TPHCM: Dịch vụ đưa đón học sinh gặp khó

GD&TĐ - Hoạt động vận tải đưa đón học sinh, sinh viên (HSSV) tại TPHCM đang trong tình trạng khó phát triển. Các doanh nghiệp vận tải thiếu động lực đầu tư và cũng chưa thực sự mong muốn phát triển loại hình này.

HSSV sử dụng dịch vụ xe buýt trợ giá phải xuất trình thẻ theo quy định. Ảnh: TG
HSSV sử dụng dịch vụ xe buýt trợ giá phải xuất trình thẻ theo quy định. Ảnh: TG

Hiện TPHCM hỗ trợ cho HSSV đi lại trên các tuyến xe buýt có trợ giá với mức giá vé đồng hạng 3.000 đồng/lượt. Trong đó, mức trợ giá trên địa bàn thành phố là 2.830 đồng/lượt, riêng huyện Cần Giờ là 3.537 đồng/lượt. Số lượt trợ giá là 2 lượt/HSSV/ngày và trên địa bàn Cần Giờ là 4 lượt/HSSV/ngày.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, việc đưa đón HSSV theo hình thức hợp đồng có trợ giá là hình thức có sự tham gia đóng góp một phần của phụ huynh học sinh (PHHS). Số lượng trường có đóng góp của PHHS là 77 trường và mức đóng góp phụ thuộc vào thỏa thuận giữa nhà trường (đại diện PHHS) và doanh nghiệp vận tải (DNVT). Đối với một số trường vùng sâu, vùng xa và HS có hoàn cảnh khó khăn thì DNVT đưa đón không thu tiền. Số lượng trường được miễn phí đưa đón là 28 trường.

Mức đóng góp của PHHS phụ thuộc vào hình thức đưa đón. Hình thức đưa đón tại nhà cao nhất là 1,5 triệu đồng/HS/tháng. Hình thức đưa đón tại các điểm tập kết mức đóng góp phụ thuộc vào cự ly vận chuyển, thấp nhất là 1.000 đồng/HS/lượt. PHHS được lựa chọn để phù hợp với điều kiện thực tế.

Thời gian qua, mặc dù trung tâm đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện hoạt động đưa đón, tuy nhiên, số lượng đưa đón HS chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chính là do chưa có cơ chế khuyến khích đầu tư phương tiện để hỗ trợ DNVT thay đổi phương tiện mới. Điều này không tạo sức hút và sự tin tưởng đối với nhà trường, PHHS. Mức trợ giá theo lượt HS đã áp dụng từ năm 2006 đến nay, trong khi chi phí vận chuyển tăng lên nên không còn phù hợp.

Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, số lượng HS có nhu cầu học 2 buổi/ngày tăng cao. Tổng số HS đi học 2 buổi/ngày của cấp THCS tăng từ 127.778 HS tăng lên 219.447 HS (tăng 91.669 HS, với tỷ lệ là 71,74%) và cấp THPT tăng từ 46.904 HS lên 106.985 HS (tăng 128,09%). Vì vậy, nhu cầu vận chuyển của HS đi học 4 lượt/ngày khá lớn, nhưng hiện nay HS chỉ được trợ giá tối đa 2 lượt/ngày nên các DNVT phải thỏa thuận tăng mức đóng của PHHS nhằm bảo đảm chi phí vận chuyển, một số trường hợp khác thì PHHS phải tự đưa đón HS đối với 2 lượt đi học còn lại.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cho biết, việc quản lý và xác nhận số lượng HS tham gia đưa đón hàng ngày do nhà trường chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nhà trường không đủ nhân sự thực hiện nên gây ra tâm lý e ngại trong việc phối hợp tổ chức xe đưa đón HS có trợ giá. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bên chưa thực sự gắn kết, dẫn đến tổng hợp nhu cầu, lập dự toán và ký kết hợp đồng đặt hàng chưa đúng theo thời gian quy định. Công tác tuyên truyền chưa được tập trung thực hiện, phương tiện chưa được chuẩn hóa về nhận diện nên chưa tạo được sự tin tưởng cũng như sức hút đối với người dân thành phố.

Ngoài ra, việc chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý số lượt HS tham gia đưa đón hàng ngày cũng gây những khó khăn. Việc giám sát thông qua thiết bị giám sát hành trình chỉ có thể xác nhận số chuyến thực hiện mà không thể quản lý được số lượng HS SV trên xe. Chưa thể hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng của nhà trường trong vấn đề xác nhận số HS tham gia theo từng chuyến của từng ngày.

Những nguyên nhân nêu trên đã làm cho hoạt động đưa đón HSSV khó phát triển. Các DNVT thiếu động lực để đầu tư hoạt động và cũng chưa thực sự mong muốn phát triển loại hình này.

Năm học 2019 - 2020, để thu hút HS lựa chọn dịch vụ đưa đón công cộng, thành phố cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động này. Theo đó, cần xây dựng chủ trương trợ giá 4 lượt/ngày/HS ở các địa bàn ngoại thành; Trợ giá đưa đón HSSV theo cự ly. Đầu tư phương tiện nhằm hỗ trợ DNVT nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo thương hiệu cho hoạt động đưa đón HS. Phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM rà soát, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá chi phí đối với hoạt động vận chuyển đưa đón HSSV, nhằm điều chỉnh định mức đơn giá chi phí vận chuyển...

Song song với đó, cần tiếp tục xây dựng nhà chờ xe buýt lắp đặt trước cổng trường theo hướng tiếp cận với HSSV. Điều chỉnh quy chế phối hợp giữa Sở GTVT, Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện nhằm nâng cao sự phối hợp, tạo động lực phát triển hoạt động đưa đón HSSV cả về lượng và chất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.