Là một sinh viên của Trường ĐH Ngoại thương năng động với nhiều bạn sinh viên có khả năng ngoại ngữ rất tốt, ngay từ những năm đầu em đã nỗ lực để trau dồi khả năng tiếng Anh của mình. Để học tốt tiếng Anh, em nhận thấy việc tự học là hết sức quan trọng.
Trước hết, trong suốt những năm học Đại học, em luôn cố gắng duy trì việc học tiếng Anh đều đặn và liên tục.
Để làm được điều đó, em thường xuyên tạo cho mình những môi trường học tiếng Anh bằng cách: Dùng giấy note ghi các vật dụng xung quanh bằng tiếng Anh, nghe nhạc tiếng Anh, đọc báo tiếng Anh, suy nghĩ bằng tiếng Anh, tham gia các diễn đàn, các câu lạc bộ tiếng Anh…
Về cách học từ vựng, em thường học theo chủ đề và làm một quyển sổ để ghi chép lại những từ theo chủ đề đó, ví dụ như chủ đề gia đình, giao thông, tội phạm...
Một điều lưu ý là không học từng từ một (word by word) mà phải học cả cụm từ để biết những từ nào hay đi kèm với nhau (collocation), học từ cũng phải đặt câu để nhớ lâu hơn.
Kết hợp với việc ghi chép và học thuộc, em thường tìm đọc những bài báo, xem những đoạn video có liên quan cũng như tìm đề bài luận Ielts về chủ đề đó để học viết. Điều này không những giúp mình có thể sử dụng ngay các từ đã học mà còn giúp bổ sung một lượng kiến thức lớn về văn hóa, xã hội, giáo dục…
Về kỹ năng nghe, tạo cho mình thói quen nghe mọi lúc, mọi nơi như khi đi xe bus, khi đọc mail, lướt web...
Người ta thường gọi cách này là “tắm ngôn ngữ”, không cần quan tâm đến nội dung mà chỉ đơn giản là giúp cho đôi tai quen dần với tiếng Anh.
Bên cạnh đó, em thường tìm nội dung nghe phù hợp với sở thích của mình để tạo cho bản thân sự hứng thú, giúp cho việc nghe hiệu quả hơn.
Ví dụ em thích nấu ăn nên hay xem chương trình Masterchef (Vua đầu bếp), có những bạn thích âm nhạc có thể xem The Voice US hoặc American Idol.
Ngoài ra, em cũng thường học tiếng anh qua phim, thường là các phim hài của Mỹ như Friends, How I met your mother,...
Đây là những bộ phim nhiều tập hài hước rất nổi tiếng, không những giúp em học nghe tốt mà còn bổ sung một lượng lớn từ mới, thành ngữ, tiếng lóng cũng như cách biểu đạt cảm xúc trong tiếng Anh.
Cách nghe là đầu tiên nghe không có phụ đề xem mình hiểu được đến đâu, sau đó nghe có phụ đề để kiểm tra xem những chỗ nào mình nghe sai và cuối cùng là tập nói theo để luyện phát âm, trọng âm, giọng điệu…
Về kỹ năng nói, em tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh như Domino, Seamap, American Center… để tranh luận về nhiều chủ đề thời sự.
Ở các câu lạc bộ này, bọn em còn được đóng MC để dẫn chương trình, đóng vai các nhân vật trong các đoạn phim ngắn để luyện ngữ điệu,…
Ngoài ra, em còn tham gia các chương trình tình nguyện có người nước ngoài, nói chuyện với người nước ngoài ở Hồ Gươm, chat voice qua mạng với những người bạn từ nhiều quốc gia khác nhau.
Một yếu tố quan trọng để nói tiếng Anh tốt là sự tự tin. Không bao giờ được e dè, từ vựng của mình chưa nhiều, ngữ pháp của mình chưa vững nên sợ nói sai, khiến người khác chê cười. Suy nghĩ đó sẽ làm cho chúng ta nói tiếng anh một cách không tự nhiên, dẫn đến việc giao tiếp không hiệu quả.
Mỗi cá nhân đều có một phương pháp học tập riêng, việc chọn và áp dụng phương pháp nào cho phù hợp là điều quan trọng. Để có thể vừa học vừa kết hợp với những ngoại khóa kèm theo sở thích cá nhân là một trong những cách học tiếng anh thú vị, hiệu quả nhất.