Thông tin mới nhất kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển ĐH 2017

GD&TĐ - Tại buổi họp báo thường kỳ quý I do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 24/3 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, những thông tin mới nhất về tổ chức thi THPT quốc gia, xét tuyển ĐH năm 2017 được Bộ GD&ĐT thông tin tới báo chí.

Thông tin mới nhất kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển ĐH 2017

Hàng loạt công việc được chuẩn bị

Sau khi ban hành Quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học năm 2017, đầu tháng 2, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT, các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng về việc hướng dẫn thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017.

Đặc biệt sau khi xem xét, cân nhắc thời gian thi phù hợp và thuận lợi nhất cho thí sinh, Bộ quyết định thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được đẩy lên sớm hơn so với những năm trước. Kỳ thi năm 2017 sẽ được tổ chức từ ngày 21-24/6, trong đó thời gian thực tế thi là 2,5 ngày (năm 2016, kỳ thi diễn ra trong 4 ngày).

Hiện nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đang được tiến hành tích cực tại từng địa phương, từng cơ sở giáo dục. Trước khi bước vào thời điểm đăng ký chính thức, các địa phương đã tổ chức khảo sát đăng ký nguyện vọng của học sinh, lấy đó làm căn cứ để tổ chức ôn tập, đồng thời đánh giá được mức độ đón nhận của các em với hình thức thi chủ yếu năm nay là trắc nghiệm và bài thi tổ hợp.

Ví dụ mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tiến hành khảo sát chọn tổ hợp và môn thi trên diện rộng và nhận được kết quả khá bất ngờ khi học sinh chọn thi môn Lịch sử và Địa lý cao hơn những năm trước, đặc biệt không có trường nào không có thí sinh đăng ký hai môn này.

Để học sinh có thể làm quen với kỳ thi, các trường THPT sẽ sử dụng kỳ kiểm tra khảo sát học kỳ hai của lớp 12 để học sinh làm quen với phương thức thi của kỳ thi THPT quốc gia ở tất cả các khâu như phân chia phòng thi, in sao đề thi, coi thi và chấm thi.

Năm nay với việc mỗi địa phương chỉ còn một cụm thi do Sở chủ trì, vì vậy, công tác rà soát và xác định các điểm thi sao cho phù hợp, vừa đảm bảo thuận lợi cho thí sinh, vừa đảm bảo an toàn cho kỳ thi đã được các địa phương chuẩn bị chặt chẽ.

Dù không còn trực tiếp chủ trì một cụm thi như năm trước song vai trò của các trường đại học vẫn thể hiện rõ nét trong kỳ thi năm nay thông qua việc cử cán bộ giảng viên tham gia coi thi trực tiếp tại các địa phương theo tỷ lệ 1-1 (1 địa phương, 1 trường đại học). Các trường đại học hiện đã sẵn sàng cho phương án cử cán bộ giảng viên tham gia coi thi.

Năm 2017 với 5/6 môn thi, bài thi sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm và chấm trên máy tính, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi đã và đang được chuẩn bị theo hướng thông suốt, an toàn và chính xác.

Trong các ngày 9-10/3/2017, Bộ đã tổ chức tập huấn về quy chế, nghiệp vụ tổ chức thi và sử dụng phần mềm quản lý thi, tuyển sinh năm 2017. Lãnh đạo phụ trách thi, tuyển sinh của 63 Sở GD&ĐT, 270 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và cán bộ, chuyên viên làm công tác thi, tuyển sinh, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các đơn vị đã tham gia tập huấn.

Cho đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã 2 lần công bố đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm để học sinh và giáo viên có cơ sở ôn tập, chuẩn bị kỹ cho kỳ thi. Bộ đang tiếp tục gấp rút thực hiện bổ sung, chuẩn hóa ngân hàng câu trắc nghiệm đã có bằng nhiều nguồn khác nhau, như huy động giáo viên THPT giỏi của tất cả 63 tỉnh, thành, các giảng viên đại học có chuyên môn tốt, tham gia biên soạn, biên tập câu hỏi thi.

Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đang được hoàn thiện đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng.

Năm 2017, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, cùng với việc tiếp tục cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, Bộ xây dựng phần mềm xét tuyển chung giúp hỗ trợ các trường hạn chế bớt số lượng thí sinh “ảo”.

Bộ cũng yêu cầu các trường phải chủ động có giải pháp khắc phục tình trạng thí sinh “ảo” như: xác định chỉ tiêu phù hợp với với năng lực đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng đào tạo; làm tốt hơn công tác truyền thông.

Công khai đề sau khi thi xong

Theo ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, với các bài thi tổ hợp sẽ tiến hành thu đề môn thi đầu tiên và môn thi thứ 2. Điều này để tạo sự công bằng, giúp đảm bảo thí sinh làm mỗi phân môn trong đúng 50 phút theo quy định.

Sau khi thi xong, Bộ GD&ĐT sẽ công khai đề thi. Tất cả hướng đến một kỳ thi nền nếp, an toàn, nghiêm túc - mục tiêu cao nhất của kỳ thi.

Trước băn khoăn của phóng viên về một số sai sót trong đề thi thử của Hà Nội vừa qua, ông Mai Văn Trinh cho rằng: Đề thi THPT quốc gia được xây dựng theo quy trình chuẩn hóa với các bước: Viết câu hỏi thô, biên tập, lọc lựa, thẩm định và kiểm thử lần 1; xây dựng đề và kiểm thử lần tiếp… Đó là quy trình chặt chẽ, đảm bảo tránh sai sót.

Đến nay, với quy tình chuẩn hóa, mọi công việc đang diễn ra đúng tiến đọ, số lượng câu hỏi thô, sau biên tập là khá lớn, chắc chắn đủ đáp ứng tốt cho kỳ thi năm nay.

Tiếp tục giảm mạnh chỉ tiêu các trường sư phạm

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Đến nay, tổng chỉ tiêu của các trường ĐH, các trường CĐSP gửi lên Bộ đế công bố vào khoảng 400.000, giảm khoảng 30.000 so với năm trước. Trong đó, khối sư phạm giảm 20%

Lý giải việc tiếp tục giảm chỉ tiêu vào các trường sư phạm, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga là do số học sinh giảm nên nếu tiếp tục đào tạo với chỉ tiêu như cũ sẽ dẫn tới dư giáo viên. Chờ quy hoạch lại mạng lưới các trường sẽ có con số chính xác mỗi năm đào tạo bao nhiêu chỉ tiêu sư phạm.

Thứ trưởng cũng thông tin số thí sinh năm nay vào khoảng gần 1 triệu. Tổng chỉ tiêu các trường ĐH, trường CĐSP khoảng 392 nghìn, trong đó 52.000 chỉ tiêu sư phạm và 340.000 chỉ tiêu các ngành khác.

Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường phổ thông, để từ năm 2020 trở đi được tổ chức ổn định đảm bảo sự tương thích với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã được Chính phủ phê duyệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ