Thắt chặt thanh, kiểm tra tại các “điểm nóng”

GD&TĐ - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, các đoàn thanh tra thi THPT quốc gia năm 2019 của 63 tỉnh, thành đã sẵn sàng cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 diễn ra an toàn, nghiêm túc. Công tác thanh tra thi tại các địa phương, đặc biệt là các “điểm nóng” được thắt chặt để không tái diễn những sai phạm như kỳ thi trước.

Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT trả lời báo chí sáng 24/6
Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT trả lời báo chí sáng 24/6

Tăng cường công tác thanh tra

Nhấn mạnh thanh tra, kiểm tra là một khâu rất quan trọng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT chia sẻ, năm nay Bộ đã có chỉ đạo từ rất sớm; ban hành văn bản hướng dẫn Sở GD&ĐT và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai thanh tra theo Quy chế thi và các văn bản về công tác thanh tra.

“Bên cạnh nội dung chỉ đạo thanh tra ở cả 3 khâu: Chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi... Bộ GD&ĐT chỉ đạo rất cụ thể cách thức tổ chức thanh tra. Theo đó, yêu cầu rà soát người làm công tác thanh tra là những người có trách nhiệm và cần được tập huấn rất kỹ. Điều này sẽ tránh tình trạng đi thanh tra mà không nắm được nghiệp vụ thanh tra. Đặc biệt là tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ thanh tra không nghiêm túc...”, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Năm nay, mỗi điểm thi được yêu cầu có ít nhất 2 cán bộ làm công tác thanh tra, trong đó có 1 cán bộ của trường đại học. Những người có liên quan đến tiêu cực năm 2018, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương, các trường không trưng dụng làm công tác thanh tra. Bên cạnh thanh tra tại điểm thi, còn có những đoàn thanh tra lưu động, những đoàn giám sát thanh tra để bảo đảm trưởng đoàn thanh tra và cán bộ thanh tra thực hiện đúng chức trách của mình.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cũng cho biết, thanh tra Bộ cũng yêu cầu cán bộ thanh tra phải sâu sát, trực tiếp, liên tục và phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những sai phạm. Nếu cán bộ không làm hết trách nhiệm, để xảy ra sai phạm ở điểm thi thì phải chịu trách nhiệm.

Về công tác thanh tra đột xuất, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, không đặt vấn đề như “đánh úp”. Điểm khác biệt của thanh tra thi là đánh giá việc đang diễn ra, không phải việc đã diễn ra, nên mục tiêu chính là giúp cho các đối tượng làm thanh tra cũng như làm thi thực hiện đúng nhiệm vụ của mình. Bởi vậy, phải kịp thời phát hiện những vấn đề cần nhắc nhở, chấn chỉnh tại chỗ ngay lập tức và thông tin kịp thời về Trung ương để tập trung chỉ đạo toàn quốc.

“Đập tan” những nghi ngờ

Trao đổi với Báo GD&TĐ chiều 24/6, bà Si Thị Thái - Trưởng đoàn Thanh tra công tác coi thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Sơn La cho biết, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT tại tỉnh này là 10.608 thí sinh. Đến thời điểm này, các tổ thanh tra tại 33 điểm thi của tỉnh Sơn La đã sẵn sàng cho kỳ thi. “Tỉnh Sơn La có 33 điểm thi là 33 tổ thanh tra cắm chốt. Bên cạnh đó, những điểm thi có từ 18 phòng thi trở lên Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La điều động thêm cán bộ thanh tra (mỗi tổ bổ sung thêm thành 3 hoặc 4 thanh tra - PV) trực tiếp tại điểm thi, để thực hiện cho tốt nhiệm vụ thanh tra tại điểm thi đó...”, bà Si Thị Thái nhấn mạnh.

Bà Si Thị Thái cũng cho biết, thanh tra Sở phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an địa phương bảo vệ an ninh, an toàn trong khu vực thi. Đồng thời, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La thành lập một tổ giám sát việc hoạt động tổ thanh tra tại các điểm thi. Trong tổ giám sát chia ra thành 3 nhóm, mỗi nhóm tối thiểu 3 người trong đó có 1 thành viên trường đại học, cao đẳng phối hợp để đi tất cả các điểm thi, giám sát hoạt động của các tổ thanh tra trực tiếp tại điểm thi đó. Trước đó, Ban chỉ đạo thi của tỉnh Sơn La cũng đã thành lập 11 đoàn kiểm tra, đi kiểm tra tất cả các điểm thi để nắm bắt tình hình.

Tại tỉnh Hòa Bình, chiều 24/6, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi THPT đã hoàn tất. Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chắp cho biết, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành đặc biệt quan tâm đến vấn đề phòng, chống gian lận trong thi cử; tập trung phổ biến, quán triệt sâu sắc về Quy chế thi cho cán bộ, giáo viên và học sinh.

Theo ông Nguyễn Văn Chắp, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Hòa Bình có 8.993 thí sinh đăng ký dự thi ở 37 điểm thi với 393 phòng thi. Dự kiến có gần 1.200 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi. Trong đó, có 507 cán bộ coi thi của 4 trường đại học, học viện trực tiếp tham gia vào Ban Chỉ đạo thi và chấm thi tại Hòa Bình được Bộ GD&ĐT phân công. “Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình tiến hành rà soát, thực hiện đúng nội dung tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về công tác thanh tra thi. Ngoài việc thành lập 37 tổ thanh tra cắm chốt tại 37 điểm thi, Sở cũng thành lập tổ giám sát hoạt động thanh tra các điểm thi theo đúng tinh thần hướng dẫn…”, ông Nguyễn Văn Chắp nói.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang Nguyễn Thế Bình cũng cho biết, Hà Giang đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra thi cho các thành viên đoàn thanh tra đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ. Đến nay, Hội đồng thi đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện phục vụ coi thi, các biện pháp phối hợp đảm bảo an toàn của Hội đồng thi. Tại phòng lưu giữ đề thi, bài thi tại 20 điểm thi đều được lắp camera giám sát hoạt động liên tục 24/24 giờ. Bố trí đủ lực lượng công an trực bảo vệ vòng trong và vòng ngoài.

Tại Phú Thọ, năm nay có khoảng 13.700 thí sinh dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và đại học. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất. Bà Đỗ Nguyên Thương - Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT cho biết, Sở đã thành lập 36 tổ thanh tra cắm chốt tại 36 điểm thi. Cùng với đó, thành lập 4 đoàn kiểm tra lưu động, trong các ngày diễn ra kỳ thi (từ 25 - 27/6) thành phần gồm lãnh đạo Sở, lãnh đạo trường đại học làm trưởng đoàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ