TP.HCM kiểm toàn diện các cơ sở dịch vụ chuyên khoa thẩm mỹ, spa

GD&TĐ -Tại Hội nghị Quản lý Nhà nước về dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM năm 2019,  Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện có nhiều cơ sở quảng cáo chưa được phê duyệt hoặc vượt quá phạm vi; không có chứng chỉ hành nghề, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn; có cơ sở gắn camera để đối phó khi lực lượng chức năng đến kiểm tra.

PGS.TS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM phát biểu tại hội nghị
PGS.TS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM phát biểu tại hội nghị

Quảng cáo không phép tràn lan, hành nghề vượt chuyên môn

Báo cáo về công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế đối với phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ tại địa bàn Quận 10 TP.HCM, BS Nguyễn Văn Nguyên - Trưởng phòng Y tế Q.10 cho biết, hiện nay trên địa bàn quận có 65 cơ sở phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ 229 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.

Năm 2019, Phòng Y tế quận đã tham mưu UBND Q.10 thực hiện các đợt tuyên truyền, yêu cầu các cơ sở không thực hiện các kỹ thuật, phương pháp thẩm mỹ khi chưa được cấp phép; đồng thời thực hiện các đợt kiểm tra, giám sát tại các cơ sở.

Từ đầu năm đến nay, phòng đã phối hợp Thanh tra Sở Y tế thực hiện kiểm tra 4/65 cơ sở phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, kiểm tra 19/229 cơ sở cung cấp các dịch vụ chăm sóc da.

BV thẩm mỹ Emcas (quận 10, TPHCM) nơi xảy ra sự cố y khoa khiến bệnh nhân tử vong ngày 17/10.

BV thẩm mỹ Emcas (quận 10, TPHCM) nơi xảy ra sự cố y khoa khiến bệnh nhân tử vong ngày 17/10.

Theo đó xử phạt 14 cơ sở với số tiền hơn 400 triệu đồng. Trong đó một số cơ sở cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh như tiêm chích chất làm đầy, nhấn mí, cắt mí có những vi phạm vượt quá thẩm quyền, đoàn thanh tra đã chuyển hồ sơ sang UBND TP.HCM để có chế tài xử phạt.

Một số cơ sở chăm sóc da thường gắn dịch vụ trá hình thực hiện các kỹ thuật xâm lấn; liên kết với bác sĩ mổ dạo, mổ chui; quảng cáo trên mạng xã hội khi chưa được cấp phép.

Theo BS. Nguyên, một trong những khó khăn trong công tác kiểm tra là các thủ thuật làm đẹp thường làm nhanh 15 - 20 phút là xong nên khó phát hiện khi các cơ sở thực hiện chui. Có cơ sở gắn camera để đối phó các lực lượng chức năng đến kiểm tra.

Theo Bác sĩ Lê Minh Hùng, Phó Phòng Quản lý dịch vụ y tế, Sở Y tế TPHCM, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ rất đa dạng, phức tạp như: làm đẹp chăm sóc da, spa, làm phun xăm.

Trên địa bàn TP.HCM hiện có 15 bệnh viện thẩm mỹ; 10 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ; 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Về các cơ sở dich vụ thẩm mỹ mới có 8 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun thêu có gửi thông báo đủ điều kiện về Sở Y tế theo quy định đã được đăng tải trên cổng thông tin Sở Y tế.

Trong khi đó, theo thống kê trên địa bàn TP có khoảng 1.398 cơ sở chăm sóc da, cơ sở thẩm mỹ, spa. Nhiều cơ sở thường quảng cáo tràn lan trên nhiều phương tiện khiến người dân dễ dàng tìm đến thực hiện dịch vụ thẩm mỹ. Qua kiểm tra thực tế có phát hiện các cơ sở chăm sóc da, cơ sở thẩm mỹ, spa, thực hiện các kỹ thuật xâm lấn và tiêm chất làm đầy.

Bác sĩ Lê Minh Hùng lưu ý, việc sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám có chuyên khoa thẩm mỹ; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ (da liễu). Với những người hành nghề phun xăm trên da bắt buộc được đào tạo tại các cơ sở hợp pháp

Kiểm tra toàn diện, siết chặt quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ, spa

Nhằm thực hiện công tác quản lý Nhà nước về dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM, quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế  TPHCM BS Nguyễn Mạnh Cường cho biết, để hạn chế, ngăn chặn những sự cố y khoa, trong thời gian tới Thanh tra Sở Y tế TP sẽ tăng cường công tác kiểm tra.

Theo đó, phối hợp với các sở, phòng y tế  kiểm tra toàn diện các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, spa, chăm sóc da, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền đến người dân và các cơ sở hành nghề về các quy định của pháp luật; đồng thời xử lý nghiêm và triệt để các cơ sở có vi phạm; công khai các cơ sở vi phạm trên thông tin đại chúng để người dân biết….

PGS. TS Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM cho rằng, nếu không kiểm soát được quảng cáo thì thị trường thẩm mỹ sẽ vẫn rối loạn. Với những người làm phẫu thuật thẩm mỹ cần thực hiện đúng các quy chế hành nghề và được đào tạo chuyên môn đầy đủ; không nên xem “nhẹ” bệnh nhân.

PGS.TS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện nay số lượng các cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp đang gia tăng theo thời gian. Đây là một phát triển khách quan khi người dân có điều kiện kinh tế tăng, nhu cầu làm đẹp cũng ngày càng tăng.

Nhiều khách trong nước và quốc tế đến TPHCM để sử dụng các dịch vụ y tế trong đó có các dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều sự cố y khoa liên quan đến các dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp, đó là những thách thức

Thời gian tới, ngành y tế cần hành động quyết liệt hơn nữa trong cấp phép và quản lý các cơ sở cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp. Các cơ sở trên cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật khi hành nghề, trách nhiệm đối với người bệnh.

Một trong những biện pháp là công khai thông tin về các cơ sở thẩm mỹ giúp người dân biết để chọn lựa thông qua xây dựng App trên điện thoại thông minh. Cùng với đó là chuyên nghiệp hóa việc thanh tra, kiểm tra quảng cáo trên mạng.

"Đồng thời cần có sự phối hợp của người dân trong việc giám sát các hoạt động lại hình dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp, qua ứng dựng công nghệ  IoT, lập đội phản ứng nhanh có sự phối hợp của Sở TT&TT và lực lượng công an PA03 thì việc quản lý các dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TP sẽ hiệu quả hơn".PGS.TS tăng Chí Thượng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.