Thu gom rác thải: Kém hiệu quả vì… giá thấp?

GD&TĐ - Giá dịch vụ thu gom thủ công cao gấp 2 lần cơ giới đã không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại để tăng năng suất.

Phần lớn việc thu gom rác thải vẫn tiến hành theo hình thức thủ công.
Phần lớn việc thu gom rác thải vẫn tiến hành theo hình thức thủ công.

Giá dịch vụ vệ sinh môi trường đang quá thấp

Sáng 3/6 đã diễn ra toạ đàm với chủ đề: “Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt”.

Ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho rằng, theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, nguyên tắc chủ nguồn thải phải chịu đầy đủ chi phí quản lý chất thải rắn (CTSH) và chịu trách nghiệm với chất thải do mình phát sinh (từ việc thu gom, vận chuyển và xử lý).

Nhưng trên thực tế, mức thu giá vệ sinh môi trường đối với hộ gia đình còn rất thấp.

Theo ông Đức, tại Hà Nội, chỉ 6.000 đồng/tháng đối với nội thành, 3.000 đồng/tháng ngoại thành. Tại Đà Nẵng: 20.000 đồng/tháng/hộ gia đình.

Tại TPHCM, hộ gia đình nội thành nhà mặt tiền ở chung cư cao cấp, hạng I, hạng II là 22.000 đồng/tháng; hộ gia đình nội thành có nhà trong hẻm, hạng III, hạng IV là 16.500 đồng/tháng. Mức giá này đã duy trì hơn chục năm nay.

Kinh phí này chỉ chiếm 15% chi thu gom, chưa gồm chi phí xử lý. Theo luật mới, người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm đến cùng với chất thải của mình, trách nhiệm gồm có thu gom, xử lý.

“Nguyên tắc tính giá không sai, nhưng quá trình thực hiện lại tồn tại rất nhiều vấn đề. Tại Hà Nội, gói thầu từ 2017 đến giờ, có những chi phí đầu vào tăng như chi phí nhiên liệu, chi phí nhân công, chúng tôi đã đề xuất nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục”, ông Đức nói.

Mức thu thấp, trong khi chi phí cao, mức lương người lao động thấp, việc tuyển dụng nhân sự khó khăn… là những trở ngại mà URENCO đang gặp phải.

“Do vậy cần phải tăng giá thu gom rác thải từ 6.000 đồng hiện nay lên 20.000 đồng và thậm chí là 30.000 đồng, theo từng lộ trình”, ông Phạm Văn Đức đề xuất.

Tại TPHCM, giá dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt thiếu đồng bộ và chưa phù hợp.

Do phân cấp cho UBND cấp huyện ban hành mức giá cụ thể dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng cho đối tượng cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải tại địa phương, dẫn đến mỗi địa phương ban hành một mức khác nhau tạo sự thiếu đồng bộ, thống nhất trên toàn thành phố.

Giá dịch vụ thu gom thủ công cao gấp 2 lần so với giá thu gom bằng cơ giới đã không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại để tăng năng suất, giảm lao động nặng nhọc cho công nhân.

Hiện, tỷ lệ chôn lấp rác thải ở Việt Nam còn cao. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do rác thải được xử lý chủ yếu bằng hình thức chôn lấp, hơn nữa rác thải chưa được phân loại khi đem chôn lấp.

Để khắc phục tình trạng này, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần khuyến khích người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn.

Thu tiền rác theo túi

Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt vào các bao bì để chuyển giao. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định tại điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 75 của Luật này thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.

Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc tính phí dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải, Công ty TNHH Quy hoạch chất thải Việt Nam (Waste Planning) cho biết, có thể sử dụng túi đựng rác để đo lường lượng rác thải, giống như đo điện và nước.

Túi nhỏ thì giá thấp và túi to thì giá cao. Khi áp dụng hệ thống thu gom bằng túi, lượng rác thải giảm hẳn, chi phí thu gom và xử lý cũng giảm. Có một phương pháp khác thay vì mua túi rác theo kích thước mua tem dán, hoặc mua thẻ, dây buộc trên các túi rác thải ra ngoài.

Tuy nhiên, hai phương án khó xác định được khối lượng, bởi vậy việc sử dụng túi rác vẫn là phương án tối ưu cho hiện tại.

Hệ thống thu gom rác thải bằng túi là hệ thống tối ưu cho đến hiện tại. Khi áp dụng hệ thống thu phí rác bằng túi cần cân nhắc đến kênh phân phối túi. Nhật Bản hiện bán ở các cửa hàng tiện lợi và siêu thị, ở Việt Nam có thể phân phối qua kênh tổ dân phố để phát huy sức mạnh của chính quyền địa phương.

Ông Trần Quang Toán, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị tỉnh Lào Cai cho rằng, việc xác định khối lượng hoặc thể tích chất rắn sinh hoạt khá khó khăn. Nếu thông qua giá bán bao bì (bao bì bao gồm cả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt).

Nếu bao bì là nilon thì lại làm tăng rác thải nhựa, nếu bao bì dễ phân hủy thì giá thành cao. Thực tế, đa số các hộ gia đình, cá nhân đều tận dụng túi nilon khi đi mua hàng để đựng rác thải.

Nếu thông qua việc cân xác định khối lượng. Công nhân thu gom hàng ngày không thể mang theo cân để cân rác. Đặc biệt là việc xác định rác của chủ nguồn thải tại những điểm tập kết rác tập trung như chung cư, chợ, ngõ, ngách… là rất khó khăn.

Theo ông Trường, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt là bắt buộc. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích. Xả thải rác nhiều thì phải trả tiền nhiều và có bổ sung thêm chi phí xử lý chất thải. Trước đây, chỉ tính chi phí dịch vụ thu gom.

Đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng đúng bao bì quy định và thông báo cho cơ quan chức năng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mỏ vàng Globe and Phoenix bỏ hoang nhiều năm.

'Thành phố Vàng' bên bờ sụp đổ

GD&TĐ - Hoạt động khai thác vàng trái phép đã và đang để lại hậu quả tàn khốc và đe dọa tính mạng con người tại thành phố Kwekwe (Zimbabwe).

Đoàn Thanh niên, sinh viên tình nguyện Học viện Phụ nữ Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ tân sinh viên. Ảnh: NTCC

Đồng hành với tân sinh viên

GD&TĐ - Các cơ sở giáo dục đại học có nhiều chương trình, hoạt động, giúp tân sinh viên hòa nhập với môi trường học tập mới.