Xét xử vụ gian lận điểm thi ở Sơn La: Chi tiền tỷ để... nhờ xem điểm

GD&TĐ - Ngày 17/10, ngày thứ 3 Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi, trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở địa phương này. Những người làm chứng có mặt tại tòa đều có chung lời khai là “nhờ các bị cáo xem trước điểm thi” để điều chỉnh nguyện vọng. Người ta đã không ngại “móc hầu bao” chi cả tiền tỷ chỉ để... “xem điểm”.

Nguyễn Ngọc Hà, người nhận chuyển thông tin 10 thí sinh “nhờ xem trước điểm thi”
Nguyễn Ngọc Hà, người nhận chuyển thông tin 10 thí sinh “nhờ xem trước điểm thi”

Tình người trỗi dậy...

Trần Xuân Yến, cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La kiên quyết đổ lỗi cho cấp dưới
Trần Xuân Yến, cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La kiên quyết đổ lỗi cho cấp dưới 

Qua phần xét hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX), gần 20 người làm chứng đều khẳng định bản thân chỉ “nhờ các bị cáo xem trước điểm thi” của con em, người quen biết, người thân để kịp thời điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp. Tất cả nhân chứng được mời đến tham dự phiên tòa đều quả quyết không hề có sự tác động để nâng điểm, sửa điểm cho con em mình.

Đáng chú ý là lời khai của Nguyễn Thị Hương (SN 1969) trú tại Tổ 3, phường Quyết Thắng, TP Sơn La. Hương khai chỉ có quan hệ đồng nghiệp, đồng chí cùng cơ quan với Nguyễn Hồng Hà (cán bộ Sở GD&ĐT), nên đã nhờ Hà xem điểm cho hai thí sinh: Ngô Đức Anh và Lê Thanh Tùng (làm công an nghĩa vụ tại một đơn vị bảo vệ mục tiêu của tỉnh Sơn La). 2 thí sinh trên là đồng hương Thanh Hóa với Hương. Hương cùng hai thí sinh trên vô tình gặp nhau trong một bữa ăn sáng rồi quen biết. Lần thứ hai vô tình gặp khi 2 thí sinh này đến Sở GD&ĐT, gặp và cung cấp số báo danh, họ, tên. Vì tình cảm đồng hương nên Hương “nhờ Hà xem trước điểm thi”.

Hay như lời khai của ông Lê Văn Thời, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Sơn Hải, cho biết, có quen biết với ông Hoàng Tiến Đức từ khi hai người cùng ở huyện Mai Sơn. Trong một bữa cơm tại nhà hàng của mình, thấy ông Đức ăn cơm ở đó, một khách hàng đã nhờ ông Thời nói với ông Đức xem điểm trước cho con. Do trong lúc uống rượu nên ông Thời không còn nhớ thông tin về thí sinh này.

Ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La, người được tòa xét hỏi với tư cách là người làm chứng khẳng định, do quen biết với Nguyễn Ngọc Hà và Nguyễn Minh Khoa (cán bộ Công an tỉnh Sơn La), trước và trong kỳ thi bản thân có trực tiếp nhờ hai người này xem điểm trước cho con trai và cháu ruột. Tuy nhiên, ông Khoa và ông Hà không thông tin lại số điểm đã đạt được.

Một số người khác như bà Trần Thị Thu Phương, giáo viên Trường THPT Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu; Dương Thị Đạt, giáo viên Trường THPT Chiềng Sinh, TP Sơn La cũng thừa nhận có chuyển thông tin các thí sinh cho ông Hà và ông Khoa nhằm xem điểm trước.

Ông Hà khai nhận, trước khi chấm thi THPT quốc gia có trực tiếp chuyển danh sách, thông tin của 10 thí sinh cho một số thành viên Ban Chấm thi giúp đỡ, trong đó có con gái ông là Nguyễn Yến Khanh.

Sau khi có thông tin các thí sinh, ông Hà tập hợp lại, trực tiếp viết tay thông tin các thí sinh thành 4 danh sách rồi chuyển cho các bị can Nguyễn Xuân Yến, Nguyễn Thị Hồng Nga, Lò Văn Huynh và Hoàng Tiến Đức nhờ giúp đỡ, trong đó có 2/10 thí sinh trùng nhau vì nhờ 2 người “xem điểm trước”.

Chi tiền tỷ để... xem điểm

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga thành khẩn khai báo tại tòa
 Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga thành khẩn khai báo tại tòa

Trong quá trình tòa xét hỏi, bà Lò Thị Trường, mẹ của thí sinh Lù Mạnh Hùng đã khai có quan hệ gia đình, gọi bị cáo Lò Văn Huynh, cựu Phó Trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Sơn La là chú. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, bà Trường đến nhà bị cáo Huynh “nhờ ông xem hộ điểm trước” cho con trai mình. Quá trình nhờ vả, hai bên không có hứa hẹn gì về vật chất.

Bà Trường không nhớ con mình được bao nhiêu điểm, nhưng chỉ biết là trúng tuyển vào trường an ninh. Sau chấm thẩm định, con trai bà “không đạt” nên bị trường trả về. Khi đối chất, Huynh xác nhận lời khai của bà Trường là đúng. Song ông Huynh khai, sau kỳ thi bà Trường có đến đưa 300 triệu đồng cảm ơn nhưng ông đã trả lại. Còn bà Trường cho biết, vì biết chú mình không thể một mình “xem hộ điểm trước” được, mà còn có nhiều người nữa nên bà Trường đã đưa số tiền trên để ông Huynh mời mọi người “uống nước”.

Tương tự như vậy, trường hợp của ông Trần Văn Điện, cán bộ Trung tâm GDNN-GDTX TP Sơn La cũng có nhiều điểm mâu thuẫn. Ông Điện cho biết, chỉ nhờ bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga xem điểm trước giúp 4 thí sinh. Đây là con của người quen và đồng nghiệp của ông Điện. “Phụ huynh nói muốn biết trước điểm nên nhờ xem cho đỡ sốt ruột và điều chỉnh nguyện vọng”, ông Điện nói.

Ông Điện khai không được bị cáo Nga thông báo lại kết quả và bất ngờ khi công an khởi tố vụ án thì mới hay “các cháu nằm trong danh sách 44 thí sinh được nâng điểm”.

Quá trình đối chất, bị cáo Nga khẳng định được ông Điện nhờ xem điểm và giúp đỡ cho các cháu. Giúp đỡ để đạt được điểm mong muốn. “Khi thực hiện thì anh Điện cám ơn tôi bằng tiền. Tổng số tiền cảm ơn là 1 tỷ 40 triệu đồng. Số tiền này đã được nộp cho cơ quan điều tra 1 tỷ đồng, còn 40 triệu đồng thì cho bị cáo Huynh vay. Việc cám ơn tại nhà bố mẹ bị cáo. Tiền được để trong một cái túi nilon, có mệnh giá 500.000 đồng và 200.000 đồng. Bị cáo đã lấy một phần chi tiêu”, bị cao Nga khai nhận.

Ngoài ra, tòa cũng cho bà Hoàng Thị Thành đối chất với bị cáo Cầm Thị Bun Sọn về lời khai đưa tiền nhờ nâng điểm. Bà Thành khẳng định chỉ nhờ bà Sọn xem điểm trước cho con. Thế nhưng, bị cáo Sọn khẳng định bà Thành nhờ xem điểm và nhờ thêm tìm ai giúp nâng điểm cho con. Khi tham gia vào việc sửa bài thi, bị cáo Sọn đã tự nâng điểm cho con bà Thành. “Lần 1, Thành đưa cho bị cáo 400 triệu đồng đựng trong túi nilon trước khi bị cáo sửa điểm, lần 2 sau khi công bố điểm thì Thành đưa thêm 40 triệu đồng để trong phong bì”, bị cáo Sọn khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.