Thủ đoạn của đường dây lừa đảo xuyên quốc gia

GD&TĐ - Tổ chức tội phạm này hoạt động tại Campuchia. Lợi dụng mạng xã hội, tổ chức này lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân Việt Nam.

Nhóm người lừa đảo xuyên biên giới vừa bị khởi tố.
Nhóm người lừa đảo xuyên biên giới vừa bị khởi tố.

Bẫy “con mồi” trên không gian mạng

Ngày 18/2, theo Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 15 bị can với nhiều vai trò, vị trí khác nhau tại tổ chức lừa đảo xuyên biên giới hoạt động tại Campuchia về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đây là tổ chức tội phạm có thủ đoạn hoạt động tinh vi, nhiều chiêu trò mới và tổ chức hoạt động bài bản.

Theo cơ quan công an, tổ chức tội phạm do một nhóm người có quốc tịch Trung Quốc cầm đầu hoạt động tại khu PoiPet (Campuchia). Những đối tượng này sử dụng chính những người Việt để lừa người Việt.

Những nhân viên người Việt tại khu PoiPet do các đối tượng người Trung Quốc thuê làm việc. Mảng lừa đảo người Việt Nam được chia làm nhiều bộ phận. Công việc chính đó là tìm kiếm những nạn nhân người Việt và dựa trên kịch bản được dàn dựng sẵn để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, bộ phận gọi điện có nhiệm vụ gọi tìm kiếm khách, giới thiệu công việc đánh giá 5 sao địa điểm trên Google Map. Khi có khách nhận lời thực hiện công việc, bộ phận này sẽ hướng dẫn khách kết bạn với tài khoản Zalo của bộ phận hướng dẫn và người trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo.

Sau khi kết bạn Zalo với khách, bộ phận hướng dẫn sẽ trò chuyện để hướng dẫn khách tải, đăng ký tài khoản tải ứng dụng của công ty như Cochat, Dealay…; hướng dẫn khách đăng ký ví nhận tiền tại các trang web của công ty cung cấp như: http://m.bozmrvvrcuywy.com, http://m.lumidexna.cc...

Bộ phận hướng dẫn sẽ cho khách vào các nhóm để hướng dẫn làm việc, làm hoạt động. Trong các nhóm này có nhiều tài khoản ảo, các tài khoản này đóng vai các khách mua gói nhiệm vụ, hoạt động, nạp tiền để tạo sự tin tưởng cho khách thật. Các đối tượng thường trả cho bị hại các khoản lợi nhuận nhỏ.

Khi khách tin tưởng, chọn mua gói hoạt động và nạp số tiền lớn, bộ phận hướng dẫn sẽ đưa ra các lý do cho khách không thể rút tiền như: Thao tác sai, chuyển tiền sai nội dung, nộp tiền để tăng điểm tín dụng, yêu cầu khách phải nộp thêm tiền mới rút được tiền rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền đó.

Bộ phận hướng dẫn sẽ lấy thông tin tài khoản ngân hàng từ bộ phận quản lý tài khoản ngân hàng của công ty rồi gửi cho khách để khách tiến hành nạp tiền. Bộ phận kiểm tra, xác nhận việc khách chuyển tiền sẽ gọi điện thoại cho khách để xác nhận số tiền khách đã bị chiếm đoạt có đúng với số tiền mà tổ hướng dẫn đã báo cáo hay không. Theo cơ quan công an, đây là tổ chức tội phạm có thủ đoạn hoạt động tinh vi, nhiều chiêu trò mới và tổ chức hoạt động bài bản.

thu-doan-cua-duong-day-lua-dao-xuyen-quoc-gia-1.jpg
Đinh Văn Quân (bên phải) tại cơ quan điều tra.

Tổ chức chặt chẽ, phân công công việc cụ thể

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định Đinh Văn Quân (29 tuổi, trú tại Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), ban đầu qua Campuchia làm việc tại khu PoiPet, nhưng chỉ trong thời gian ngắn do làm việc không hiệu quả nên được chuyển sang làm phụ bếp.

Đến tháng 6/2024, Quân được bố trí ở tổ “sale” và được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo. Cũng được giao nhiệm vụ như Quân, Vũ Quang Khải (25 tuổi, trú tại TP Bắc Giang, Bắc Giang) làm việc tại công ty lừa đảo từ tháng 4/2024.

Tại cơ quan công an, Đinh Văn Quân khai nhận, trong thời gian làm việc tại đây, Quân đã lừa khoảng 1,5 tỷ đồng của nhiều nạn nhân là người Việt Nam. Tổng số tiền lương, thưởng mà Quân nhận được là khoảng 150 triệu đồng.

Còn Vũ Quang Khải đã trực tiếp thông qua hệ thống lừa nhiều bị hại tại Việt Nam, trong đó riêng cuối tháng 3/2024, Khải lừa được khoảng 1,2 tỷ đồng. Tổng số tiền lương, thưởng mà Khải đã nhận của công ty lừa đảo này trong thời gian làm việc là khoảng 160 triệu đồng.

Quá trình đấu tranh chuyên án, lực lượng phối hợp gồm Công an huyện Lệ Thủy, Phòng An ninh mạng Công an tỉnh Quảng Bình và Công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã triệu tập 12 đối tượng liên quan đều trú tại tỉnh Bắc Giang.

Theo lời khai của các đối tượng, tại tòa nhà ở khu PoiPet (Campuchia) do người Trung Quốc quản lý có nhiều tầng, mỗi tầng là mỗi khu vực làm việc của nhân viên các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam…

Cơ quan điều tra cho biết, tổ chức tội phạm này hoạt động chặt chẽ, có sự phân công công việc cụ thể cho các tổ, nhóm khác nhau, như: Nhóm gọi điện thoại làm quen lôi kéo, nhóm nhắn tin tương tác hướng dẫn, nhóm đưa ra các lý do để bị hại nộp thêm tiền, nhóm đóng vai các bị hại để tạo lòng tin. Hiện, vụ án đang được cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ