Thông điệp của Nga từ cuộc tập trận siêu quy mô

GD&TĐ - Nga vừa kết thúc cuộc tập trận có tên “Vostok - 2018”, được cho là cuộc tập trận lớn nhất kể từ năm 1981 đến nay. Dư luận phương Tây cho rằng, thông điệp của cuộc tập trận này là nhằm vào NATO. Tuy nhiên, theo các quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tập trận “Vostok- 2018” là thông điệp mạnh mẽ gửi đến Syria.

Tổng thống Nga V.Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu theo dõi cuộc tập trận
Tổng thống Nga V.Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu theo dõi cuộc tập trận

Cuộc tập trận lịch sử

Diễn ra từ ngày 11-17/9, Vostok - 2018 được tổ chức đúng vào ngày khai mạc Diễn đàn kinh tế Phương Đông (EEF), nơi các nguyên thủ quốc gia Nga, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mông cổ tham dự. “Vostok-2018” được cho là cuộc tập trận lịch sử bới trong nhiều năm nay. Đây là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất, sử dụng hầu như tất cả các vũ khí, khí tài hiện đại nhất.

Các chuyên gia của Tạp chí National Interest, một trong các tạp chí có ảnh hưởng lớn ở Mỹ kêu gọi Lầu Năm Góc theo dõi chặt chẽ cuộc tập trận "Vostok- 2018" và rút ra những kết luận thích hợp.

Theo người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga Valery Gerasimov thì cuộc tập trận được tổ chức theo hai giai đoạn. "Các hành động chính sẽ diễn ra ở 5 khu vực quân sự, 4 căn cứ không quân và Quân chủng Phòng không, ở Biển Okhotsk, biển Bering, Avacha và Vịnh Kronotsky"- Valery Gerasimov thông báo.

Cũng theo người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, cuộc tập trận có sự tham dự của 300.000 quân, hơn 1.000 máy bay, máy bay trực thăng và thiết bị bay không người lái; khoảng 36.000 xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép và các loại xe khác, 80 tàu chiến và tàu hỗ trợ. Trong cuộc tập trận, Nga sử dụng hệ thống phòng không S-300, S-400, hệ thống tên lửa Iskander, xe tăng T-90, T-80 và các thiết bị hiện đại khác. Tại cuộc tập trận, quân đội Nga có màn trình diễn bằng các cuộc không kích lớn, các bài tập chống tên lửa, cuộc tấn công vào các nhóm tàu, và vận chuyển các lực lượng tinh nhuệ.

Các chuyên gia quân sự thông báo rằng quân đội đã được gửi từ miền trung nước Nga từ trước khi cuộc tập trận chính thức diễn ra.

Theo ông Alexander Bartosh, Viện Khoa học Quân sự Nga thì các lực lượng vũ trang Nga đã thể hiện khả năng chuyển quân nhanh chóng của mình. Trên một khoảng cách dài mà thời gian chuẩn bị chỉ có 1 tháng.

Điều làm giới phân tích hết sức quan tâm rằng Trung Quốc và Mông Cổ cũng gửi quân tham gia cuộc tập trận này. Bộ Quốc phòng nga cho hay, Trung Quốc cử 3.200 quân và không quân Trung Quốc điều 26 máy bay trực thăng gồm MI-171, Z-9, Z-19 cùng các loại máy bay khác tham gia Vostok - 2018.

Tổng thống nga V.Putin đã đến thị sát cuộc tập trận và trao thưởng cho các binh sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Phát biểu tại thao trường Tsugol, Tổng thống Putin khẳng định, Nga là quốc gia hòa bình và không có kế hoạch gây hấn với nước nào. Ông Putin cho rằng, qua tập trận, quân đội Nga đã thể hiện được năng lực đối phó với bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào.

Thông điệp mang tên Syria

Tên lửa tự hành BM-27 khai hỏa
Tên lửa tự hành BM-27 khai hỏa 

Theo Alexander Batos, mục đích của cuộc tập trận “Vostok-2018” là chia sẻ những kinh nghiệm mà quân đội Nga được trải nghiệm trong chiến tranh Syria, để sĩ quan và binh lính Nga có khả năng tiếp cận nhanh chóng với cơ cấu tổ chức trong điều kiện chiến tranh của quân đội Chính phủ Syria.

Alexander Bartos khẳng định: Bộ Tổng tham mưu đã nghiên cứu cẩn thận kinh nghiệm thu được ở Syria ngay từ đầu. Chưa đầy 6 tháng sau khi các chiến dịch quân sự của Nga ở Syria bắt đầu (tháng 3/2016), Tổng tham mưu Trưởng Valery Gerasimov đã công bố bài báo có tên "Theo kinh nghiệm của Syria", trong đó phân tích bản chất của cuộc chiến ở nước này.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia quân sự thắc mắc rằng tại sao Nga lại có thể chia sẻ kinh nghiệm chiến tranh Syria với Trung Quốc? Đành rằng, Moscow và Bắc Kinh là đối tác chiến lược, nhưng hai nước cũng là đối thủ tiền tàng trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia nghiên cứu quân sự độc lập Pavel Felgenhaue, cái gọi là “chia sẻ kinh nghiệm chiến tranh Syria” ở vùng Viễn Đông sẽ hữu ích chỉ trong hình thức diễn tập gọn nhẹ.

"Những gì đã được sử dụng ở Syria, rất khó để sử dụng trong các hoạt động diễn tập có quy mô lớn"- Pavel Felgenhaue khẳng định.

Nếu đồng ý với quan điểm của Pavel Felgenhaue, vậy mục đích chính của cuộc tập trận hùng hậu mang tên “Vostok - 2018” là gì?

Trên tờ South China Morning Post, chuyên gia quân sự từ Bắc Kinh Chu Chenmin cho rằng, đây "là một dấu hiệu của sự ủng hộ chính trị đối với Bắc Kinh của Tổng thống Nga V. Putin, người đang chịu áp lực ngoại giao trên nhiều mặt trận".

Tờ báo cũng đưa ra lời bình luận của chuyên gia phương Tây Jonathan Holslag, Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Tự do Brussels. Ông Jonathan Holslag cho rằng, Nga và Trung Quốc đã tham gia vào cuộc tập trận này để "gửi tín hiệu đến các đối thủ quốc tế".

Cùng với cuộc tập trận hải quân tại Địa Trung Hải vừa rồi, cuộc tập trận “Vostok - 2018” diễn ra trong bối cảnh tình hình Syria đang có dấu hiệu phức tạp. Mỹ đã không che giấu tham vọng trở lại Syria. Khi quân chính quyền Bashar Assad quyết mở cuộc tấn công tổng lực vào Idlib- sào huyệt cuối cùng của quân nổi dậy và các lực lượng khủng bố do Mỹ hà hơi tiếp sức thì

Washington nổi giận, định vin cớ “sử dụng vũ khí hóa học” để tấn công Syria.

Về phía Nga, đã 3 năm can dự vào cuộc chiến với tư cách là đồng minh thân cận của Chính phủ Syria, đã đến lúc Moscow không thể khoanh tay đứng nhìn

Washington đơn phương tấn công Syria bằng tên lửa. Cuộc tập trận của hải quân Nga tại Địa Trung Hải được cho là “khóa chặt” các hoạt động của hải quân Mỹ trên vùng biển này. Tiếp theo, Vostok -2018 là cuộc tập trận phô trương sức mạnh toàn diện. Qua cuộc tập trận hoành tráng với mục đích chia sẻ kinh nghiệm từ chiến trường Syria, Moscow như gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Mỹ và phương Tây rằng, họ sẽ bảo vệ đến cùng chính quyền hợp pháp của Tổng thống Bashar Assad cũng như bảo vệ lợi ích của họ ở đất nước Hồi giáo này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.