Những “bài toán khó” trong phát triển kinh tế số

GD&TĐ - Thanh toán số đang tạo ra sự thay đổi lớn cho “bộ mặt” giao thương của doanh nghiệp cũng như người dân. Tuy nhiên, hệ thống thanh toán số hiện nay đã thật sự an toàn chưa? Cùng với đó, những mặt trái của công nghệ có thể gây “bức xúc” trong xã hội. Hay nguy cơ mất việc làm của người lao động nếu “giậm chân tại chỗ” về trình độ… Có không ít vấn đề “đau đầu” bên cạnh những cơ hội phát triển nền kinh tế số.   

Lực lượng lao động có tay nghề cao là vấn đề sống còn để thích ứng với quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp
Lực lượng lao động có tay nghề cao là vấn đề sống còn để thích ứng với quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp

Sự thiếu vắng của hệ thống thanh toán số an toàn

“Trong kinh tế số, một vấn đề “đau đầu” nhất là thanh toán số, đại diện của một số nước trong ASEAN cũng thừa nhận rằng thanh toán số là một lĩnh vực khó nhất hiện nay khi phát triển kinh tế số. Đại diện Indonesia trong một hội thảo quốc tế gần đây đã chia sẻ chính vấn đề thanh toán số với khó khăn chưa giải quyết được đang kìm hãm sự phát triển nền kinh tế số của Indonesia.

Ở Việt Nam cũng vậy, chúng ta cũng chưa có một hệ thống thanh toán số thật sự an toàn (bảo vệ được người tiêu dùng, bảo vệ được doanh nghiệp), đây là vấn đề cần giải quyết trong chiến lược phát triển chung của quốc gia”- ông Đặng Hoàng Hải (Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) mới đây đã bày tỏ quan ngại.

Thói quen thanh toán vẫn là trở ngại lớn trong phát triển kinh tế số. Bởi, tập quán mua sắm nhỏ lẻ và thói quen dùng tiền mặt của người tiêu dùng Việt là một vấn đề khó có thể khắc phục trong ngắn hạn. Đây cũng là một trong những lực cản khá lớn cho việc xây dựng các mô hình thương mại điện tử hoàn chỉnh, trong đó toàn bộ chu trình thương mại được tiến hành trên môi trường điện tử.

Một khảo sát cho thấy, hơn 89% người tiêu dùng mặc dù lựa chọn mua sắm trực tuyến nhưng vẫn lựa chọn phương thức nhận hàng - trả tiền mặt (COD). Hình thức thanh toán COD dẫn đến việc doanh nghiệp bán hàng cần có một lực lượng lớn phục vụ khâu giao hàng và thu tiền, thay vì có thể sử dụng dịch vụ giao nhận của các công ty bưu chính hay chuyển phát. Việc này cũng tạo ra một hệ lụy là khó xây dựng những hệ thống thương mại điện tử tập trung với quy mô lớn, độ chuyên nghiệp hóa cao.

Thông tin, dữ liệu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp... dễ bị đánh cắp khi tham gia kết nối mạng nếu không làm chủ được công nghệ
Thông tin, dữ liệu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp... dễ bị đánh cắp khi tham gia kết nối mạng nếu không làm chủ được công nghệ

Thêm nữa, vấn đề cần quan tâm hiện nay là “rủi ro về công nghệ”. Khi áp dụng công nghệ số vào hoạt động của một doanh nghiệp, rõ ràng phải đối diện với những rủi ro như hệ thống mạng có thể bị sập, thậm chí có rủi ro về hệ thống mạng khiến mất toàn bộ hệ thống dữ liệu của doanh nghiệp, hay những thông tin nội bộ bí mật của doanh nghiệp bị lộ ra ngoài, nhất là với ngành ngân hàng thì “rủi ro về công nghệ” là cả một vấn đề rất lớn.

Do đó, “rủi ro về công nghệ” là một trở ngại lớn trong phát triển kinh tế số. Nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ thường lo ngại việc áp dụng công nghệ số vào hoạt động, kể cả chỉ áp dụng trong quản lý tài chính của doanh nghiệp. Một khi hệ thống ứng dụng công nghệ số của doanh nghiệp bị “lỗi” mà không sửa chữa được kịp thời thì toàn bộ hệ thống có thể bị tê liệt.

Bên cạnh đó, giá cả của các công nghệ có thể áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện quá cao. Vậy làm sao để có những công nghệ tích hợp có thể sử dụng tốt mà giá cả vừa phải, để các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể mua được? Đây cũng là trở ngại cần lưu ý trong chiến lược phát triển kinh tế số của quốc gia. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng kinh tế số của Việt Nam hiện còn khá mỏng, còn thiếu rất nhiều thứ, còn chưa đồng bộ.

Các hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử, như hạ tầng hóa đơn và chứng từ điện tử, hạ tầng thanh toán, hạ tầng “logistics” hiện đang phát triển ở các mức độ khác nhau, thiếu sự đồng bộ, thiếu tính kết nối. Nhất là hạ tầng “logistics” còn chưa hoàn thiện và thiếu vắng các nhà cung cấp chuyên nghiệp về dịch vụ chuyển phát, hoàn tất đơn hàng cho thương mại điện tử, giá thành dịch vụ cao, chưa đáp ứng được nhu cầu người sử dụng.

Mặt trái của phát triển công nghệ

Ông Đào Ngọc Chiến (Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ) cảnh báo rằng, do sự phát triển của công nghệ, “bản sắc” giao tiếp của người dân đang có những thay đổi rõ rệt.

Phân tích rõ hơn nhận định này với PV Báo GD&TĐ, ông Đào Ngọc Chiến chỉ rõ: “Cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến sự bùng nổ của các mạng xã hội, có nhiều phương thức trao đổi thông tin khác nhau xuất hiện, tạo ra nhiều môi trường ảo hóa, (nhiều giao tiếp trực tiếp trước đây giữa con người với nhau chuyển sang môi trường giao tiếp ảo).

Mặc dù không hạn chế việc giao tiếp trực tiếp, nhưng thời đại công nghiệp 4.0 đã cung cấp thêm kênh giao tiếp khác - giao tiếp ảo”.

  Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, có diễn biến rất nhanh, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới, tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI); Cơ sở dữ liệu lớn (Big Data); Internet vạn vật (IoT); Robot; In 3 chiều (3D); Công nghệ sinh học; Công nghệ nano; Tính toán lượng tử… 

Cũng theo ông Đào Ngọc Chiến, kênh giao tiếp “ảo” hiện nay giúp con người trong xã hội được phép “sửa sai” những hành động, phát ngôn của mình một cách dễ dàng (hơn trong giao tiếp trực tiếp). Trong thực tế có không ít phát ngôn của người nào đó có ảnh hưởng và gây chú ý rộng khắp, nhưng người đó không có “trách nhiệm” giải trình với dư luận trực tiếp, thay vào đó là những quan điểm, phát ngôn được đưa lên thế giới mạng.

“Chính những đặc điểm mới này trong giao tiếp xã hội khiến thay đổi cả thói quen trong suy nghĩ, lối sống, hành vi trong một xã hội thực. Giao tiếp ảo, giao tiếp trên mạng xã hội cũng lấy bớt đi thời gian của người sử dụng phương thức giao tiếp này (qua việc sử dụng, “sống” trong xã hội “ảo” hàng ngày), cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt giao tiếp, giảm bớt thời gian trong xã hội thực.

Phần nào đó thì phương thức giao tiếp ảo cũng khiến ảnh hưởng đến hành vi trong xã hội thực” - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao chia sẻ - “Trong xã hội thực, khi phạm lỗi, trước đây người ta phải xin lỗi trực tiếp. Nhưng bây giờ, phạm lỗi trong xã hội thực thì có thể lên mạng xã hội để xin lỗi. Trong khi đó, gây lỗi với người khác trên mạng xã hội thì thậm chí cũng không cần giải trình, không cần xin lỗi, không cần chịu trách nhiệm… Do đó gây ra rất nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là trong giới trẻ”.

Nói rõ hơn với PV Báo GD&TĐ sau khi có phát biểu cho rằng có sự “bức xúc xã hội” trong mặt trái của phát triển CN 4.0, ông Đào Ngọc Chiến chỉ ra rằng: “Công nghệ số có thể khiến thay đổi hành vi, thay đổi “bản sắc” giao tiếp (như đã nói ở trên). Mặt khác, đối với những người không làm chủ được kỹ thuật số thì thông tin quan trọng, thông tin bí mật của cá nhân rất có thể bị rò rỉ qua việc sử dụng mạng xã hội, hay tương tác ảo trên mạng. Ví dụ, dùng facebook chẳng hạn, người có tài khoản facebook đi tới đâu thì mạng xã hội này đều biết được.

Nếu không hiểu rõ ứng dụng công nghệ thì sử dụng công nghệ có thể gây thiệt hại cho bản thân người dùng, chỉ riêng việc rò rỉ thông tin bí mật của cá nhân cũng có thể gây những thiệt hại khó lường”. Điều mà nhiều chuyên gia công nghệ cao lo ngại là tình trạng thông tin, dữ liệu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… dễ bị khai thác, đánh cắp khi tham gia kết nối mạng mà không cảnh giác và không làm chủ được công nghệ.

“Bức xúc xã hội nữa là sự mất cân đối trong thị trường lao động. Những người làm việc, làm công ăn lương trong các dây chuyền sản xuất đứng trước nguy cơ mất việc khi có sự thay thế của công nghệ hiện đại… Tổng thể xã hội có thể thấy có nhiều bức xúc khác nhau sinh ra bởi công nghệ mới”- Chuyên gia công nghệ cao này nhấn mạnh.

Nhân lực - bài toán nan giải

Nguy cơ mất việc của người lao động trước sự phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà ông Đào Ngọc Chiến nhắc tới tập trung chủ yếu vào bộ phận lao động nghề, lao động giản đơn trong các dây chuyền sản xuất.

Điều này cũng liên quan đến quan điểm của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế khi đề cập đến yêu cầu bức thiết về việc xây dựng những phương thức phù hợp để đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong xu hướng phát triển kinh tế số, giảm thiểu tình trạng mất việc làm có thể xảy ra trong thời đại CN 4.0.

“Đội ngũ lao động giản đơn của Việt Nam hiện nay có trình độ hạn chế, thời gian dành cho việc học tập, nâng cao trình độ là ít và không cố định. Người công nhân phải làm việc ca kíp, họ không chủ động được việc theo học các khóa nâng cao tay nghề cố định về thời gian. Do đó, bây giờ cần phải có phương pháp, cách thức đào tạo theo hướng “mọi lúc, mọi nơi”.

Đặc biệt là với CN 4.0 thì còn phải đào tạo lao động thích ứng với từng đối tượng lao động. Người lao động cần được đào tạo gì, cần học gì phải được tạo điều kiện học cái đó” - ông Đào Ngọc Chiến nói rõ thêm - “Học qua mạng là phương thức đào tạo nâng cao trình độ phù hợp với nhiều người lao động”.

Công nghệ số có thể khiến thay đổi hành vi, thay đổi “bản sắc” giao tiếp
Công nghệ số có thể khiến thay đổi hành vi, 
thay đổi “bản sắc” giao tiếp 

Tuy nhiên, với những ngành nghề muốn nâng cao trình độ phải “chỉ tay đặt việc” trực tiếp hướng dẫn thì việc học qua mạng chỉ có thể áp dụng với học lý thuyết, còn thực hành cho người lao động cần phải có những cơ chế “mở cửa” cho người lao động tham gia vào những dây chuyền sản xuất ứng dụng công nghệ mới trong thực tế, để thực tập nâng cao tay nghề, mở rộng kiến thức, nâng cao trình độ, kể cả trong các lĩnh vực khác, chứ không chỉ “bó gọn” kiến thức, tay nghề trong một công việc cụ thể. Để khi mất việc này thì người lao động có thể nhanh chóng bắt nhịp, tham gia được công việc khác.

Vấn đề cấp bách nhất, quan trọng nhất hiện nay trong phát triển kinh tế số của Việt Nam, theo ông Đặng Hoàng Hải, chính là nhân lực và đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế số. “Vừa rồi tôi trong một đoàn kiểm tra đến các địa phương để xem xét vấn đề phát triển thương mại điện tử quốc gia. Một thực tế là tại các tỉnh, kể cả những tỉnh đông dân có sự kết nối với Trung ương rất tốt, nhưng lực lượng cán bộ có thể làm thương mại điện tử rất ít.

Có sàn thương mại điện tử hoạt động cho cả một tỉnh nhưng chỉ có một cán bộ vận hành, muốn mở sàn để các doanh nghiệp, đơn vị có thể “vào sàn” thì phụ thuộc hoàn toàn vào một người vận hành đó”- Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) báo động một thực tế đáng lo ngại về nhân lực trong phát triển kinh tế số.

Tổ chức lao động quốc tế (ILO) dự báo khoảng 56% việc làm ở Đông Nam Á có khả năng bị thay thế bởi công nghệ trong hai thập kỷ tới. Tại Việt Nam, lợi thế về lao động, nhất là lao động chi phí thấp, các ngành sản xuất thâm dụng lao động sẽ mất lợi thế (bao gồm dệt may, dày da, gia công lắp ráp...).

Kết quả nghiên cứu về trường hợp Việt Nam chỉ ra trong 10 năm tới, 70% số việc làm có rủi ro cao, 18% có rủi ro trung bình, 12% có rủi ro thấp. Bởi thế, lực lượng lao động có tay nghề cao là vấn đề sống còn để thích ứng với quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Công nghệ số có thể khiến thay đổi hành vi, thay đổi “bản sắc” giao tiếp
Công nghệ số có thể khiến thay đổi hành vi, 
thay đổi “bản sắc” giao tiếp 

Giải quyết vấn đề được cho là bức bách nhất, cần thiết nhất trong phát triển kinh tế số, ông Đặng Hoàng Hải khẳng định: “Bây giờ đã có những trường đại học mở ngành đào tạo về thương mại điện tử rồi.

Nhưng chúng ta không thể chờ 4 năm một lứa sinh viên được đào tạo ra rồi mới có nhân lực để xây dựng thương mại điện tử, như vậy là quá muộn. Giải pháp cấp bách nhất cần làm hiện nay là đào tạo tại chỗ, đào tạo tại cơ quan, doanh nghiệp… để có nhân lực làm thương mại điện tử làm được việc ngay. Còn đào tạo theo cách nào thì cần phải có ý kiến của các chuyên gia”.

“Cần phải có một cơ chế thích hợp, để làm sao doanh nghiệp có thể phối hợp được với cơ sở đào tạo. Nếu không có được cơ chế hỗ trợ của Nhà nước trong vấn đề này thì nói thật là doanh nghiệp và kể cả các cơ sở đào tạo cũng không mặn mà, không tích cực với việc “bắt tay” này” - ông Đào Ngọc Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) nêu nhận định với PV Báo GD&TĐ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ