Thông tư 15: Bất đồng về giá dịch vụ y tế

GD&TĐ - Thông tư 15/2018/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành (thay thế Thông tư 37/2015), đã quy định giảm giá một số dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh một số cách tính để thanh toán BHYT nhằm cân đối Quỹ BHYT và hạn chế việc lạm dụng Quỹ BHYT, chỉ định quá mức cần thiết. Tuy nhiên, BHXH Việt Nam, cơ quan quản lý Quỹ BHYT lại cho rằng một số nội dung của Thông tư không có tác dụng kiểm soát tình hình hiện nay trong việc chỉ định điều trị nội trú, kéo dài ngày nằm viện… nhằm lạm dụng Quỹ.

Thông tư 15: Bất đồng về giá dịch vụ y tế

Giá giảm, người bệnh được lợi

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, trong Thông tư 15, giá một số dịch vụ y tế được điều chỉnh giảm, một số tăng, đồng thời quy định cách thanh toán tiền giường khám bệnh, bàn khám bệnh… Theo đó, 88 mức giá dịch vụ y tế được điều chỉnh, bổ sung gồm: Điều chỉnh giảm 70 dịch vụ được điều chỉnh giảm, gồm: Giá khám bệnh, giá ngày giường bệnh (của 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã); 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm.

Ngoài ra, Thông tư 15 cũng điều chỉnh tăng giá ngày giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu; 2 dịch vụ xét nghiệm. Đồng thời, bổ sung giá của 9 dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh sử dụng các dịch vụ này sẽ được BHXH thanh toán.

Thông tư có hiệu lực bắt đầu từ ngày 15/7 nghĩa là bệnh nhân đi khám chữa bệnh từ ngày này sẽ được giảm nhiều chi phí. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Tim Hà Nội, chi phí giảm khi người bệnh sử dụng dịch vụ tại các BV công, còn tại các BV tư nhân hoặc BV tự chủ tài chính thì người bệnh sẽ phải bỏ tiền túi nhiều hơn. “Vì giá dịch vụ tại BV tư hoặc tự chủ tài chính là do BV tự quyết định, nếu giá dịch vụ BHYT giảm thì phần còn lại người bệnh sẽ phải bù tiền túi của mình”, ông Tuấn giải thích.

Ông Lê Văn Phúc, Phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng, việc giảm giá nhiều loại dịch vụ y tế tại Thông tư 15 sẽ khiến bệnh viện sẽ không chỉ định các dịch vụ, xét nghiệm quá mức cần thiết như trước đây. Do đó, người bệnh sẽ không phải trả tiền đồng chi trả cho các dịch vụ không cần thiết đó.

Bộ Y tế nói gì?

Trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về những bất cập của Thông tư 15, BHXH Việt Nam cho rằng các nội dung điều chỉnh, bổ sung tại Thông tư này, sẽ chưa thể khắc phục được tình trạng kê thêm giường bệnh không kiểm soát, tăng chỉ định vào điều trị nội trú, kéo dài ngày điều trị, chỉ định rộng rãi, quá mức cần thiết các dịch vụ kỹ thuật để tăng nguồn thu dẫn đến gia tăng chi khám, chữa bệnh như năm 2016, 2017 vừa qua. Ngoài ra, giá một số dịch vụ tại Thông tư 15 vẫn chưa phù hợp vì Bộ Y tế đa số khảo sát ở các bệnh viện tuyến trên, trong khi tại tuyến dưới, chất lượng các trang thiết bị chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên khẳng định các định mức kinh tế - kỹ thuật đã được khảo sát, xây dựng, thẩm định và ban hành để điều chỉnh một số giá tại Thông tư 15 theo đúng quy định, dựa trên kết quả khảo sát thực tế tại khoảng 30 bệnh viện, tổng hợp báo cáo của 4 bệnh viện hạng đặc biệt, 56 bệnh viện hạng I, 140 bệnh viện hạng II, hơn 250 bệnh viện hạng III.

Về chi phí giường bệnh có tay quay đối với các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I phần lớn được sử dụng. Các bệnh viện có nhà cửa được đầu tư khang trang nên sử dụng giường inox sẽ không phù hợp và tương xứng; thực tế nhiều bệnh viện đã sử dụng đa số loại giường này, chỉ còn một số ít khoa, phòng chưa sử dụng. Ngân sách Nhà nước không cấp để mua giường nên Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị phải sử dụng 3 - 5% số thu tiền khám bệnh, ngày giường để mua bổ sung, thay thế bằng loại giường nhựa có tay quay cho đồng bộ. Đối với các bệnh viện hạng II trở xuống do chưa có điều kiện trang bị nên vẫn tính theo giường inox.

“Riêng các dịch vụ kỹ thuật, để khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới thực hiện các dịch vụ để người dân có điều kiện tiếp cận, không phải lên tuyến trên mới được thực hiện thì Bộ Y tế, Bộ Tài chính thống nhất mức giá của các bệnh viện là như nhau”, đại diện Bộ Y tế giải thích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ