Theo Viện Khảo cổ học, đây là hội thảo khoa học thường niên có quy mô cấp quốc gia, quốc tế của ngành khảo cổ. Hội thảo năm nay có sự tham gia của gần 1.000 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành đến từ các cơ quan, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Kể từ hội thảo lần thứ 57 (năm 2022) đến nay, giới khảo cổ học đã tiến hành nhiều hoạt động khảo cổ.
Trong đó có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như: Điều tra, thăm dò, khai quật nghiên cứu hệ thống di tích hang động văn hóa Hòa Bình trên địa bàn tỉnh Hà Nam; các hoạt động khai quật di tích thời đại Đá ở tỉnh Bắc Kạn, Hòa Bình, Đắk Nông; khai quật các di tích giai đoạn tiền Đông Sơn ở Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang; nhiều cuộc khai quật quy mô lớn ở Thanh Hóa, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế; khảo cổ học Chămpa - Óc Eo; khảo cổ học dưới nước…
Đặc biệt, kết quả khai quật khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2023 đã được báo cáo chi tiết, xác định được tầng văn hóa liên tục từ thời Đại La qua thời Lý - Trần - Lê sơ - Lê trung hưng đến thời Nguyễn, làm rõ không gian kiến trúc khu vực chính điện Kính Thiên.
Tại Hà Nam, cuộc khai quật lần thứ nhất hang đội 4 đã phát hiện 3 mộ táng của trẻ em và người trưởng thành. Đây là dạng mộ cải táng và mộ song táng, được chôn theo tư thế nằm co bó gối, cách ngày nay khoảng 10.000 năm.
Tại hang Thung Na, đoàn khảo sát phát hiện các dấu tích cổ sinh thời tiền sử và sơ sử. Đó là những phát hiện về hóa thạch động vật và nhiều mảnh gốm vặn thừng màu nâu đỏ thuộc nền văn hóa Đông Sơn.
Các phát hiện và kết quả nghiên cứu di tích, di vật và khảo cổ học đã góp phần khẳng định giá trị của nền văn hóa, văn minh, văn hiến của dân tộc. Đồng thời cung cấp luận cứ khoa học và tư vấn chính sách cho việc xây dựng quy hoạch bảo vệ di sản, đánh giá giá trị và đề xuất ý kiến bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích và các nguồn tài nguyên văn hóa Việt Nam còn ẩn dưới lòng đất.