Từ những nguyên liệu tự nhiên được chọn lọc kỹ lưỡng, qua bàn tay khéo léo của người thợ tạo nên thương hiệu hương trầm Quỳ Châu (Nghệ An) thơm nức tiếng gần xa.

Bí quyết làm hương trầm gia truyền

Những ngày này, các cơ sở sản xuất hương trầm ở thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) đang hối hả chuẩn bị hàng cho dịp Tết Nguyên đán. Dọc theo các tuyến đường, khắp nơi đều tràn ngập mùi hương thơm ấm áp, dễ chịu.

Theo người dân địa phương, nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu có từ lâu đời. Trong quá trình đốt cây rừng để khai hoang đất sản xuất, người dân phát hiện ra một loại rễ cây khi cháy có mùi thơm đặc biệt. Về sau, loại cây này được đặt tên là “cây rễ hương” và thương hiệu hương trầm Quỳ Châu cũng bắt đầu bén duyên từ đó.

Thời gian đầu, cây rễ hương mọc trong tự nhiên, được người dân khai thác dưới những tán rừng. Về sau, do nhu cầu sản xuất hương ngày càng lớn nên loại cây này được người dân mang về trồng trên nương, rẫy.

Đang nhanh tay cuốn những thẻ hương trầm, bà Nguyễn Thị Hương (trú tại thị trấn Tân Lạc), chủ cơ sở hương trầm Hương Thân cho biết, hương được làm từ nhiều loại thảo mộc thiên nhiên với thành phần chính là bột nguyên chất từ rễ cây hương, cây trầm, vỏ quế, hoa hồi bột bã mía…

Cùng với cách pha trộn từ bí quyết riêng của từng cơ sở sẽ cho ra hương thơm đặc biệt. Khi thắp lên, mùi hương trầm dễ chịu khiến người ta khoan khoái, nhẹ nhàng.

Theo người phụ nữ này, nguyên liệu như quế, rễ hương, chu hương (ruột cây hương) phải được xử lý và phơi nắng kỹ từ tháng 4 - 5, thời điểm này nắng nhiều, nên các nguyên liệu sẽ được phơi để bảo quản đến thời điểm cuốn.

Nếu bột ướt, chu hương không được ngâm nước kỹ và phơi khô hay kích cỡ chu hương to, nhỏ cũng sẽ làm hương không cháy hoặc khi cháy hương sẽ không cuốn vòng đẹp mắt.

“Hương trầm đạt chuẩn là khi cháy phải cuốn vòng, hương cháy tàn quăn từ đầu đến hết que sẽ mang tài lộc, bình an một năm mới đến với gia đình”, bà Hương nói về quan niệm làm hương của người dân Quỳ Châu.

Chị Quang Thị Phương Thúy, chủ một cơ sở sản xuất hương trầm khác ở thị trấn Tân Lạc cho biết, để kịp cho vụ hương Tết, chị phải huy động 15 công nhân thời vụ làm việc gần 2 tháng qua. Đến nay, hơn 70.000 que hương trầm đặt hàng được xuất cho các thương lái.

Mỗi năm cơ sở của chị Thúy xuất ra thị trường hàng trăm nghìn que hương các loại. Hương trầm nơi đây có đủ độ dài khác nhau như 40cm, 60cm, 1m, 1,5m cho đến 2m. Ngoài thị trường trong tỉnh, hương còn mang đi tiêu thụ ở các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa và một số tỉnh thành miền Bắc, miền Nam.

“Mấy năm gần đây, một số người Việt ở Đức, Nga… cũng đặt hàng hương trầm gửi sang để dùng vào dịp Tết Nguyên đán”, chị Thúy nói.

Hương trầm Quỳ Châu được làm hoàn toàn thủ công, lực lượng đảm nhiệm công việc này chủ yếu là phụ nữ. Bà Nguyễn Thị Xuân (trú tại xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu) cho biết, phần lớn công nhân quấn hương đều chỉ làm việc thời vụ 4 tháng cuối năm.

Trung bình, một người lành nghề có thể quấn 4.000 - 5.000 que hương, được trả công 300.000 - 350.000 đồng mỗi ngày. Tuy được cuốn thủ công nhưng những cây hương nhìn rất đều, tròn trịa, dẻo dai rất khó gãy.

Theo bà Xuân, công đoạn quấn hương không bỏ quá nhiều sức, nhưng đòi hỏi thuần thục để cây hương khi thắp sẽ cháy đến tận chân, không bị cháy nửa chừng, tàn hương uốn cong đẹp mắt.

“Dây chuyền” sản xuất hương thủ công được phân chia mỗi người một việc, từ pha trộn nguyên liệu, quấn hương, đến đóng gói sản phẩm tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp từ ngoài ngõ vào sân.

Nhờ nói không với các loại hóa chất mà hương trầm Quỳ Châu ngày càng được thị trường ưa chuộng mỗi dịp Tết. Ngoài hương que truyền thống, những năm gần đây các cơ sở còn sản xuất hương trầm nụ và hương trầm thẻ để phục vụ nhu cầu của thị trường.

thu-phu-huong-tram-quy-chau-nghe-an-2.jpg
Sản phẩm hương trầm Quỳ Châu nổi tiếng hàng chục năm qua.
thu-phu-huong-tram-quy-chau-nghe-an-3.jpg

Đưa hương trầm thành sản phẩm chủ lực

Nghề sản xuất hương trầm được coi là tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế của thị trấn Tân Lạc và một số xã như Châu Tiến, Châu Hội, Châu Hạnh, Châu Bình… Mặc dù các làng nghề hương trầm luôn giữ được chất lượng hương và dần đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trên thị trường.

Tuy nhiên, các làng nghề sản xuất hương chưa chủ động về nguyên liệu và phải mua từ ở các nơi khác. Theo đánh giá của huyện Quỳ Châu, có gần 80% nguyên liệu phải nhập từ các địa phương khác, chỉ hơn 20% nguyên liệu có sẵn tại chỗ.

Có hàng chục năm làm hương trầm, bà Trần Thị Châu (trú tại thị trấn Tân Lạc) cho biết, nghề làm hương Tết năm nay gặp khá nhiều khó khăn do nguyên vật liệu tăng mạnh, khó thuê nhân công thời vụ.

Theo bà Châu, làm ra búp hương không chỉ cần cây rễ hương mà còn thêm các nguyên liệu khác như tùng bách, đinh hương, quế, hồi, chưa kể chi phí giấy cuốn, nhân công… Trong khi giá thị trường không đổi thì đây sẽ là bài toán khó cho các hộ sản xuất quy mô lớn.

“Nguyên liệu chính là rễ hương năm nay tăng rất mạnh khiến giá thành sản xuất tăng cao, nhưng giá hương vẫn được giữ nguyên nhiều năm qua chứ không tăng. Thị trường ngày càng có sự cạnh tranh khốc liệt nên chúng tôi phải chấp nhận giảm tiền lãi, duy trì khách hàng”, bà Châu tâm sự.

Xác định hương trầm là sản phẩm chủ lực của địa phương, UBND huyện Quỳ Châu đang thực hiện một số giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, xây dựng thị trường nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm để tạo điều kiện cho các hộ sản xuất mở rộng quy mô, nâng cao tay nghề cho người lao động.

Địa phương này hiện có hơn 100 ha cây rễ hương được trồng, tập trung nhiều ở các xã như Châu Thuận, Châu Hoàn, Châu Hội... Chính quyền địa phương đang khuyến khích mở rộng diện tích trồng cây rễ hương, phấn đấu nâng diện tích lên 200 ha. Dù vậy, việc mở rộng diện tích vẫn gặp những khó khăn nhất định do đặc thù về địa hình cũng như việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất chưa áp dụng được nhiều.

Quỳ Châu được xem là “thủ phủ” hương trầm của tỉnh Nghệ An. Toàn huyện có khoảng 200 hộ sản xuất hương, với 6 làng nghề được công nhận. Mỗi năm hương trầm Quỳ Châu cung ứng ra thị trường trên dưới 90 triệu que, doanh thu đạt trên 40 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ