Thanh Hóa: Đề nghị Chính phủ xem xét một số vấn đề quan trọng

GD&TĐ - Sáng 28/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ ủy quyền đã có buổi  làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về một số vấn đề quan trọng của tỉnh này trong thời gian qua.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Tại buổi làm việc, ông Lê Anh Tuấn  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Thủ tướng Chính phủ giao 304 nhiệm vụ, trong đó có 182 nhiệm vụ không thời hạn, 122 nhiệm vụ có thời hạn xử lý.

Đến nay, Thanh Hóa đã hoàn thành 197 nhiệm vụ, (có 137 nhiệm vụ không thời hạn, 60 nhiệm vụ có thời hạn xử lý); còn lại 107 nhiệm vụ đang xử lý theo quy định; không có nhiệm vụ hoàn thành quá hạn.  Với 158 nhiệm vụ trong các văn bản mật, tối mật, tuyệt mật đến nay tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện 154 nhiệm vụ được giao, đảm bảo theo yêu cầu; còn lại 4 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện.

Trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Quản lý thu ngân sách nhà nước; khai thác hiệu quả các nguồn thu từ quỹ đất và khoáng sản, tạo nguồn cho đầu tư phát triển. Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và khơi thông dòng vốn cho đầu tư phát triển...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Một số nhiệm vụ giao chung cho các địa phương không cụ thể, nên khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai và báo cáo kết quả thực hiện. Cải cách hình chính chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và chỉ đạo như: công bố, công khai, niêm yết thủ tục hành chính...

Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được cấp có thẩm quyền ban hành, một số lĩnh vực có quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa được quy định cụ thể... Do đó, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm phát luật; Đề nghị chỉ đạo sớm xây dựng, ban hành mô hình mẫu về cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo hướng hiện đại và phầm mềm điện tử dùng chung cho Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp huyện, cấp xã.

Đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi quy định số lượng cấp phó các sở, cơ quan ngang sở trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng có xem xét đến các yếu tố về diện tích tự nhiên, dân số, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh, số lượng đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, quy mô nền kinh tế...

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được, đồng thời truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng cho rằng; có nhiều nội dung hạn chế của tỉnh Thanh Hóa cần phải khắc phục.

Đó là, cần quan tâm, củng cố chất lượng công chức, thường xuyên giám sát, siết chặt kỷ cương trong quản lý cán bộ, khắc phục tình trạng quan lộ “thần tốc” gây bức xúc trong dư luận. Cải cách hành chính còn thấp và tỉnh cần chú trọng hơn nữa tới công tác này, tránh việc đùn đẩy né tránh. Chỉ đạo quyết liệt việc hoàn thành liên thông thủ tục hành chính công, thực hiện tốt Quyết định 1380 của Thủ tướng Chính phủ. 

Quan tâm thu hút đầu tư kinh doanh mạnh hơn, nâng cao môi trường cạnh tranh và phải xác định Thanh Hóa là môi trường lớn của doanh nghiệp vào đầu tư. Tiếp tục quan tâm đến quản lý đất đai, trật tự đô thị, xây dựng. Chỉ đạo quyết liệt trong quản lý rừng, tài nguyên khoáng sản và vấn đề thoái vốn. Cải cách hành chính tại Trung tâm hành chính công dịch vụ công cần phải hoạt động hiệu quả hơn, minh bạch và công khai hơn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ