Từ bé, Thomas Anders (tên thật - Bernd Wei-dung) đã được cha khuyến khích chơi nhạc, tham gia dàn hợp xướng nhà thờ, gần 10 năm học piano và tự học guitar. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh theo học ngành văn học - ngôn ngữ Đức và âm nhạc ở Mainz.
Năm 1979, trong cuộc thi Radio Luxemburg, tuy không giành được số điểm cao nhất nhưng chỉ 2 ngày sau đó, Bernd nhận được hợp đồng thu âm từ công ty của một thành viên ban giám khảo.
Hồi tưởng về sự kiện này, Thomas Anders nói: “Trong cuộc đời, tôi thực sự là người may mắn. Không phải mọi chuyện trong cuộc sống đều diễn ra đúng như ý tôi, nhưng tôi luôn biết nắm lấy cơ hội. Như người ta thường nói, nếu có trong tay một quả chanh, bạn luôn có thể làm ra nước chanh”.
Năm 1980, Bernd Weidung phát hành đĩa đơn đầu tiên của mình, có tên Judy. Công ty thu âm khuyên Bernd nên lấy nghệ danh Thomas Anders, và về sau, cái tên ấy đã cùng anh bước lên sân khấu lớn.
Sau khi phát hành đĩa Judy, Thomas cùng với các nghệ sĩ trẻ khác đã thực hiện chuyến lưu diễn vòng quanh nước Đức kéo dài 15 ngày. Năm 1981, anh ra mắt trên truyền hình trong chương trình Michael Schantz. Năm 1983, cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ và là nhà sản xuất Dieter Bohlen đã trở thành bước ngoặt trong cuộc đời Thomas.
Thời kỳ đầu của Modern Talking
Tháng 10/1984, Thomas cùng Dieter Bohlen lập nên ban nhạc Modern Talking và phát hành đĩa đơn You’re My Heart, You’re My Soul, được yêu chuộng nhất tại châu Âu suốt 6 tháng liền.
Trong ba năm tiếp theo, Modern Talking đã thu được 6 album và 9 đĩa đơn, trong đó có 5 bài thay phiên nhau chiếm vị trí số một trong bảng xếp hạng châu Âu. Bộ đôi đã bán được hơn 60 triệu đĩa nhạc, nhận được 40 điểm “bạch kim” và hơn 200 điểm “vàng”.
Đáng tiếc, quãng thời gian thành công của Modern Talking rất ngắn. Sau You’re My Heart, You’re My Soul, họ tiếp tục cho ra đời bản hit You Can Win If You Want và album đầu tay The 1st Album. Tại Đức, CD này đạt chứng nhận đĩa bạch kim sau khi bán được 500.000 bản.
Ca khúc Cheri, Cheri Lady đưa tên tuổi Modern Talking vượt ra bên ngoài nước Đức để tới Thụy Sĩ, Áo, Na Uy, Thụy Điển, Hà Lan… Chỉ trong quãng thời gian ngắn ngủi 1985-1987, Anders cùng Bohlen liên tiếp cho ra đời 5 album Let’s Talk About Love, Ready for Romance, In the Middle of Nowhere, Romantic Warriors và In the Garden of Venus.
Tuy thành công tại châu Âu, châu Á, Nam Mỹ hay cả Trung Đông, nhưng âm nhạc của Modern Talking lại rất ít được biết đến tại Bắc Mỹ và các ca khúc của họ chưa từng lọt vào bảng xếp hạng Billboard danh giá. Bất chấp điều đó, số lượng đĩa mà ban nhạc bán ra trong thời kỳ này ước tính lên tới 65 triệu bản.
Nhưng thành công lại đi kèm những bất hòa và đó là lý do Thomas Anders cùng Dieter Bohlen quyết định chia tay để tìm kiếm con đường riêng. Năm 1987, Modern Talking tan rã do hết hạn hợp đồng và cả hai người đều không muốn đi tiếp cùng nhau.
Thomas bắt đầu thực hiện những chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới và thu được nhiều thành công lớn. Hai người vẫn giữ liên lạc trong thập niên 1990, để rồi tái hợp năm 1998. Lần này, Modern Talking tồn tại thêm 5 năm, trước khi tan vỡ một lần nữa.
![]() |
Thomas Anders (1984), ảnh bìa đĩa nhạc Endstation sehnsucht (Ga cuối của khát vọng) |
Sự nghiệp solo
Năm 1989, Anders phát hành album solo đầu tiên của mình, Different, do nhạc sĩ nổi tiếng Gus Dudgeon làm nhà sản xuất kiêm đạo diễn âm thanh.
Năm 1990, với sự giúp sức của SBK Music Publishing, Anders lập công ty xuất bản âm nhạc của riêng mình - Thomas Anders Music. Đến năm 2000, với sự tham gia của hai đối tác Thomas Christian Geller và Guido Karp, Thomas Anders Music được chuyển thành nhà xuất bản âm nhạc KA.GB Music GmbH, hợp tác với Sony/ATV Music Publishing GmbH của Đức.
Từ năm 1991 trở đi, Thomas Anders hợp tác với nhiều nhà sản xuất có uy tín để liên tục cho ra mắt nhiều album ấn tượng và gặt hái nhiều thành công vang dội.
Bản thân Thomas cũng tích cực tham gia sáng tác ca khúc, nhưng dưới bút danh Chris Copperfield. Năm 1993, Anders có được một trải nghiệm mới, tham gia diễn xuất trong bộ phim Stockholm Marathon của Thụy Điển. Anh cũng đã viết bản nhạc mở đầu cho bộ phim này.
Đối với album kế tiếp, người quản lý đã giới thiệu cho Thomas bài hát nổi tiếng của thập niên 1970 When Will I See You Again của The Three Degrees. Bài hát này đã được đặt lên đầu album mới và tựa đề của nó cũng được đặt tên cho album.
Vào dịp kỷ niệm 20 năm bài hát này ra đời, Ban tổ chức đã quyết định mời các nghệ sĩ đầu tiên trình diễn nhạc phẩm này trong thập niên 1970 và Thomas Anders đã thể hiện lại ca khúc When Will I See You Again cùng với ban nhạc nữ The Three Degrees.
Dự án ngắn hạn này đã phát triển thành sự hợp tác sâu hơn nữa. Thomas đã mang lại cho ban nhạc này một khởi đầu mới, bằng cách viết một số bài hát cho album Out The Past Into The Future và đã thu được những thành công ngoài mong đợi.
Một phiên bản bìa khác trong album là bản ballad Midnight, do Nikka Costa thực hiện năm 1989. Bài hát Marathon Of Life được viết riêng cho một trong những tập phim của series The Martin Beck, được gọi là Stockholm Marathon, trong đó Thomas Anders có đóng một vai và đó chính là trải nghiệm đầu tiên của ca sĩ trong lĩnh vực điện ảnh.
Bài hát Dance In Heaven được Thomas viết sau một cuộc trò chuyện qua điện thoại với người hâm mộ là một phụ nữ cao tuổi người Mỹ gốc Phi, bà Ethel, người mà anh đã gặp trước đó vài năm và rất quý mến.
Trong khi trò chuyện, giọng bà Ethel đã rất yếu, hầu như chỉ thều thào, và sau khi gác máy, Thomas nhận ra rằng mình sẽ không bao giờ còn có cơ hội nói chuyện với bà một lần nữa, vì vậy anh đã viết bài hát này.
Năm 1994, Thomas Anders phát hành ở Mỹ album Barcos de cristal bằng tiếng Tây Ban Nha, với ý định nhắm vào thị trường Mỹ Latin. Tại Argentina, album này nhanh chóng chiếm lĩnh ngôi vị độc tôn trên thị trường ca nhạc.
Các nhà làm phim truyền hình Argentina đã mời Anders viết bài hát mở đầu cho một serie phim truyền hình nhiều tập. Sau đó, anh cũng viết ca khúc Tal Vez cho nữ ca sĩ Marta Sanchez và bài hát này, qua giọng hát vàng của nữ ca sĩ người Tây Ban Nha, đã một thời làm khuynh đảo thị trường ca nhạc Mexico.
Tái hợp và... tái tan rã
Vào mùa xuân năm 1998, đã có một sự hồi sinh bất ngờ của bộ đôi Modern Talking đã tan rã hơn mười năm trước. Thomas Anders và Dieter Bohlen đã thu âm một album gồm các bản remix và các hit cũ của ban nhạc (Back For Good) và cùng nhau biểu diễn. Tuy nhiên, sau 5 năm (vào năm 2003), lịch sử của bộ đôi này lại dừng lại.
Modern Talking tan rã lần thứ hai là do Dieter Bohlen đã xuất bản hai cuốn tự truyện về nhóm nhạc. Trong hai tác phẩm, không chỉ riêng Thomas Anders mà nhiều người khác thuộc ê-kíp ban nhạc cũng bị chỉ trích.
Kết quả là Anders cùng những người này quyết định kiện Bohlen ra tòa vì những tình tiết trong hai cuốn tự truyện được cho là sai sự thật. Cá nhân Dieter Bohlen bị fan của Modern Talking chỉ trích dữ dội, tới mức không dám xuất hiện trước công chúng suốt một năm trời.
Khi được hỏi về những tranh cãi với “đồng đội cũ”, Thomas Anders vẫn tỏ ra rất nhã nhặn: “Dieter Bohlen là người sáng tác, còn tôi là người thể hiện các ca khúc của anh ấy. Chúng tôi một thời đã có một sự nghiệp tuyệt vời. Tôi chưa bao giờ ghen tị về tài sáng tác của Bohlen, bởi tài năng của mỗi cá nhân trong Modern Talking là hoàn toàn khác nhau và hai tài năng ấy khi kết hợp với nhau đã khiến Modern Talking tỏa sáng”.
Thomas Anders không cảm thấy cay đắng vì quá khứ, bởi trong những tour diễn solo, anh vẫn hát nhạc Modern Talking. “Nhờ những ca khúc của Modern Talking, tôi mới được thế giới biết tới.
Khán giả vẫn thích nghe những bản hit của Modern Talking. Khi thấy tôi trên sân khấu, họ mong chờ được nghe các giai điệu quen thuộc. Tôi không thể khiến họ thất vọng, và thực sự thì tôi cũng rất thích được hát nhạc Modern Talking”, anh nói.
Trong thời gian tồn tại lần hai của Modern Talking, Thomas không rời dự án với các ngôi sao khác, do đó anh vẫn tiếp tục sáng tác ca khúc và tham gia sản xuất. Trong số đó, có thể nhắc tới sự hợp tác với No Angels, T-Seven (dự án của cựu nghệ sĩ solo nổi tiếng vào giữa thập niên 1990), Marta Sanchez, Isabel Varell, It Girls.
Cuộc sống cá nhân của ca sĩ cũng có sự tiến triển có tính chất “bước ngoặt cuộc đời” - sau khi đính hôn vào dịp Giáng sinh năm 1999, vào ngày 15/7/2000 tại Stromburg, Thomas Anders đã kết hôn với Claudia Hess. Hai năm sau, họ sinh con, đặt tên Alexander Mick Weidung. Mặc dù nam ca sĩ hào hoa có rất nhiều fans nữ, nhưng Claudia luôn tin tưởng vào sự chung thủy của chồng và cuộc hôn nhân của họ đến nay vẫn luôn ngập tràn hạnh phúc.
Hiện tại, Thomas Anders và Dieter Bohlen không hát chung, nhưng cùng hợp tác tại các lò đào tạo những ngôi sao mới.
Hồi tháng 5/2016, đã bước qua tuổi 50 được 3 năm, Thomas Anders phát hành đĩa đơn Lunatic và album mới History. Trong nửa cuối năm 2016, ông đi lưu diễn quảng bá cho các sản phẩm này và Việt Nam là một trong những điểm dừng chân.
Tháng 11/2016, Thomas Anders đến Việt Nam thực hiện liveshow Modern Talking ft Thomas Anders Live In Concert . Theo kế hoạch, chương trình sẽ chỉ diễn ra trong một đêm 26/11, nhưng cảm phục trước tấm lòng mến khách của khán giả cũng như trước yêu cầu cuồng nhiệt của các fans hâm mộ, Anders đã đồng ý diễn thêm một đêm nữa (27/11).
Khi biết người Việt Nam cho đến nay vẫn thường xuyên mở nhạc Modern Talking, đặc biệt tại các đám cưới vùng quê, Thomas Anders tỏ ra vô cùng ngạc nhiên thích thú và hứa sẽ “cháy hết mình” trong đêm diễn. Quả thực ông đã “cháy”, cùng với việc vé của hai đêm diễn của ông tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội cũng cháy…
Cảm động trước tấm lòng nồng hậu của khán giả Việt, trước khi chia tay, Thomas Anders hứa sẽ trở lại Việt Nam lần nữa. Và lần này, ông sẽ thực hiện show diễn vào tối 7/3 như một món quà dành tặng phụ nữ Việt Nam nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3.