Thủ môn Bùi Tiến Dũng: Bi kịch của “người hùng”

GD&TĐ - Bùi Tiến Dũng là người hùng sau chiến tích “Thường Châu tuyết trắng” của U23 Việt Nam. Nhưng giờ đây, hơn một năm sau khoảnh khắc vinh quang, thủ môn xứ Thanh đã mất vị trí ở các đội tuyển quốc gia và đang đối mặt với tương lai u ám.

Tiến Dũng thi đấu xuất sắc tại VCK U23 châu Á 2018
Tiến Dũng thi đấu xuất sắc tại VCK U23 châu Á 2018

Sớm nở tối tàn?

Đầu năm 2018, Bùi Tiến Dũng cùng đội tuyển U23 Việt Nam tham dự VCK U23 châu Á. Tại sân chơi châu lục, anh bắt chính tất cả các trận đấu của U23 Việt Nam và cùng các đồng đội đi đến trận chung kết. Trên hành trình đến vinh quang ở Thường Châu tuyết rơi trắng sân, Bùi Tiến Dũng thực sự là người hùng của U23 Việt Nam. Thủ môn xứ Thanh đã có nhiều tình huống xử lý xuất thần, thi đấu vững vàng, kể cả trước những loạt đấu súng cân não.

Kết thúc VCK U23 châu Á, Dũng cùng các đồng đội về nước và được chào đón là những người hùng dân tộc. Thậm chí, cái tên Bùi Tiến Dũng còn được nhắc đến nhiều hơn hẳn so với những cầu thủ ngôi sao cũng chơi cực kỳ xuất sắc khác như Quang Hải, Duy Mạnh…

Truyền thông, đặc biệt mạng xã hội như phát cuồng với cái tên Bùi Tiến Dũng. Bất cứ thứ gì gắn với thủ môn xứ Thanh đều “hút view” kinh khủng. Thế nên, các trang thông tin điện tử, các diễn đàn, nhất là những Blog dành cho phái đẹp, đều dành cho Bùi Tiến Dũng những vị trí đẹp, nhiều thông tin.

Bùi Tiến Dũng được gọi là thủ môn quốc dân. Sau đó, anh tiến rất nhanh vào giới showbiz với những sân khấu trình diễn thời trang, những vai diễn quảng cáo. Thậm chí, có thời điểm, trên mạng xã hội còn rò rỉ bảng giá quảng cáo cao “ngất trời” với cái tên Bùi Tiến Dũng.

Việc các nhà sản xuất, doanh nghiệp ưu ái anh cũng không phải là bất ngờ. Bởi thời điểm đó, người ta ưu ái và ngưỡng mộ Bùi Tiến Dũng quá nhiều. Thành công đến rất sớm với thủ thành người Thanh Hóa.

Nhưng chỉ có điều, Bùi Tiến Dũng dường như quên mất rằng, sân chơi chính của mình là sân cỏ chứ không phải là sân khấu. Có những thời điểm anh đi quá xa, quá sâu vào sân khấu thời trang, quảng cáo và dành quá nhiều thời gian cho những thứ được cho là “viển vông” với một cầu thủ.

Thủ môn xứ Thanh quên mất thực tế rằng, dù là người hùng U23 Việt Nam, được chị em, bà mẹ bỉm sữa tung hô, thì trở về CLB Thanh Hóa, anh chỉ là thủ môn trẻ, dự bị. Thế nên, đáng ra cần nhanh chóng quên đi ánh hào quang vừa mới bừng lên, anh phải nỗ lực rèn luyện, trui rèn chuyên môn và bản lĩnh để phát triển tài năng thì anh ngủ quên trên chiến thắng.

Bùi Tiến Dũng sau thành công ở VCK U23 châu Á tiếp tục được bắt chính trong đội hình Olympic Việt Nam tham dự ASIAD 2018. Đội bóng dưới tay HLV Park Hang Seo đã lọt vào vào top 4 đội mạnh nhất, 1 mốc son nữa của bóng đá Việt Nam, song trong thành công chung ấy, Bùi Tiến Dũng chỉ chơi tròn vai; Không có nhiều tình huống xử lý khôn ngoan, vững vàng như ở Thường Châu nửa năm trước.

Sau đó, chiến lược gia người Hàn Quốc vẫn gọi Bùi Tiến Dũng vào ĐT Việt Nam tham dự AFF Cup 2018 và ASIAN Cup 2019. Song thủ môn quốc dân chỉ trở thành sự lựa chọn thứ 3 nơi đội hình ĐT Việt Nam.

Trong ngày đội tuyển quốc gia vô địch AFF Cup 2018, Bùi Tiến Dũng với vai trò dự bị không thể có được nụ cười mãn nguyện. Bên cạnh một Văn Lâm quá xuất sắc, ổn định là một Bùi Tiến Dũng mờ nhạt cả trên sân tập.

Anh chỉ còn là cái bóng của chính mình. Việc không chiếm được suất bắt chính ở CLB Thanh Hóa tại V-League 2018 đã đẩy Bùi Tiến Dũng vào tình thế vô cùng khó khăn. Thậm chí, mỗi lần được BHL đội bóng cho ra sân, anh lại luôn mắc sai lầm nghiêm trọng, dẫn đến những bàn thua không đáng có cho đội nhà.

Còn khi chơi cho đội U23 Việt Nam, Bùi Tiến Dũng tuy vẫn giữ được vị trí chính thức, giữ sạch lưới 3 trận ở vòng loại giải U23 châu Á 2020 nhưng thỉnh thoảng, thủ thành người Thanh Hoá vẫn có những sai lầm suýt nữa khiến U23 Việt Nam phải trả giá.

Sớm nở tối tàn? Có thể chưa hẳn chính xác với Bùi Tiến Dũng. Vì anh vẫn còn là thủ môn trẻ, đang có tên trong đội hình tham dự SEA Games 30 vào cuối năm nay. Nhưng thủ môn xứ Thanh vẫn đang rơi vào bế tắc.

Chỉ hơn một năm thôi mà Dũng đã tuột dốc quá nhanh. Phong độ, khả năng và những tình huống xử lý của anh trên sân chỉ còn là những sai lầm, sự thất vọng. Thậm chí nhiều tình huống còn trở thành trò cười, bị chế giễu bằng những hình ảnh biếm họa trên mạng xã hội.

Thủ môn xứ Thanh nhanh chóng lấn sân thời trang, quảng cáo
 Thủ môn xứ Thanh nhanh chóng lấn sân thời trang, quảng cáo

Tương lai đầy mù mịt

Chia tay Thanh Hóa chuyển đến CLB Hà Nội cứ ngỡ cú giải thoát diệu kỳ cho thủ môn trẻ tài năng Bùi Tiến Dũng. Thế nhưng, anh vẫn đối mặt với bi kịch cũ, không thể tìm được vị trí đá chính ở đội bóng Thủ đô. Không những thế, Bùi Tiến Dũng chỉ là sự lựa chọn số 3 trong đội hình của HLV Chu Đình Nghiêm, đứng sau Nguyễn Văn Công và Phí Minh Long.

Một mùa giải 2019 dài dằng dặc với nhiều giải đấu, từ V-League, Cúp quốc gia đến các cúp châu Á, mang về nhiều chiến tích cho Hà Nội FC. Đau đớn cho Tiến Dũng, cho dù vẫn có đủ bộ huy chương như các đồng đội khác, song anh chỉ là khán giả thường xuyên của đội nhà.

Suốt một mùa giải 2019 trôi qua, Tiến Dũng gần như làm bạn với ghế dự bị. Một vài trận được cho vào sân nhưng đó lại là các lần thủ môn này mắc lỗi. Trong đội bóng, Tiến Dũng không chiếm được lòng tin của HLV Chu Đình Nghiêm.

Ngay cả trong trận cầu thủ tục, trên sân Than QN thuộc vòng 26 V-League, Bùi Tiến Dũng được bắt chính và anh để cho các chân sút đối phương chọc thủng lưới đến 4 lần. Thủ môn sinh năm 1997 phản xạ khá chậm và thường bất lực trước những pha dứt điểm của đối phương.

4 bàn thua ở những tình huống khác nhau, và rõ ràng Bùi Tiến Dũng đã không làm tốt nhất nhiệm vụ của mình. Nhiều pha bóng Tiến Dũng chỉ mang về những cái tặc lưỡi, bĩu môi chán nản và chê bai từ khán giả. Trận thua kỷ lục ấy phần nào khiến Hà Nội FC kém vui trong ngày nhận cúp vô địch. Theo thống kê, ra sân 3 trận tại V-League, Bùi Tiến Dũng để lọt lưới tới… 8 bàn.

Chính việc dự bị quá nhiều đã dìm Bùi Tiến Dũng chìm sâu trong thất vọng, kém cỏi. Như trong trận chung kết liên khu vực AFC Cup giữa Hà Nội và CLB 25.4 của Triều Tiên, Bùi Tiến Dũng bất ngờ được bắt chính do thủ môn số 1 Văn Công chấn thương.

Cơ hội để Bùi Tiến Dũng lấy lại niềm tin, ghi điểm với BHL Hà Nội FC. Mặc dù vậy, có phải tại số phận đen đủi hay vì chuyên môn, trong một tình huống Bùi Tiến Dũng đứng sai vị trí, tạo cho cầu thủ đội khách dứt điểm từ xa thành bàn.

Hà Nội FC đã để cho CLB 25.4 gỡ hòa 2-2 trong thế trận đội bóng Thủ đô chơi hay hơn. Để rồi, trong trận lượt về trên sân khách, Hà Nội FC không ghi được bàn thắng nào đành chấp nhận nhìn đối thủ vào chơi trận chung kết toàn khu vực.

Không cạnh tranh được suất bắt chính ở V-League, Bùi Tiến Dũng còn thất bại ở cuộc đua đến vị trí số 1 ở giải đấu khác của Hà Nội FC. Trước trận gặp CLB TPHCM tại bán kết Cúp quốc gia, Phí Minh Long và Bùi Tiến Dũng là 2 cái tên cạnh tranh cho vị trí bắt chính.

Cuối cùng, Minh Long là người được chọn. Sau đó, màn trình diễn của Phí Minh Long cho thấy HLV Chu Đình Nghiêm đã đúng khi đặt niềm tin vào thủ thành này. Đây không phải là lần đầu Minh Long gây ấn tượng. Nếu Văn Công chấn thương hoặc cho nghỉ ngơi thì Minh Long sẽ là lựa chọn tiếp theo của Hà Nội FC. Khi không có Văn Công, không còn chuyện Bùi Tiến Dũng nghiễm nhiên được bắt chính.

Kết thúc mùa giải 2019, ngoài Văn Công quá xuất sắc và ổn định, Hà Nội FC đã gia hạn hợp đồng với Phí Minh Long. Động thái đó giống như thông điệp tái khẳng định rằng, Bùi Tiến Dũng tiếp tục chỉ là sự lựa chọn số 3 ở Hà Nội FC.

Trong màu áo đội tuyển quốc gia, từ chỗ là dự bị của Văn Lâm, Tiến Dũng sa sút phong độ và giờ mất vị trí này vào tay Nguyên Mạnh, Tuấn Mạnh… Không biết đến bao giờ thủ môn xứ Thanh mới được gọi trở lại đội tuyển.

Không ai còn nhận ra một Bùi Tiến Dũng kiên cường, phản xạ xuất thần trong chiến tích Thường Châu 2018, thay vào đó là hình ảnh một thủ thành kém tự tin, phán đoán chậm và có những pha xử lý không hợp lý.

Với đội U22 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 30, thủ môn xứ Thanh không còn là sự lựa chọn số 1 của HLV Park Hang Seo. Ông thầy người Hàn đã và đang tìm kiếm, thử nghiệm khác cho vị trí thủ môn như với Văn Biểu (Đà Nẵng) và nhất là Văn Toản (Hải Phòng). Quyết định đó cũng không phải là bất ngờ khi chiến lược gia người Hàn vừa gia hạn hợp đồng với VFF cùng mức lương cực “khủng”.

Trong khi đó, mục tiêu lớn nhất của bóng đá Việt Nam trong năm 2019 là phải giành HCV môn bóng đá nam SEA Games 30, còn VCK U23 diễn ra đầu năm 2020 có thể mang tới suất dự Olympic lần đầu tiên cho bóng đá Việt Nam. HLV Park Hang Seo cần những cầu thủ có phong độ tốt nhất, đặc biệt ở vị trí thủ môn. Bùi Tiến Dũng lại không có điều đó vào lúc này.

Trong thời gian qua, người ta có cảm nhận rằng, HLV Park Hang Seo đang cố gắng đánh thức những kỹ năng bên trong Bùi Tiến Dũng. Nhưng sẽ không dễ cho ông thầy người Hàn khi thủ môn xứ Thanh trượt dốc quá sâu. Việc sử dụng anh ở SEA Games vẫn là một mạo hiểm lớn.

SEA Games là sân chơi có áp lực rất lớn về thành tích. Bất cứ sai lầm nào cũng khiến U22 Việt Nam phải trả giá bằng kết quả không hoàn thành mục tiêu giành HCV. Vậy nên, nếu thủ môn xứ Thanh chỉ còn đóng vai phụ, thậm chí bị loại khỏi danh sách U22 Việt Nam tham dự SEA Games 30, cũng không phải là bất ngờ.

Cơ hội dành cho thủ môn quốc dân xem chừng vẫn khá mập mờ. Có lẽ, sự nghiệp Bùi Tiến Dũng lúc này đang mịt mờ. Bi kịch với Bùi Tiến Dũng, người hùng ở Thường Châu!

“Việc cầu thủ mà không ra sân thì sẽ bị mất rất nhiều cảm giác thi đấu. CLB Hà Nội mua Bùi Tiến Dũng nhưng lại không cho anh nhiều cơ hội ra sân. Tuy nhiên, thực tế ở Hà Nội FC là Văn Công chơi quá tốt, nên chẳng lý do gì để thay thủ môn cả. Chỉ đến khi Văn Công chấn thương thì cơ hội mới đến với Bùi Tiến Dũng, nhưng đó lại là những lần ra sân đáng buồn. Nhưng chúng ta cũng phải thấy rằng, ngay cả ở thời đỉnh cao nhất tại VCK U23 châu Á, Bùi Tiến Dũng cũng không phải là một thủ thành xuất sắc. Điều quan trọng bây giờ là Bùi Tiến Dũng cần được thi đấu thường xuyên, nhưng khả năng làm tốt hơn những gì thể hiện ở Thường Châu 2018 là rất khó”.
HLV Lê Thụy Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.