Thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính hành vi cản trở hoạt động tố tụng

GD&TĐ - Với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Ảnh: Quochoi.vn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Ảnh: Quochoi.vn

Pháp lệnh này gồm 4 chương, 48 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2022; quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng về đối tượng điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh…

Trước đó, ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh này. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến thảo luận tại phiên họp; đồng thời, gửi dự thảo Pháp lệnh xin ý kiến các cơ quan có liên quan; bảo đảm hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật của dự thảo Pháp lệnh trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Về đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh, bà Lê Thị Nga cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng về đối tượng điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh. Đối với quy định về thủ tục bắt giữ tàu bay, tàu biển đã thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đối với trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Toà án nhân dân đều là những hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và thực tiễn đang xảy ra nhiều hành vi cản trở, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Tòa án, cần được điều chỉnh trong Pháp lệnh này để ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm.

Liên quan đến đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã rà soát các đối tượng bị xử phạt trong dự thảo Pháp lệnh nhằm bảo đảm thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó, Điều 4 của dự thảo Pháp lệnh bổ sung quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với Hội thẩm nếu có hành vi cản trở hoạt động tố tụng, để thống nhất với khoản 8 Điều 89 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân: “Hội thẩm… nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bãi nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”. Đồng thời, dự thảo Pháp lệnh cũng bỏ quy định liên quan đến xử phạt hành chính đối với Trợ giúp viên pháp lý khi thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý, vì đối tượng này là viên chức (theo quy định tại Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý), do đó, nếu thực hiện hành vi vi phạm thì họ sẽ bị xử lý theo Luật Viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.

…và các hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, toàn diện các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, cụ thể: chỉnh lý quy định về mức xử phạt đối với một số hành vi trong dự thảo Pháp lệnh; một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng nhưng đã được quy định tương tự trong các Nghị định của Chính phủ, thì dự thảo Pháp lệnh dẫn chiếu thực hiện theo các quy định tương ứng đó.

Cụ thể: khoản 4 Điều 19 quy định Thừa phát lại tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án không đúng quy định thì áp dụng theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; khoản 7 Điều 22 quy định Nhà báo đăng, phát nội dung thông tin sai sự thật trên báo chí nhằm cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án thì áp dụng theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, quy định hình thức xử phạt đối với hành vi trong dự thảo Pháp lệnh còn phải bảo đảm các yêu cầu thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn; tuân thủ nguyên tắc tại điểm c khoản 1 Điều 3 Luật Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng”…

Đối với các ý kiến tán thành quy định tại Chương III của dự thảo Pháp lệnh, đồng thời, đề nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh, bổ sung Điều 32, Điều 40 và khoản 9 Điều 41 quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong tất cả các giai đoạn tố tụng (từ giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử), trừ các vụ án thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp trong quân đội.

Ngoài ra, dự thảo Pháp lệnh đã tiếp thu và quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đồng thời có thẩm quyền xử phạt trong tất cả các giai đoạn tố tụng để bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được khẩn trương, kịp thời. Vì vậy, các cơ quan đều thống nhất quy định như dự thảo Pháp lệnh là phù hợp.

Thường trực Ủy ban Tư pháp đã rà soát, chỉnh lý điểm b khoản 4 Điều 23 của dự thảo Pháp lệnh, chỉ quy định về hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự; đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát toàn diện dự thảo Pháp lệnh, bổ sung 01 điều quy định về trách nhiệm tổ chức thi hành, chỉnh lý một số điều, khoản cụ thể khác để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi và hoàn thiện về kỹ thuật văn bản.

Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan đều thống nhất. Dự thảo Pháp lệnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua gồm có 4 chương, 48 điều; so với dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận ngày 15/8/2022 tăng thêm 03 điều, chỉnh lý 15 điều. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện, dự thảo Pháp lệnh đáp ứng đầy đủ mục đích, yêu cầu đặt ra…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.