Những cách sử dụng điện tiết kiệm và hợp lý giữa thời tiết nắng nóng gay gắt

GD&TĐ - Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia cho biết, công suất tiêu thụ điện toàn quốc vào trưa ngày 18/6 tiếp tục lập đỉnh mới là 41.709 MW.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay miền Bắc, miền Trung đang diễn ra đợt nắng nóng gay gắt mới, bắt đầu từ ngày 16/6 và dự kiến kéo dài khoảng một tuần.

Mặc dù đợt nóng này mới chỉ bước sang ngày thứ 3 nhưng theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), công suất tiêu thụ điện toàn quốc trưa 18/6, lại tiếp tục lập đỉnh mới là 41.709 MW.

Cùng với đó, công suất tiêu thụ điện của riêng tại khu vực miền Bắc cũng đã lập mức đỉnh mới với mức 18500 MW.

Về sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc và miền Bắc đối với 2 ngày đầu của đợt nóng này, mặc dù chưa vượt đỉnh cũ vào đầu tháng 6 nhưng cũng ở mức rất cao.

Tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt nếu kéo dài sẽ làm nhiều thiết bị điện liên tục vận hành đầy tải, thậm chí quá tải ở một số thời điểm, dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình.

EVN khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối, cụ thể là buổi trưa từ 11h30" đến 15h00, buổi tối từ 20h00 đến 23h00.

Đồng thời, chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn để giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố, cháy nổ về điện.

Dự báo, cao điểm của đợt nắng nóng này sẽ diễn ra từ ngày 19/6 đến hết ngày 21/6.

Làm gì để tiết kiệm điện trong ngày hè nắng nóng? Ảnh minh họa.

Làm gì để tiết kiệm điện trong ngày hè nắng nóng? Ảnh minh họa.

Một số giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hợp lý

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đưa ra một số giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hợp lý:

Đối với hộ gia đình

Lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng (nhiều sao hơn, tiết kiệm hơn); tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, sử dụng đèn LED thay thế đèn sợi đốt; sử dụng điều hòa nhiệt độ có biến tần, vận hành các thiết bị điện một cách hợp lý và tiết kiệm, v.v…

Sử dụng máy điều hòa không khí ở chế độ hợp lý như: đặt nhiệt độ ở 25 - 26 độ C (ban ngày) và 27 – 28 độ C (ban đêm); sử dụng chung phòng điều hòa (vừa tiết kiệm điện vừa gắn kết thành viên gia đình tốt hơn);

Kết hợp vận hành điều hòa và quạt gió cùng lúc giúp giảm bớt công suất của điều hòa (có thể tiết kiệm tới 10% điện năng tiêu thụ); đặc biệt lưu ý: khi sử dụng điều hòa, không để thất thoát không khí ra bên ngoài bằng cách đóng kín các cửa sổ, cửa kính, cửa ra vào, v.v…).

Sử dụng tủ lạnh đúng cách như: Không đặt nhiệt độ quá lạnh, hạn chế số lần mở tủ lạnh để giảm lượng khí lạnh bay ra bên ngoài, kiểm tra gioăng cao su, cửa tủ phải kín để giữ nhiệt.

Giá bán lẻ điện cho sinh hoạt là giá điện bậc thang (6 bậc), bậc càng cao thì giá càng cao, mức chênh lêch giá giữa các bậc với nhau tương đối cao (ví dụ: giá điện của bậc 1 và 2 chỉ bằng khoảng 60% giá điện của bậc 5 và 6), do vậy mỗi cá nhân, hộ gia đình cần lưu ý để sử dụng điện tiết kiệm, điều này sẽ giúp giảm chi phí tiền điện, đem lại hiệu quả kinh tế trực tiếp cho các hộ gia đình.

Đối với doanh nghiệp sản xuất

Bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn (như máy nghiền, máy nén khí... vào giờ cao điểm từ 17 giờ đến 20 giờ hàng ngày), không để các thiết bị điện hoạt động không tải.

Đầu tư, cải tiến, thay thế dần các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị, công nghệ có hiệu suất cao và tiết kiệm điện;

Rà soát đánh giá và đầu tư thêm các thiết bị tiết kiệm điện như: lắp đặt thêm các máy biến tần cho hệ thống máy nén, điều hòa công nghiệp, quạt gió, mô tơ có công suất lớn trong dây chuyền sản xuất...

Lắp thêm các thiết bị đo đếm điện năng tại các bộ phận (tổ/đội/dây chuyền) sản xuất để kiểm soát lượng điện sử dụng, đồng thời giao trách nhiệm tiết kiệm điện cho các bộ phận trong doanh nghiệp thực hiện.

Tuyên truyền sâu rộng tới toàn bộ CBCNV và người lao động về thực hành tiết kiệm điện, xem chi phí tiền điện là một trong những chỉ số trong chi phí đầu vào của doanh nghiệp, cần phải theo dõi thường xuyên và tiết kiệm tại tất cả các khâu trong sản xuất, kinh doanh.

Ngoài các giải pháp trên, với cơ chế khuyến khích của Chính phủ hiện nay, khách hàng hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất có thể đầu tư lắp đặt thêm điện mặt trời áp mái để sử dụng luôn nguồn điện mặt trời tại chỗ, tiết kiệm chi phí tiền điện, làm mát nhà xưởng và có thời gian hoàn vốn đầu tư tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ