Thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu thực tế trong ngành logistics

GD&TĐ -Sáng 16/5 –Diễn đàn “Phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics và xu hướng tại Việt Nam”  đã diễn ra tại TPHCM.

Đại diện VLA báo cáo thực trạng nguồn nhân lực Logistics Việt Nam tại diễn đàn.
Đại diện VLA báo cáo thực trạng nguồn nhân lực Logistics Việt Nam tại diễn đàn.

Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  Chi nhánh TPHCM (VCCI-TPHCM) và Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức, với sự tài trợ của Chính phủ Australia.

Sự kiện có sự tham gia của đại diện Bộ Công Thương, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp -Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Lãnh sự quán Australia tại TPHCM, Hiệp hội VLA, VCCI-TPHCM, Sở Công thương TPHCM, các doanh nghiệp và trường ĐH, CĐ, cùng các chuyên gia đến từ Australia.

Các đại biểu tham dự diễn đàn
Các đại biểu tham dự diễn đàn

Đây là một hoạt động thuộc chương trình Au4Skills do Chính phủ Australia tài trợ. Các đại biểu tham gia diễn đàn thảo luận kế hoạch hành động cụ thể cho cơ quan nhà nước, các trường dạy nghề và doanh nghiệp logistics phối hợp thực hiện nhằm thu hẹp khoảng cách cung-cầu về kỹ năng tại Việt Nam.

Các trường dạy nghề thường gặp thách thức trong việc đáp ứng trình độ kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, dẫn tới tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong thị trường lao động.

Do đó, sinh viên tốt nghiệp được sắp xếp vào những vị trí tay nghề thấp với mức lương khiêm tốn, trong khi các nhà tuyển dụng lại phải đầu tư đào tạo lại nhân viên.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) chia sẻ với báo chí bên ngoài hội nghị.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) chia sẻ với báo chí bên ngoài hội nghị.

“Với xu thế tự động hóa và thương mại điện tử đang tác động mạnh mẽ tới hệ sinh thái của ngành logistics, cần đặc biệt quan tâm đào tạo lại kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có để bắt kịp tiến bộ công nghệ, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam.” Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết.

Tại diễn đàn, các đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng thảo luận về tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, vai trò của các doanh nghiệp logistics trong việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ năng và phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động tương lai.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại sự kiện.
 Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại sự kiện.

Ban tư vấn đào tạo ngành Logistics, một mô hình do doanh nghiệp dẫn dắt được thành lập trong khuôn khổ chương trình Aus4Skills, đã được đề cập tới trong suốt buổi tọa đàm như một ví dụ điển hình mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo nghề trong việc xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề và kỹ năng nghề trong ngành logistics.

Vai trò của Ban tư vấn đào tạo ngành Logistics là hỗ trợ đảm bảo rằng tay nghề của các sinh viên tốt nghiệp phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng, giúp tăng năng suất và hiệu quả của ngành.

Chia sẻ về việc Chính phủ Australian hỗ trợ Ban tư vấn đào tạo ngành Logistics thông qua chương trình Aus4Skills, Bà Petrina Lawson, Phó Tổng Lãnh sự quán Australia tại TPHCM, cho biết “Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam cải thiện ngành logistics, và qua đó chúng tôi hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ