Vi khuẩn lây nhiễm phổ biến nhất thế giới
PGS.TS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 18 trong số 20 nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhất thế giới. Đây là con số được công bố tại Hội nghị Khoa học quốc tế chuyên ngành Tiêu hóa - Gan vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 29/9.
Có nhiều nguyên nhân gây ung thư dạ dày nhưng phải kể đến vi khuẩn HP - thủ phạm gây viêm loét dạ dày, tá tràng từ đó dẫn đến ung thư. Điều này không có nghĩa ai mắc HP cũng mắc những bệnh trên nhưng tương quan giữa tỉ lệ nhiễm khuẩn HP với sự gia tăng của các bệnh trên tại Việt Nam trong những năm gần đây đang làm dấy lên mối quan ngại về mức độ nguy hiểm của loại vi khuẩn này.
HP là một loại vi khuẩn xoắn sống trong khoang miệng, phân và tập trung nhiều ở dưới lớp chất nhầy niêm mạc dạ dày. Đây là nơi vi khuẩn tránh được ảnh hưởng của axit dịch vị, có điều kiện sinh sản, phát triển và tấn công vào niêm mạc dạ dày. Sau khi xâm nhập cơ thể, HP tiết ra chất kích thích khiến dạ dày sinh ra nhiều axit hơn. Vi khuẩn này còn làm suy yếu lớp nhầy bảo vệ và tiết ra một số độc tố làm tổn thương các tế bào nằm bên dưới khiến niêm mạc dễ dàng bị ăn mòn bởi lớp axit có trong dịch tiêu hóa, gây tổn thương và viêm nhiễm mãn tính dạ dày, tá tràng. Ở một số bệnh nhân nhiễm HP, có thể gây ra sự thay đổi cấu trúc bất thường của tế bào dẫn đến ung thư dạ dày.
Theo GS.TS Đào Văn Long, ai cũng có nguy cơ nhiễm HP. Tuy nhiên, sự khác biệt về nhiễm khuẩn giữa các vùng thì khác nhau. Các nước phát triển tỉ lệ nhiễm thấp hơn nhiều so với các nước đang phát triển. Điều kiện vệ sinh cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tỉ lệ nhiễm. Vi khuẩn HP có nhiều trong nước bọt, trong mảng cao răng, phân và niêm mạc dạ dày của người bệnh nên rất dễ lây từ người bệnh sang người lành qua đường miệng do thói quen sinh hoạt ăn uống không hợp vệ sinh hoặc có thể lây qua nước bọt giữa người mắc khuẩn và người không mắc khuẩn. Bên cạnh đó, người không mắc khuẩn có thể nhiễm khuẩn do thức ăn bị ruồi, muỗi vật nuôi trong nhà tiếp xúc với vi khuẩn HP có trong phân thải đậu vào. Thậm chí, khi đi khám bệnh về dạ dày, nếu gặp phải những dụng cụ chưa được vô trùng kỹ cũng khiến người bệnh nhiễm vi khuẩn. HP được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là vi khuẩn có tỉ lệ lây nhiễm phổ biến nhất trên thế giới.
|
Phát hiện HP sớm để diệt trừ
Vi khuẩn HP có thể gây ra viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm cấp tính niêm mạc dạ dày, viêm mãn tính niêm mạc dạ dày do giai đoạn viêm cấp có triệu chứng hoặc không có triệu chứng, lâu dài sẽ gây ra viêm mãn tính. Song nguy hiểm nhất, HP có thể là tác nhân gây ung thư dạ dày. Người bị nhiễm vi khuẩn HP có thể xảy ra tình trạng viêm mãn tính ở niêm mạc dạ dày. Viêm mãn tính lâu ngày làm giảm các tuyến bình thường của dạ dày thay thế vào đó là viêm teo. Niêm mạc bình thường được thay thế bằng biểu mô niêm mạc ruột hay còn gọi là dị sản ruột. Tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày và dị sản ruột gặp khoảng 50% số trường hợp bị nhiễm HP. Chính tình trạng viêm teo nặng và dị sản ruột lan tỏa dẫn tới xuất hiện ung thư dạ dày. Theo thống kê, vi khuẩn này chính là thủ phạm gây 90% bệnh viêm loét ở tá tràng và 80% loét ở dạ dày. Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế đã xếp nó vào loại tác nhân gây ung thư có nguy cơ cao không khác gì thuốc lá.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 8.000 người chết vì ung thư dạ dày và có thêm 11.000 – 12.000 người mắc ung thư mới.
Diệt trừ HP tương đối khó khăn do phác đồ điều trị phải phối hợp với nhiều loại kháng sinh. Hiệu quả của nó còn phụ thuộc vào ý chí, sự tuân thủ, cơ địa của người bệnh và tính kháng thuốc của vi khuẩn. Nhiều bệnh nhân phải thay đổi công thức điều trị bằng những phác đồ khác nhau.
GS.TS Đào Văn Long đưa ra khuyến cáo, điều quan trọng nhất trong điều trị bệnh viêm, loét dạ dày, tá tràng hay ung thư là phát hiện vi khuẩn HP sớm để tiêu diệt nó. Điều này không có nghĩa là ai nhiễm HP cũng phải diệt trừ vi khuẩn này mà chỉ diệt trừ HP gây bệnh. Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều phương pháp xét nghiệm HP như thử máu tìm kháng thể HP trong huyết thanh, nội soi dạ dày, xác định HP bằng hơi thở khá nhanh gọn và cho kết quả chính xác.
Nếu diệt trừ HP sớm trước khi xuất hiện các tổn thương tiền ung thư (gồm loét dạ dày, tăng sản niêm mạc dạ dày, viêm teo, dị sản, loạn sản ruột) thì bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt hơn, làm lành tổn thương viêm và ngăn chặn tiến triển tới các tổn thương tiền ung thư.