Chim săn mồi, trong đó có đại bàng vốn được coi biểu tượng của quyền lực, thú chơi chim săn là môn đã xuất hiện trên khoảng 40 năm nay và chỉ mới du nhập vào Việt Nam khoảng một vài năm gần đây.
Tại Hà Nội, hai con đại bàng Mông Cổ vừa được một thanh niên “nhập khẩu” đưa về Hà Nội, trưng bày trên phố Hàng Rươi (quận Hoàn Kiếm) thu hút rất nhiều người tới chiêm ngưỡng.
Theo nguồn tin trên Dân trí, chủ nhân của hai chú chim đại bàng này là anh Nguyễn Văn Hà và hai con đại bàng này có tên là Golden Eagle.
Trao đổi với PV Dân trí, anh Hà cho biết, để đưa được hai chú chim này về Việt Nam phải trải rất nhiều thủ tục và được cơ quan quản lý về kiểm dịch, kiểm lâm ở cả nước ngoài lẫn Việt Nam thẩm tra, cấp giấy chứng nhận. Chính vì vậy nên giá của mỗi chú chim này ở Việt Nam với đầy đủ giấy tờ vào khoảng 10.000 USD/con (hơn 200 triệu đồng).
Anh Hà bên hai chú chim "Đại bàng hoàng kim" của mình. Ảnh: Dân trí
Không những vậy, để có thể sở hữu một con chim săn, chưa nói đến đại bàng, người chơi cần có kiến thức nhất định về lĩnh vực nuôi và huấn luyện chim săn, có khả năng tài chính, đủ quỹ thời gian và biết tự tìm hiểu, tự học hỏi. Tuyệt đối không đem chim về nhà trước khi trang bị đủ những phụ kiện tối thiểu.
Chim đại bàng có đôi mắt rực sáng, bộ móng vuốt và chiếc mỏ sắc như dao nhọn, có khả năng lao nhanh như tên bắn. Đây thực sự là là “nỗi khiếp đảm” của các loài chim trời, rắn và những loài thú nhỏ như chồn, thỏ, chuột, sóc…
Theo một số thành viên “Hội những người chơi chim đại bàng”, việc chăm sóc được một con đại bàng không hề đơn giản. "Có thể cho đại bàng ăn thịt chuột, bò, heo, cá cũng được!
Cho chim con ăn ngày 2 - 3 cữ. Nhưng đấy là thức ăn cho chim non. Còn chim lớn thì nên cho ăn thịt thỏ, sẻ, chuột đồng. Ăn thịt bò và thịt lợn cũng được nhưng như thế thì tốn lắm” - Một thành viên chia sẻ.
Bên cạnh đó, để huấn luyện chim săn mồi được thuần thục là cả một quá trình khó khăn từ việc ép cân để huấn luyện chim lúc đói đến việc huấn luyện sao cho chim bay khi nghe thấy tiếng còi của chủ nhân lập tức quay lại.
Do đặc tính khá dữ dằn của loài đại bàng nên bình thường “đại bàng hoàng kim” được chủ buộc mũ lên đầu để tránh gây sát thương cho người và các loại chim săn mồi khác.
Ảnh: Dân trí
Tuy nhiên, đây là một thú chơi khá tốn kém và khá mất thời gian để chăm sóc, đào tạo và huấn luyện chim. Để có thể nuôi và thực hiện huấn luyện cho một con chim săn, người chơi cần trang bị rất nhiều dụng cụ.
Sơ lược có khoảng 12 món đồ cho một tay chơi chuyên nghiệp, có thể kể đến như: Găng tay da 3 lớp, bộ dây buộc chân, bộ chụp móng vuốt chim, mồi giả, cân điện tử, còi, thiết bị định vị… Giá mỗi món cũng dao động trong khoảng vài trăm đến vài triệu đồng.
Để huấn luyện thuần thục được giống chim săn mồi này đòi hỏi rất nhiều công sức, kỹ thuật và tiền bạc. Ảnh: Dân trí
Đắt đỏ nhất có lẽ là thiết bị định vị GPS, dụng cụ này giúp người chơi xác định được vị trí bay của đại bàng ở trên không trong khi đang huấn luyện hoặc thả chim đi săn và để phát tín hiệu cho chim bay về.
Khoảng cách để định vị của thiết bị này có bán kính độ 80 km. Do ở Việt Nam không sản xuất nên hầu hết người chơi phải mua hàng từ nước ngoài, giá mỗi sản phẩm lên đến 16 triệu đồng.
Một thành viên trên hội nuôi chim đại bàng chia sẻ, với đặc tính hoang dã của chim vua, đại bàng được liệt vào một trong số những loại chim khó nuôi nhất.
Chỉ người có "vía" (ngôn từ của giới chơi chim đại bàng) mới đủ khả năng thuần phục, huấn luyện được loài chim này tuân theo mệnh lệnh của mình và có khả năng săn mồi thuần thục.