Trẻ trải nghiệm cùng những chú gấu

GD&TĐ - Trải dài trên diện tích 12ha, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam không chỉ hồi sinh sự sống cho các chú gấu, mà còn là môi trường giáo dục bổ ích cho học sinh. Những tiếng ồ à, câu hỏi ngây ngô hay bức tranh ngộ nghĩnh về gấu của trẻ sau một ngày trải nghiệm tại Trung tâm là động lực để những người làm việc ở đây đưa gấu đến gần cộng đồng hơn nữa.

 Gấu được nuôi dưỡng trong môi trường bán tự nhiên.
Gấu được nuôi dưỡng trong môi trường bán tự nhiên.

Ngôi nhà mới cho động vật hoang dã

Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam (VBRC) do Tổ chức Động vật châu Á tài trợ và vận hành nằm trong thung lũng Chắt Dậu (thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo). Sau nhiều năm hoạt động, Trung tâm Cứu hộ Gấu đầu tiên tại Việt Nam đang nuôi dưỡng khoảng 200 cá thể gấu. Chúng được phục hồi sức khỏe và sống trong khu bán tự nhiên.

Những cá thể gấu được đưa về Trung tâm sẽ nhận được sự chăm sóc về y tế, bắt đầu bằng việc khám sức khỏe để đánh giá mức độ thương tổn. Một số cá thể gấu sẽ được cắt bỏ túi mật nếu có các vết thương quá nặng, cũng như điều trị các bệnh khác. Gấu mới cứu hộ được cách ly 45 ngày để các cán bộ thú y và chuyên gia theo dõi tình trạng sức khỏe, tránh lây nhiễm bệnh và làm quen dần với môi trường mới. Chúng được cung cấp thức ăn ngon, nước sạch, cành cây, cũng như các đồ ăn được giấu trong các ống tre hoặc cao su giúp làm đa dạng môi trường sống để gấu không bị buồn chán.

Ngoài cứu hộ gấu bị nuôi nhốt, Trung tâm còn tiếp nhận gấu con do lực lượng chức năng tịch thu từ các vụ săn bắt trái phép và buôn lậu. Trong số đó không ít gấu con bị tách khỏi mẹ trước khi được cai sữa hoàn toàn. Bên cạnh đó còn có các cá thể gấu chó, thường bị nhốt riêng làm gấu cảnh ở các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng và đôi khi cũng bị lấy mật.

Khi các bác sĩ thú y nhận thấy tình trạng sức khỏe dần ổn định, quá trình hòa nhập, ghép nhóm của gấu được tiến hành. Gấu được đưa vào các buồng chăm sóc và tạo không gian tiếp xúc với các cá thể gấu khác trong những điều kiện hạn chế nhất định. Gấu thân thiện và giữ được bình tĩnh tốt sẽ được ghép nhóm. Cuối cùng, gấu sẽ được chuyển ra sống ở các khu bán tự nhiên rộng gần 3.000 m2 với cỏ xanh, hồ bơi, khung gỗ và thức ăn đa dạng.

Tạo giá trị giáo dục cộng đồng

Trong khuôn khổ chương trình giáo dục cộng đồng, Trung tâm đã xây dựng các buổi thuyết trình và hội thảo về bảo tồn và nhu cầu quyền lợi của gấu, cũng như quyền lợi động vật nói chung và vấn đề môi trường cho các bạn trẻ tại các trường học và trường đại học.

ThS Phan Thuỳ Trinh - Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam cho biết: “Mỗi năm, có khoảng hơn 50 trường học đến thăm gấu tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam và tour du lịch giáo dục này hoàn toàn miễn phí. Học sinh chủ yếu là các em nhỏ từ tiểu học trở lên”.

Theo ThS Phan Thuỳ Trinh, khi tới đây, ngoài việc ngắm nhìn gấu ở những khu bán tự nhiên, các em nhỏ còn được tìm hiểu về cách chăm sóc, thậm chí tự tay chuẩn bị một số đồ ăn cho gấu. “Trung tâm mong muốn, thông qua những chuyến thăm, trẻ em học được cách có trách nhiệm với động vật, với vật nuôi trong nhà một cách trực quan, sinh động và bồi đắp tình yêu với thiên nhiên, với động vật một cách tự nhiên”, ThS Trinh chia sẻ.

Sau khi cùng học sinh tham quan Trung tâm Cứu hộ Gấu, cô Phạm Thị Kim Huế - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn ca chia sẻ: “Mỗi bài học, mỗi trải nghiệm đều cho các con một vốn kiến thức nhất định, một kinh nghiệm sống. Chuyến đi trải nghiệm lần này các con được nhìn thấy những chú gấu thật đáng yêu. Một loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ, chăm sóc, yêu thương từ bữa ăn cho đến giấc ngủ. Mặc dù là động vật hoang dã nhưng các hoạt động sinh hoạt của gấu cũng rất khoa học”.

Do là tour giáo dục miễn phí nên các đoàn có nhu cầu tham quan chỉ cần đăng kí và xác nhận với Trung tâm trước khi đến. Ngoài ra, hiện Tổ chức Động vật châu Á cũng cử cán bộ giáo dục tới các trường học, diễn thuyết và lên những mô hình vừa chơi vừa tìm hiểu loài gấu tới các em học sinh tiểu học. Tổ chức hiện đã kết nối với hơn 20 điểm trường trải dài nhiều tỉnh, thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ, xây dựng 8 vườn thảo dược thay thế mật gấu tại 8 điểm trường tiểu học tại Phụng Thượng (Hà Nội), Nghệ An, và Vĩnh Phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ