Thơm lừng những làng cá nướng

GD&TĐ - Không biết từ bao giờ, nghề nướng cá đã hình thành tại nhiều làng ven biển Hà Tĩnh. Nhờ bí quyết riêng, cá nướng ở đây béo ngậy, mang đậm hương vị biển.

Nghề nướng cá đưa lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân,
Nghề nướng cá đưa lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân,

Nghề làm bạn với than

Không bận rộn như những ngày giáp Tết, nhưng những bếp lửa của người dân Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn luôn đỏ lửa nướng cá phục vụ khách hàng trong những ngày này.

Đường vào làng cá Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).
Đường vào làng cá Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).

Theo những người làm nghề, cá để nướng tại các lò nướng ở cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim có rất nhiều loại và nhiều kích cỡ khác nhau. Trong đó, chủ yếu là loại cá thu, cá nục hoa, cá nục chuối, cá bạc má, cá trích, cá cơm, cá đục, cá chim biển…, được đánh bắt ở vùng biển các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Gắn bó với nghề cá nướng hơn 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Thương (58 tuổi, xã Thạch Kim) cho biết: “Công việc này cứ luôn chân luôn tay. Không phải cứ cho cá lên bếp rồi để đó, tôi phải thường xuyên trở cá tránh bị cháy khét. Cứ mẻ này chín tới lại sắp mẻ cá khác lên. Việc nướng cá kéo dài đến tối mịt để kịp cung ứng đủ số lượng khách đặt. Mùa này cực lắm, vừa nóng vừa khói mù mịt. Không chịu khó thì không bám trụ được với nghề này đâu”, vừa quạt than, bà Thương tâm sự.

Muốn có sản phẩm cá nướng ngon, người dân phải luôn lựa chọn nguyên liệu tươi và bảo quản tốt.
Muốn có sản phẩm cá nướng ngon, người dân phải luôn lựa chọn nguyên liệu tươi và bảo quản tốt.

Cũng theo bà Thương, nghề nướng cá vất vả nhưng mang lại thu nhập đều tay cho người làm. Trung bình mỗi ngày đưa về cho gia đình bà từ 200-300 ngàn đồng. Đặc biệt, những ngày Tết số lượng khách mua cá nướng tăng mạnh nên thu nhập cũng khá hơn.

Bình quân, mỗi lò tại đây có thể nướng từ 2 đến hơn 3 tạ cá/ngày, có lò nướng hơn 4 tạ cá/ngày, tùy theo số lượng khách đặt, có bao nhiêu nướng bấy nhiêu. Nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, cá nướng tiêu thụ số lượng lớn hơn so với những ngày bình thường.

Bà Nguyễn Thị Thương trở đều tay mẻ cá nướng trên bếp than củi.
Bà Nguyễn Thị Thương trở đều tay mẻ cá nướng trên bếp than củi.

Nhiều năm trở lại đây, làng nghề cá nướng Thạch Kim phát triển mạnh, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương. Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.

Thấy được tiềm năng từ lợi thế này, hiện nay chính quyền xã Thạch Kim đang nỗ lực từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để người dân yên tâm làm nghề.

Những mẻ cá thành phẩm.
Những mẻ cá thành phẩm.

Đặc biệt, từ năm 2018, kể từ khi cụm công nghiệp chế biến hải sản được đầu tư xây dựng trên diện tích hàng ngàn mét vuông, các hộ dân chuyển vào đây làm nghề tập trung. Hệ thống lò nướng được đầu tư bài bản giúp người dân giảm nhẹ sức lao động mang lại năng suất cao và phần nào tình trạng ô nhiễm môi trường do khói than gây ra.

Ngoài ra, hạ tầng tại khu vực này cũng khá rộng rãi thuận lợi cho việc vận chuyển, bốc dỡ, phơi hong cá, sản phẩm làm ra sạch sẽ và thơm ngon hơn rất nhiều so với nướng tại nhà; mang lại nguồn thu nhập đáng kể, tạo nhiều công ăn việc làm ổn định nên các hộ dân phấn khởi hơn.

Quà quê đi muôn phương

Nằm dọc tuyến đường Tỉnh lộ 9, tại xóm Vĩnh Phú (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) có gần chục lò nướng cá hai bên đường. Tuy người dân ở đây không làm nghề biển, nhưng nướng cá đã là nghề truyền thống lâu đời của người dân nơi đây.

Làng cá nướng Hộ Độ nằm trên trục đường Tỉnh lộ 22 qua thôn Vĩnh Phú (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).
Làng cá nướng Hộ Độ nằm trên trục đường Tỉnh lộ 22 qua thôn Vĩnh Phú (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).

Làng cá nướng chỉ cách chân cầu Hộ độ chưa đầy 100m. Không cần biển chỉ dẫn, vừa tới đầu cầu khách hàng đã thấy mùi cá nướng ngào ngạt trong không khí. Ban đầu, chỉ là một vài hộ gia đình đứng ra thu mua cá rồi đem nướng lên sau đó mang bán tại các chợ trong xã Hộ Độ. Thế rồi những con cá nướng Hộ Độ lần lượt góp mặt tại khắp các chợ Hà Tĩnh và trở thành món quà quê mặn mòi để gửi biếu cho những người tha hương.

Bà Vương Thị Loan (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) có hơn 45 năm gắn bó với nghề nướng cá.
Bà Vương Thị Loan (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) có hơn 45 năm gắn bó với nghề nướng cá.

Bà Vương Thị Loan (60 tuổi – chủ của sạp cá nướng Thắng Loan) có hơn 45 năm gắn bó với nghề nướng cá. Bà Loan cho biết, muốn cá ngon thì trước hết phải tươi và bảo quản phải tốt.

Bà cũng thường xuyên chọn những “mối” hàng ngon để đảm bảo sản phẩm ngon nhất khi tới tay khách hàng. “Người ăn họ tinh lắm, dở là mình mất khách liền. Vì vậy tôi thường chấp nhận mua hàng giá cao hơn nhưng bù lại cá luôn tươi ngon”, bà Loan nói.

Đến khi lớp da ngoài vàng óng, tỏa mùi ngào ngạt là thành phẩm đạt yêu cầu.
Đến khi lớp da ngoài vàng óng, tỏa mùi ngào ngạt là thành phẩm đạt yêu cầu.

Cá sau khi sơ chế sạch phải để thật ráo nước, bà Loan sẽ dùng một que tre xuyên từ đầu đến bụng cá. Cách này giúp nướng cá dễ hơn và giữ cho cá không bị bể nát trong quá trình nướng. Điều đặc biệt, cá nướng tại đây được giữ nguyên hương vị không hề qua giai đoạn tẩm ướp gia vị.

Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, cá nướng Hà Tĩnh còn được vận chuyển làm quà đến nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, cá nướng Hà Tĩnh còn được vận chuyển làm quà đến nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Mỗi ngày sạp cá bà Loan bán được từ 100-150 con. Những ngày giáp Tết số lượng này tăng lên gấp đôi, gấp ba vì lượng người mua nhiều về ăn hoặc làm quà. Với giá bán từ 15-50 nghìn đồng/sản phẩm, mỗi năm gia đình bà Loan thu nhập khoảng trăm triệu đồng. Cũng như cá nướng Thạch Kim, cá Hộ Độ không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được vận chuyển làm quà gửi đi Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, các tỉnh Tây Nguyên…

Ông Phạm Duy Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết, toàn xã hiện có khoảng 40 hộ dân đang làm nghề nướng cá tại cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim. Năm 2020, địa phương bắt đầu vận động thành lập các hợp tác xã nướng cá vào cụm tập trung, bình quân mỗi ngày nướng hàng tấn cá các loại, đặc biệt trong dịp tết thì số lượng nhiều hơn. Ngày thường giá trị kinh tế từ nướng cá tại đây đạt khoảng 240 triệu đồng, bình quân thu nhập từ 4,5 đến 5 triệu đồng/lao động/tháng, giải quyết công ăn việc làm cho trên 200 lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.