Sau phản ánh của Báo GD&TĐ, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa có công văn phúc đáp

GD&TĐ - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa vừa có công văn phúc đáp Báo GD&TĐ về thông tin báo phản ánh.

Ông  Ngân Văn Dừa, bản Đông Ban, xã Pù Nhi (Mường Lát) đo một gốc xoan đã gần 10 năm tuổi, nhưng vanh của nó chỉ hơn 30 cm.
Ông Ngân Văn Dừa, bản Đông Ban, xã Pù Nhi (Mường Lát) đo một gốc xoan đã gần 10 năm tuổi, nhưng vanh của nó chỉ hơn 30 cm.

Ngày 13/5, ông Cao Văn Cường – Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa ký công văn phúc đáp thông tin do Báo GD&TĐ phản ánh về hiệu quả kinh tế của cây xoan trồng tại huyện Mường Lát.

Công văn nêu: Sở NN&PTNT nhận được công văn của Sở Thông tin và Truyền thông về việc kiểm tra, trả lời thông tin Báo GD&TĐ phản ánh qua bài “Thanh Hóa: Dân dở khóc dở cười vì trồng loại cây 10 năm không chịu lớn”.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND huyện Mường Lát kiểm tra, đánh giá cụ thể .

Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, Mường Lát là huyện vùng cao, biên giới có địa hình chia cắt, phức tạp. Là khu vực đầu nguồn của nhiều sông suối trên địa bàn tỉnh, có điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Cơ sở hạ tầng của địa phương này khó khăn, trình độ canh tác lạc hậu, tập quán du canh, du cư, phát rừng làm nương rẫy diễn ra trong thời gian dài, dẫn đến ảnh hưởng môi trường sinh thái đất đai bị xói mòn, rửa trôi mạnh.

Trước thực trạng trên, Thanh Hóa đã thành lập Ban chỉ đạo trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, cải thiện môi trường sinh thái.

Sau phản ánh của Báo GD&TĐ, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa có công văn phúc đáp ảnh 1
Công văn của Sở NN&PTNT Thanh Hóa.
Công văn của Sở NN&PTNT Thanh Hóa.

Trên cơ sở điều kiện thực tiễn đã lựa chọn một số loài cây trồng chủ lực, như: xoan, lát, luồng... đưa vào trồng rừng để đáp ứng được mục tiêu kép nêu trên.

Qua kiểm tra đánh giá độ che phủ rừng trên địa bàn huyện tăng từ 57,6% năm 2012 lên 77,07% năm 2020. Đất trống, đồi núi trọc cơ bản đã được phủ xanh, hạn chế xói mòn, lũ lụt, giảm thiểu tối đa các vụ cháy rừng, môi trường sinh thái trên địa bàn huyện Mường Lát được cải thiện rõ rệt.

Mặt khác đã nâng cao nhận thức cho người dân trong bảo vệ và phát triển rừng, chấm dứt tình trạng du canh du cư, chuyển đổi tập quán canh tác quảng canh, phát rừng làm nương rẫy sang trồng rừng tập trung, chăn nuôi bán chăn thả, thâm canh lúa nước....

Ngoài ra, với 62.000 ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng (trên 6.000 ha rừng trồng xoan) và phần lớn diện tích xoan đã đạt tiêu chí khai thác tỉa thưa là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Bên cạnh đó một số khu vực có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu đặc biệt khó khăn, người dân chưa quan tâm đến việc chăm sóc, bảo vệ rừng trồng, như: bản Đông Ban xã Pù Nhi, bản Co Cài xã Trung Lý, bản Suối Lóng xã Tam Chung..., cây xoan chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng.

Cũng theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, thông tin phản ánh của Báo GD&TĐ là có cơ sở.

Hiện, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đang tham mưu UBND tỉnh giao Viện Nông nghiệp, nghiên cứu, xây dựng đề cương Đề án “Phát triển rừng bền vững huyện Mường Lát, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030”, để lựa chọn cơ cấu cây trồng đảm bảo phát huy hiệu quả hơn nữa trên địa bàn huyện Mường Lát.

Đồng thời tăng cường tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện chăm sóc, bảo vệ phát triển rừng theo hướng bền vững.

Sở NN&PTNT Thanh Hóa rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hợp tác của Báo GD&TĐ trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ