Yêu cầu Hưng Yên xác minh làm rõ nguồn gốc cát tại 8 dự án xây dựng

GD&TĐ - Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thời gian từ 2011 -2018.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Theo đó, UBND tỉnh Hưng Yên cấp giấy phép khai thác cát cho 3 công ty (Công ty CP ĐTXD Hà Thành UDIC; Công ty CPĐT Việt Linh – Hà Nội; Công ty CP DTPT Phố Hiến) không qua đấu giá với điều kiến các công ty này chỉ được khai thác cát, cung cấp nguyên vật liệu phục vụ cho việc duy tu, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Hưng Yên không có biện pháp để quản lý chặt chẽ việc khai thác, tiêu thụ cát của 3 công ty này dẫn đến việc các công ty có thể bán cát cho đối tượng khác mà không bị kiểm tra, xử lý...

Thanh tra Chính phủ cũng đánh giá tỉnh Hưng Yên chưa thực hiện nghiêm tục việc kiểm kê, đánh giá trữ lượng khoáng sản còn lại sau khai thác hàng năm tại các dự án khai thác cát dẫn đến khó kiểm soát khối lượng thực tế của doanh nghiệp, tiềm ẩn việc thất thu thuế, phí liên quan đến hoạt động này.

Tại 7/12 dự án khai thác cát được thanh tra cho thấy còn tồn tại những vi phạm như nợ tiền kỹ quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, không xuất trình đầy đủ báo cáo quan trắc định kỳ trong quá trình khai thác, chưa thực hiện tốt việc cử lý bụi trong quá trình tập kết cát...

Một số tốn tại, vi phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại các dự án như:

Dự án khai thác cát tại xã Đại Tập (huyện Khoái Châu) của Công ty TNHH XD&SX VLXD Sông Hồng cho thấy dự án này còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường gần 60 triệu đồng; không có đầy đủ các báo cáo kết quả quan trắc định kỳ; dự án hết hạn giấy phép khai thác nhưng không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Dự án khai thác cát tại xã Mai Động (huyện Kim Động) của Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh còn tính thiếu số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với 1 số hàng mục (chi phí vận chuyển, tháo dỡ nhà điều hành, kho vật liệu, kho chứa thành phẩm...);

Sử dụng 3 tàu khai thác cát khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; dự án hết hạn giấy phép khai thác nhưng không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Dự án khai thác cát tại xã Mai Động (Kim Động, Hưng Yên) của Công ty Hưng Phú Invest còn tính thiếu số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường với một số hạng mục như đã nêu tại thiết kế cơ sở; chưa xây dựng, lắp đặt hệ thống phun nước dập bụi và trồng 300 cây xanh dọc đường vận chuyển hạn chế bụi, khí thải theo đề án cải tạo phục hồi môi trường được phê duyệt...;

Sử dụng nhiều phương tiện khai thác có công suất khai thác lớn hơn côn suất tính toán, thời gian làm việc dài hơn dẫn đến cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát được khối lượng khai thác thực tế.

Những dự án khai thác cát của các công ty như Công ty CP ĐTPT Phố Hiến, Doanh nghiệp XD Xuân Trường, Công ty CP ĐTXD Sơn Nam, Công ty CP Vân Đức cũng mắc phải nhiều thiếu sót, sai phạm cũng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra.

Mặt khác, tại tỉnh Hưng Yên, tính đến 2019, có 63 bến bãi tập kết, kinh doanh cát, bình quân 1,45 km có 1 bến bãi là quá dày, quá nhiều, không những gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của cơ quan chức năng mà còn là điều kiện thuận lợi cho việc tập kết, mua bán, kinh doanh cát trái phép của chủ bến bãi.

Kiểm tra các bến bãi này cho thấy hầu hết không có giấy phép hoạt động bến bãi, không nằm theo quy hoạch, không chấp hành pháp luật về đất đai và môi trường. Dù diễn ra trong nhiều năm qua nhưng UBND tỉnh Hưng Yên và các địa phương trực thuộc không quyết liệt trong việc xử lý.

Qua kiểm tra 8 dự án khu đô thị, khu công nghiệp, công trình đường giao thông trong thời gian từ 2011 - 2018, có tổng khối lượng cát đã được sử dụng để san lấp là khoảng 14,5 triệu m3 trong khi đó tổng số cát kê khai nộp thuế của toàn bộ 12/12 dự án khai thác cát được cấp phép chỉ vọn vẹn gần 3,5 triệu m3 (tương đương 23,7% so với nhu cầu đã được sử dụng tại 8 dự án).

Theo Thanh tra Chính phủ, trong danh sách có ít nhất 35 doanh nghiệp, cá nhân cung cấp cát cho 8 dự án nêu trên, chỉ có một công ty có giấy phép khai thác cát, còn lại thu mua từ các nguồn hàng trôi nổi, không có chứng từ nguồn gốc, có căn cứ nghi ngờ một phần cát này là cát được khai thác trái phép.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo Công an tỉnh xác minh, làm rõ nguồn gốc cát cung cấp tại 8 dự án này để xử lý theo quy định.

Kiểm tra làm rõ việc khai thác, tiêu thụ cát của Công ty CP ĐTXD Hà Thành UDIC; Công ty CPĐT Việt Linh – Hà Nội; Công ty CP DTPT Phố Hiến, trường hợp tiêu thụ cát không đúng đối tượng thì xử lý nghiêm theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ