Thủ tướng nêu quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với ĐBSCL qua "8 chữ G”

GD&TĐ - Tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng giao các bộ, ngành bổ sung vào Nghị quyết 120 những nội dung quan trọng, đã được Thủ tướng đúc kết trong “8 chữ G”.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Sáng 13/3, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị có sự tham sự của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; đại diện các viện nghiên cứu, trường ĐH, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Hội nghị quy tụ các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, đại diện Đại sứ quán nhiều nước tại Việt Nam, đại diện các tổ chức: WB, UNDP, JICA, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế…

Đây là hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cánh đồng lúa "né" hạn, mặn vừa trúng mùa, trúng giá sắp thu hoạch tại huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
Cánh đồng lúa "né" hạn, mặn vừa trúng mùa, trúng giá sắp thu hoạch tại huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.

ĐBSCL thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ

Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp, chương trình và dự án cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực để thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL.

Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 và ba lần tổ chức Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu. Việc ban hành Nghị quyết số 120 đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển vì tương lai thịnh vượng, bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn, tăng cường kết nối phát triển giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối thống nhất.

Sau hơn ba năm triển khai thực hiện, với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong kiến tạo thúc đẩy, sự tích cực tham gia của doanh nghiệp cùng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của người dân vùng ĐBSCL và sự hỗ trợ hiệu quả của các đối tác quốc tế, chúng ta đã đạt được những kết quả rất tích cực, thiết lập những nền tảng quan trọng cho ĐBSCL tiếp tục phát triển thịnh vượng, cất cánh trong thời gian tới.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng ĐBSCL và trân trọng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế. 

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, có thể khẳng định vùng ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững; sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện; bức tranh phát triển ĐBSCL ngày càng được điểm tô bằng nhiều gam màu tươi sáng:

Định hình không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển, thay đổi bộ mặt của ĐBSCL. Một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung; quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương hoàn thành.

Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm thuận thiên đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019-2020 vừa qua, qua đó chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như, thiệt hại về riêng diện tích lúa đợt hạn mặn vừa qua chỉ bằng khoảng 10% so với đợt hạn mặn năm 2015-2016.

Tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, trong hai năm liên tục 2018 và 2019 đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 7,3%. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong nông nghiệp đã khẳng định chủ trương đúng đắn thuận thiên, chúng ta chủ động thích ứng với tác động của BĐKH, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng.

Đời sống văn hóa, tinh thần từng bước được nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống của vùng từng bước được bảo tồn, phát huy khai thác hiệu quả phục vụ người dân ĐBSCL và cả nước cũng như các du khách quốc tế.

Dịch bệnh được giám sát, khống chế và có xu hướng giảm; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn vùng ĐBSCL có nhà tiêu hợp vệ sinh năm 2019 đạt 62% (tăng 6,7% so với năm 2017)…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

“Giáo dục” - “chìa khóa vàng” để phát triển bền vững

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến đóng góp đầy trăn trở của các chuyên gia, các địa phương… với mong muốn mang lại sự phát triển cho đồng bằng. Thời gian qua, Đảng, Chính phủ và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực, chính sách để phát triển ĐBSCL, nhất là trong bối cảnh nhất vùng đang chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu. Nghị quyết 120 được ra đời cũng trên tinh thần đó, với những giải pháp và hành động không chỉ đơn thuần để phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, mà xa hơn là sự sẻ chia của tất cả cùng hướng về đồng bằng.

Sau 3 năm triển khai, Nghị quyết 120 đã đạt được nhiều hiệu quả, nhưng vẫn có đó nhiều tồn tại, hạn chế. Thủ tướng giao các bộ, ngành có liên quan để sung vào Nghị quyết 120 những nội dung quan trọng, đã được Thủ tướng đúc kết trong nội hàm “8 chữ G”.

Thứ nhất là “Giao”, tức là giao thông. Phải ưu tiên dành nguồn lực phát triển mạng lưới giao thông cho đồng bằng, tạo sự liên kết, kết nối thông thoáng, giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy giao thương, mở mang phát triển kinh tế. Nghị quyết 120 mở ra định hướng phát triển thuận thiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; nhưng các công trình, dự án vẫn rất quan trọng. Điển hình là tại các vùng sạt lở, người dân bị mất đất đai nhà cửa rất cần được hỗ trợ quan tâm xây dựng đường sá, nơi ở…

Thứ hai là “Giáo dục”. Thủ tướng gọi đây là “chìa khóa vàng” để phát triển bền vững. Phải đảm bảo rằng tất cả mọi người, nhất là trẻ em đều phải được đến trường. Giáo dục trước hết phải đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, tạo ra đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên lành nghề, tiếp đến là những người quản lý, lãnh đạo ưu tú.

Chữ G thứ ba là “Giang”, tức là sông. ĐBSCL được gọi là vùng sông nước, với hệ thống sông ngòi chằng chịt. Đây là thứ tài nguyên có tính chiến lược mà ít nơi nào có được. Khái niệm “kinh tế sông” cần được nghiên cứu. Phát triển kinh tế phải gắn với sông nước. Tận dụng tiềm năng của sông nước vào sản xuất nông nghiệp, làm đòn bẩy cho phát triển.

Chữ G thứ tư là “Gắn”, tức gắn kết. Hiện nay, biến đổi khí hậu đã vượt qua khỏi địa giới hành chính, vượt quá khả năng và chức năng của bất kỳ địa phương nào. Các cơ quan từ Trung ương đến địa phương phải liên kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, không thể phát triển rời rạc.

Chữ G thứ năm là “Giàu”. Phải thu hút người giàu, khá giả, những doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư cho vùng. Theo đó, cần cải thiện môi trường, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh ở mỗi địa phương.

Chữ G thứ sáu là “Giỏi”. Phải thu hút nhân tài, nhà trí thức, các chuyên gia đến làm việc, cộng tác cho vùng ĐBSCL. Để làm được việc này cần có có chính sách thu hút để họ cống hiến.

Chữ G thứ bảy là “Già”. ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số với tỉ lệ cao nhất nước. Đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động nặng nề. Do vậy cần có những chính sách an sinh xã hội kịp thời và hiệu quả để chăm lo nhóm đối tượng này, giảm thiểu những hoàn cảnh đau lòng trong xã hội.

Chữ G cuối cùng là “Giới”. Phải thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy vai trò của người phụ nữ, tạo công ăn việc làm, đảm bảo họ được tiếp cận đầy đủ những tiến bộ của xã hội…

Thủ tướng nhấn mạnh, những nội hàm trong 8 chữ G vẫn còn thiếu sót hoặc chưa được phản ánh đầy đủ trong Nghị quyết 120; và đề nghị những bộ ngành có liên quan bổ sung vào Nghị quyết.

Thủ tướng cũng chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, thúc đẩy, hoàn thiện các thị trường, chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho người lao động đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt là phải linh hoạt trong các quy hoạch, chuyển đổi cây trồng có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, cho thu nhập cao hơn, đảm bảo sinh kế cho người dân… Trong chức năng nhiệm vụ được giao, từng bộ, ngành sẽ thực hiện những công việc cụ thể.

Nghị quyết 120 đã đạt được nhiều thành quả, nhưng không thể lấy đó để kể công, kể thành tích, mà phải xem đây là nhiệm vụ, trách nhiệm phải làm. Đây cũng chỉ là bước khởi đầu, và còn những chặng đường dài tiếp theo với rất nhiều việc phải thực hiện…

Thủ tướng đánh giá cao nhiều ý kiến, báo cáo, tham luận hết sức sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, đầy trăn trở. Điều đó cho thấy tình cảm mà các đại biểu, cũng như người dân dành cho ĐBSCL thân thương... 

Trong một thập niên qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, huy động nhiều nguồn lực để phát triển ĐBSCL trong bối cảnh vùng được dự báo chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Nghị quyết 120 của Chính phủ cũng trên tinh thần ấy. Không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế, những giải pháp trong những năm qua còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm của đồng bào cả nước với ĐBSCL.

Nhắc lại câu ca dao “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, dần, sàng”, Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến người dân miền Tây đã cần cù lao động, làm ra các sản phẩm nông sản, bảo đảm an ninh lương thực…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.