Hướng dẫn tuyển dụng đặc cách giáo viên đã có nhiều năm công tác

GD&TĐ - Ngày 27/1/2022, Bộ GD&ĐT có Công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về một số nội dung liên quan đến trình độ chuẩn được đào tạo và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Theo nội dung công văn, thời gian qua, Bộ GD&ĐT nhận được nhiều ý kiến của các địa phương về việc tuyển dụng, hợp đồng giáo viên liên quan đến trình độ chuẩn được đào tạo và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương thực hiện một số nội dung, công việc:

Thứ nhất, về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên theo Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ. Năm 2019, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với số giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Thực hiện chủ trương trên, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 hướng dẫn các địa phương tổ chức tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng (gọi tắt là Công văn số 5378).

Theo đó, việc tuyển dụng phải bảo đảm các quy định của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn chức danh, khung danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập tại thời điểm năm 2019.

Do đó, những địa phương chưa thực hiện xong việc tuyển dụng đặc cách theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và theo hướng dẫn tại Công văn số 5378 của Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thành để bảo đảm quyền lợi của giáo viên có nhiều năm công tác.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương lưu ý: Thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2005 nhưng chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Sau khi tuyển dụng, các giáo viên được bố trí đào tạo theo lộ trình nâng trình độ chuẩn theo quy định.

Thực hiện tuyển dụng giáo viên có bằng cử nhân chuyên ngành (phù hợp với môn dạy) không thuộc ngành đào tạo giáo viên. Đối với trường hợp này, giáo viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (một số nội dung về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được hướng dẫn tại mục 4 Công văn này). Sau khi tuyển dụng, các địa phương áp dụng các quy định tại các văn bản hiện hành của Bộ GD&ĐT để thực hiện việc bổ nhiệm, xếp lương.

Thứ hai, về việc tiếp tục hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng giáo viên. Hiện nay, nhiều địa phương đang hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Điều 77 Luật Giáo dục 2005.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và bảo đảm quyền lợi cho giáo viên hiện đang hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng, các địa phương xem xét tiếp tục hợp đồng, thỉnh giảng đối với những giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Điều 77 Luật Giáo dục 2005 đã ký hợp đồng trước ngày 1/7/2020. Những giáo viên này được tham gia lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo để đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.

Thứ ba, về việc bổ nhiệm lại và bổ nhiệm, xếp luơng đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có bằng cử nhân quản lý giáo dục (không phải bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên).

Kể từ ngày 1/7/2020, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, đã có những tác động đến chính sách do thay đổi quy định về trình độ chuẩn được đào tạo đối với đội ngũ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục có bằng cử nhân quản lý giáo dục mà không có bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên theo quy định.

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương xem xét thực hiện quy trình bổ nhiệm lại cán bộ quản lý trường học đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có bằng cử nhân quản lý giáo dục (không phải bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên).

Sau khi bổ nhiệm lại, cán bộ quản lý trường học phải tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ để đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019. Sau khi hoàn thành nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 thì thực hiện bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Thứ tư, về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cấp phổ thông. Triển khai thực hiện Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục 2019, Bộ GD&ĐT đã ban hành các Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên và cho người có bằng cử nhân không thuộc ngành đào tạo giáo viên muốn trở thành giáo viên để đáp ứng yêu cầu về năng lực sư phạm cũng như yêu cầu về thực tiễn nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục.

Thời gian qua, nhiều giáo viên có bằng cử nhân không thuộc ngành đào tạo giáo viên đã tham gia bồi dưỡng để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên đã đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2005 và tham gia đào tạo được cấp bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp (chẳng hạn: giáo viên có bằng trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm, sau đó đào tạo và được cấp bằng cử nhân Tin học, cử nhân Tiếng Anh ...).

Những giáo viên này đã có nhiều năm tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng sư phạm của cấp học, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Để bảo đảm quyền lợi cho giáo viên đã có nhiều năm công tác trong việc tuyển dụng (bao gồm tuyển dụng đặc cách giáo viên theo Công văn số 5378 và tuyển dụng mới đối với giáo viên đã tham gia hợp đồng giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục phổ thông), bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương:

Không yêu cầu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên đã tham gia giảng dạy có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm;

Chấp nhận các loại chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mà các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đã cấp cho các giáo viên trước ngày 22/5/2021.

Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện các nội dung trên. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc gửi về Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.