Sẵn sàng cho Kỳ thi THPT quốc gia 2017

GD&TĐ - Ngày 12/6 tại Nghệ An, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho các phóng viên báo chí về Kỳ thi THPT quốc gia 2017. Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đã đến dự và trao đổi với các nhà báo về công tác chuẩn bị cho kỳ thi của Bộ GD&ĐT, các địa phương và các cơ quan ban, ngành có liên quan.

Học sinh cuối cấp đang vào giai đoạn ôn thi nước rút
Học sinh cuối cấp đang vào giai đoạn ôn thi nước rút

Hoàn tất các công tác chuẩn bị

Theo thông tin của Bộ GD&ĐT, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia 2017 cơ bản hoàn tất. Ngoài việc đã ban hành văn bản pháp quy, các văn bản hướng dẫn chỉ đạo tổ chức thi và tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cũng hoàn thiện các phần mềm quản lý thi và tuyển sinh; rên cơ sở các phần mềm đã áp dụng có hiệu quả trong các năm 2015, 2016 cho phù hợp với Phương án tổ chức thi năm 2017; đồng thời, nâng cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thi và tuyển sinh.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn về quy chế, nghiệp vụ tổ chức thi, tuyển sinh và sử dụng phần mềm quản lý thi, tuyển sinh năm 2017 cho các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và các trường ĐH, CĐ trong toàn quốc.

Mặt khác, Bộ cũng tích cực bổ sung, chuẩn hóa Ngân hàng câu trắc nghiệm từ nhiều nguồn khác nhau để xây dựng Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Chỉ đạo các Sở GD&ĐT tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển đại học hệ chính quy. Tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy từ ngày 1 - 20/4/2017. Bộ GD&ĐT đã thiết lập kênh thông tin trực tiếp tới các Giám đốc Sở GD&ĐT, Hiệu trưởng các trường ĐH, các trường CĐ sư phạm; đồng thời thành lập Tổ công tác trực thi, công khai các số điện thoại, email trực thi - tuyển sinh để trực tiếp xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển. Công tác đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển thuận lợi, đảm bảo đúng tiến độ quy định; cơ sở dữ liệu thi và tuyển sinh đảm bảo chính xác và bảo mật.

Sự phối hợp nhịp nhàng, chu đáo

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng dự và trao đổi thông tin với báo chí tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng dự và trao đổi thông tin với báo chí tại Hội nghị 

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã thành lập 5 đoàn công tác do các Thứ trưởng và Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia làm trưởng đoàn đến một số địa phương tại các vùng, miền trong cả nước để kiểm tra công tác chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, qua công tác kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia cho thấy: Nhìn chung, công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia 2017 được thực hiện nghiêm túc, tích cực, chủ động, chu đáo tại các địa phương. Cụ thể: Tất cả các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố làm Trưởng ban. Thành phần của Ban Chỉ đạo có đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ đến phối hợp, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; Mặt khác, các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi như: Nhân sự, tài chính; cơ sở vật chất phòng thi, vật tư, thiết bị; nơi ăn ở cho cán bộ, giáo viên trông thi và học sinh ở xa nghỉ trọ... đều được tính toán cụ thể và có phương án bố trí hợp lý, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của quy chế.

Đặc biệt, ngay cả ở các vùng có điều kiện khó khăn như các tỉnh thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các tỉnh vùng biên giới, hải đảo… cũng dành những điều kiện tốt nhất có thể cho các cán bộ, giáo viên, HS và phụ huynh tham gia kỳ thi. Các tổ chức xã hội, đoàn thể cũng sẵn sàng hỗ trợ kỳ thi thông qua các chương trình “tiếp sức mùa thi”. Nhiều tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện, như “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh để triển khai nhịp nhàng, thuận lợi cho công tác chuẩn bị và tổ chức thi trên địa bàn. Các trường phổ thông đã nghiêm túc thực hiện kế hoạch năm học, hoàn thành chương trình năm học theo quy định; tổ chức ôn tập cho học sinh trên tinh thần tự nguyện. Đặc biệt, một số tỉnh dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng cũng đã mở các lớp ôn tập miễn phí cho học sinh, nhất là học sinh có học lực dưới trung bình và học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Sát sao đến những giây cuối cùng

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng, mặc dù công tác chuẩn bị cho kỳ thi được đánh giá là chu đáo, nghiêm túc từ sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT, các địa phương cho đến các cơ sở GD, nhưng không vì thế mà chủ quan. Trong thời gian tới, vẫn còn nhiều công việc lớn cần tập trung chỉ đạo ở các cấp, để kỳ thi diễn ra được an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, trên tinh thần bảo đảm thuận lợi cao nhất cho thí sinh tham dự kỳ thi.

Theo đó, một trong những công việc quan trọng tới đây của Bộ GD&ĐT là xây dựng đề thi chính thức cho Kỳ thi THPT quốc gia trên cơ sở ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đã được xây dựng công phu, theo quy trình khoa học trong suốt thời gian qua đáp ứng các yêu cầu của kỳ thi.

Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát sao công tác chuẩn bị thi ở các địa phương để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh nếu có; tiếp tục giải đáp các băn khoăn thắc mắc về thi và tuyển sinh; hướng dẫn xử lý các khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình chuẩn bị tổ chức thi và tuyển sinh.

Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các Sở GD&ĐT rà soát lại công tác chuẩn bị tổ chức thi, nhất là tổ chức hướng dẫn ôn tập cho HS theo đúng hướng dẫn của Bộ sao cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; Chỉ đạo các trường ĐH, CĐ phối hợp chặt chẽ với các Sở GD&ĐT liên quan trong công tác chuẩn bị tổ chức thi, bố trí đầy đủ, có chất lượng, đủ tiêu chuẩn các thành phần tham gia kỳ thi theo điều động của Bộ, đảm bảo đúng quy định của Quy chế; nghiêm túc triển khai việc tập huấn, quán triệt nhiệm vụ cho những người được cử tham gia, nhất là đối với cán bộ tham gia coi thi, chấm thi.

Tới đây, Bộ trưởng, các Thứ trưởng cũng sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, động viên một số địa phương trong công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi. Công tác kiểm tra này sẽ kéo dài đến hết Kỳ thi THPT quốc gia.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết Kỳ thi THPT quốc gia 2017 có trên 866.000 thí sinh dự thi, trong đó 75% thí sinh dự thi có đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Có gần 50% thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội, đó là kết quả tác động của việc thay đổi hình thức thi. Năm nay cả nước có 2.364 điểm thi, 3.362 phòng thi; tỉ lệ cán bộ coi thi là 50 - 50 của trường ĐH và các sở. Đến nay, các địa phương đã chuẩn bị thi rất chu đáo, toàn diện cả về tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị, nhiều chính sách hỗ trợ cho thí sinh, bảo đảm an toàn cho kỳ thi. Công tác ôn tập, chuẩn bị của thí sính được các sở chỉ đạo, các trường làm đúng kế hoạch.

Ngày 10/6, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành việc chuyển đề thi cho các tỉnh thành, hiện nay các tỉnh thành đã tiến hành in sao đề thi. “Băn khoăn lớn nhất của Bộ là công tác in sao đề thi và giữ trật tự ở các điểm thi, phòng thi, vì năm nay có tới 2.364 điểm thi. Đến thời điểm này, khâu vận chuyển đề thi, in sao đề thi được bảo đảm tuyệt mật, an toàn. Chúng tôi bảo đảm đến ngày 22/6, khi kỳ thi diễn ra, mọi công tác triển khai đều suôn sẻ, an toàn tuyệt đối” - ông Mai Văn Trinh nói.

Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, năm nay do chuẩn bị tốt hạ tầng công nghệ thông tin nên phần mềm thi và đăng ký xét tuyển được vận hành thông suốt. Phần mềm chấm thi cũng đã được chạy thử cho kết quả tốt. “Nói chung năm nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi rất chu đáo từ Bộ GD&ĐT đến các địa phương để bảo đảm an toàn, khách quan, nghiêm túc nhất. Kỳ thi này không chỉ để xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học mà quan trọng hơn là để thay đổi cách dạy và học phổ thông” - ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ