Thống nhất công tác tuyển dụng nhà giáo: Tìm người đủ tâm và tài

GD&TĐ - Từ thực tiễn địa phương, nhiều ý kiến mong muốn có những thay đổi trong quy định tuyển dụng nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Thống nhất công tác tuyển dụng, bảo đảm chọn lựa được người có năng lực, phẩm chất, trình độ, kỹ năng dạy học...
Thống nhất công tác tuyển dụng, bảo đảm chọn lựa được người có năng lực, phẩm chất, trình độ, kỹ năng dạy học...

Trên đây cũng là nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Đổi mới tuyển dụng nhà giáo

Tại dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT dự kiến quy định một số nội dung mang tính đột phá trong công tác quản lý nhà nước về nhà giáo; trong đó quy định về vấn đề tuyển dụng.

Chia sẻ về nội dung này, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, để tuyển dụng đủ số lượng giáo viên theo yêu cầu của chương trình giáo dục; tuyển được người có năng lực, phẩm chất, trình độ, kỹ năng dạy học; quy trình tuyển dụng công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dự tuyển và cơ quan tuyển dụng, Bộ GD&ĐT dự kiến quy định công tác tuyển dụng nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được thực hiện thống nhất trên toàn quốc với những nguyên tắc:

Công tác tuyển dụng thực hiện thống nhất 1 lần/năm học, bắt đầu từ tháng 6 và hoàn thành trước tháng 9 hằng năm. Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức công tác tuyển dụng trên cơ sở quyết định số lượng, phân bổ biên chế của cấp có thẩm quyền (ngành Giáo dục và Nội vụ địa phương chủ trì rà soát và đề xuất Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định). Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm tổ chức công tác tuyển dụng tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Nội dung tuyển dụng trọng tâm vào việc đánh giá năng lực giảng dạy, tổ chức hoạt động giáo dục người dự tuyển đảm bảo đáp ứng chuẩn nhà giáo theo cấp học, trình độ đào tạo và thực hiện chung toàn quốc. Thông tin tuyển dụng được công khai, gửi đến các cơ sở đào tạo giáo viên từ thời điểm sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp ra trường.

Giáo viên được đăng ký tuyển dụng nhiều nguyện vọng, ở các địa phương (khác huyện hoặc tỉnh) để tăng cơ hội trúng tuyển và đảm bảo chỉ tiêu tuyển dụng cho từng địa phương. Trường hợp đảm bảo điều kiện về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nhưng không trúng tuyển các nguyện vọng theo nhu cầu thì được cơ quan quản lý giáo dục sắp xếp vào vị trí việc làm tương ứng nhưng chưa đủ chỉ tiêu trúng tuyển trên cơ sở có sự đồng ý của người tuyển dụng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính tôn nghiêm nghề dạy học và lựa chọn được người có phẩm chất, đạo đức để trở thành nhà giáo, dự thảo Luật Nhà giáo còn quy định các trường hợp không được đăng ký dự tuyển gồm: Người có tiền án, tiền sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Giáo viên Trường THPT Ban Mai, Hà Đông (Hà Nội) hướng dẫn học sinh trong giờ học. Ảnh: NTCC

Giáo viên Trường THPT Ban Mai, Hà Đông (Hà Nội) hướng dẫn học sinh trong giờ học. Ảnh: NTCC

Không phân mảnh trong quản lý

Liên quan đến nội dung này, tại hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo diễn ra chiều 2/6, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết, trong dự thảo Luật Nhà giáo, các quy định về cơ quan quản lý nhà nước với nhà giáo như sau:

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nhà giáo. Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc thống nhất quản lý nhà nước đối với nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý và trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quyết định số lượng và phân bổ biên chế cho ngành Giáo dục.

“Với những quy định như trên liên quan đến trách nhiệm của Bộ Nội vụ, tôi e rằng vẫn có thể dẫn đến sự phân mảnh trong quản lý nhà nước về nhà giáo”. TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến bày tỏ và đề nghị điều chỉnh lại quy định này trong dự thảo Luật.

Cụ thể: Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quyết định số lượng và giao chỉ tiêu biên chế cho ngành Giáo dục, giám sát và đánh giá việc tổ chức thực hiện. Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu biên chế cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) ủng hộ Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức công tác tuyển dụng trên cơ sở quyết định về số lượng biên chế, phân bổ biên chế của cấp có thẩm quyền như dự thảo Luật.

Tuy nhiên nội dung tuyển dụng không nên chỉ chú trọng vào năng lực giảng dạy, tổ chức hoạt động giáo dục, mà nên đánh giá theo tiêu chuẩn của nhà giáo hoạt động trong môi trường sư phạm số với năng lực TPACK. TPACK gồm năng lực: Công nghệ thông tin, năng lực sư phạm số và phương pháp dạy học số, năng lực về nội dung chuyên môn thích ứng với nhiều mô hình giáo dục mở, giáo dục trên không gian mạng.

Yêu cầu về đạo đức, ứng xử sư phạm cũng cần chú ý như một trọng tâm trong công tác tuyển dụng. Bên cạnh đó, tiêu chí sàng lọc trước khi tuyển lựa giáo viên ngoài lý lịch tư pháp cần cả tiêu chuẩn về sức khỏe tâm thần (ứng viên có lịch sử tổn thương sức khỏe tâm thần như lo âu trầm cảm, có các xu hướng tính dục đặc biệt như ấu dâm hay không…). Những vấn đề này nếu không được sàng lọc dễ dẫn đến sơ suất nghề nghiệp, làm xấu hình ảnh nhà giáo.

Từ thực tiễn địa phương, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đề xuất quy định nội dung, hình thức và các yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng riêng đối với nhà giáo (sơ tuyển ngoại hình, kết quả học tập, sát hạch giảng dạy,…), để đảm bảo phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, giảm thiểu các yêu cầu về hành chính, công vụ, tăng cường yêu cầu và đánh giá về năng lực sư phạm.

Có thể tính đến phương án quy định về thời điểm tuyển dụng thống nhất trong toàn quốc 2 kỳ/năm để đảm bảo sự chủ động, linh hoạt của cơ quan/đơn vị được giao thẩm quyền tuyển dụng, đáp ứng kịp thời số lượng nhà giáo thiếu/cần bổ sung. Về thẩm quyền tuyển dụng, phân cấp cho cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng nếu đáp ứng yêu cầu; trường hợp đơn vị không đáp ứng yêu cầu thì cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng…

Bên cạnh chức năng nhiệm vụ của phòng GD&ĐT quy định tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP, thì chức năng nhiệm vụ của phòng Nội vụ quy định Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5/5/2014 là “quản lý nhân sự”. Vì vậy, hầu hết UBND cấp huyện giao cho phòng Nội vụ chủ trì tham mưu Chủ tịch UBND cấp huyện trong tuyển dụng, tiếp nhận, điều chuyển, bổ nhiệm nhà giáo; hạn chế vai trò tham mưu của phòng GD&ĐT về chuyên môn.

Điều này dẫn đến hiện tượng thừa thiếu cục bộ; việc bố trí đội ngũ (số lượng, chất lượng, cơ cấu) phụ thuộc trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện. Trong khi đó, cơ chế thực hiện ở mỗi huyện khác nhau; điều kiện phương tiện, môi trường làm việc cũng khác. - Ông Thái Văn Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.