Người Khmer Sóc Trăng vui đón Tết Chol Chnam Thmay

GD&TĐ - Tết Chôl Chnăm Thmây (Tết chịu tuổi) là lễ hội truyền thống lớn nhất của đồng bào Khmer nói chung, của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng trong năm. Theo quan niệm của người Khmer, đây là thời điểm trời đất giao hòa, cỏ cây tươi tốt đầy sức sống; sự đâm chồi nảy lộc của cỏ cây như sự khởi đầu của một năm mới.  

Người Khmer Sóc Trăng vui đón Tết Chol Chnam Thmay
Người Khmer Sóc Trăng vui đón Tết Chol Chnam Thmay ảnh 1Người Khmer Sóc Trăng vui đón Tết Chol Chnam Thmay ảnh 2Người Khmer Sóc Trăng vui đón Tết Chol Chnam Thmay ảnh 3Người Khmer Sóc Trăng vui đón Tết Chol Chnam Thmay ảnh 4Người Khmer Sóc Trăng vui đón Tết Chol Chnam Thmay ảnh 5
Ông Trần Cam (xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú) cho biết: Tết năm nay diễn ra từ ngày 14 đến 16/4. Trong giờ giao thừa giữa năm cũ và năm mới, những chàng trai, cô gái, già, trẻ trong trang phục truyền thống của dân tộc Khmer, tập trung đến chùa thỉnh các vị chư tăng tụng kinh để tiễn đưa Têvađa (Chư thiên) năm cũ và đón mừng Têvađa năm mới hay còn gọi là tiễn đưa Maha-song-krane (Đại lịch).
Có năm tiễn đưa vào giờ này, có năm thì tiễn đưa vào giờ khác tùy thuộc vào sách Đại lịch hướng dẫn chứ không phải đúng 0 giờ hàng năm như tết Nguyên đán của người Việt và người Hoa. Vì thế, người Khmer ở Sóc Trăng sẽ đón giao thừa năm nay vào lúc 3 giờ 12 phút, ngày 14/4.
Tại điểm đón giao thừa, ở các chùa, sư sãi đánh trống hoặc đánh chuông và tụng kinh để đón Têvađa năm mới. Còn ở nhà, đồng bào phật tử thắp nhang, đốt đèn cầy, bánh trái, nước hoa, để cầu mong cho gia đình năm mới được hưởng nhiều may mắn và mọi sự tốt lành.

Đặc biệt, trên bàn thờ có bày sẵn 5 nhánh hoa, 5 đèn cầy, 5 cây nhang, 5 hạt cốm và nhiều loại trái cây. Cha mẹ, ông bà tập hợp con cháu lại, ngồi trước bàn thờ tổ tiên, đốt nhang đèn, vái 3 lần để tiễn đưa Têvađa cũ và rước Têvađa mới, mong được ban phúc lành. Họ tin rằng, Têvađa là ông tiên được trời sai xuống chăm sóc dân chúng trong trần gian.

Trong những ngày diễn ra Tết Chôl Chnăm Thmây, đồng bào phật tử đã bước vào ngày đầu của năm mới, buổi sáng và trưa đồng bào Khmer ở các phum sóc (tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình) dâng cơm và đem lễ vật đến cúng dường cho các vị chư tăng, làm nghi thức của Phật giáo.

Còn tại khuôn viên chùa có tục đắp Phnum-pon (đắp 1.000 núi tháp) bằng đất cát mang tính tượng trưng theo sự điều hành của các vị Achar. Ở một số nơi, người ta đắp núi tháp bằng lúa. Đêm về, nghe các vị sư tụng kinh cầu an năm mới, cầu cho quốc thái dân an và hưởng được 4 pháp của đức Phật (sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh), rồi được nghe các vị thuyết pháp về ý nghĩa của lễ Chôl Chnăm Thmây và sau đó thanh niên nam nữ cùng nhau múa hát rom-wong, sara-vanh trước sân chùa.

Ông Huỳnh Nê - ấp Khoan Tang, Thị trấn Long Phú (huyện Long Phú) - cho biết: Theo phong tục, ngày thứ nhất, con cháu đi thăm viếng, dâng quà, bánh cho ông bà, cha mẹ và đến chùa tham gia rước đại lịch Khmer, đón năm mới.

Ngày thứ hai của năm mới, đồng bào Khmer tiếp tục dâng cơm và đem lễ vật đến cúng dường cho các vị chư tăng. Theo các vị Achar, các ngày lễ phật tử đi chùa lạy Phật có bổn phận mang cơm và thức ăn dâng cho sư sãi và lắng nghe các vị chúc tụng, cầu an, thuyết pháp giảng đạo.

Ngày thứ ba, từ buổi sáng, trưa đến chiều, đồng bào phật tử dâng cơm, lễ vật, nước hoa, bánh trái đến chùa để cúng Phật và dâng đến các vị chư tăng. Tiếp theo đó, tiến hành làm lễ chắk kompi (tục bốc thăm) và thỉnh các vị chư tăng thuyết pháp theo Satra-slấk ríth (loại thư viết trên lá buông) nói về tiền kiếp của đức Phật (chuyện Prés-vếson-đo).

Đồng bào Khmer có quan niệm rằng, nếu năm mới bốc thăm trúng vào câu chuyện gặp những điều tốt lành, thì đó là điều may mắn và bản thân họ cần tiếp tục làm những việc thiện để được hưởng may mắn hơn. Nếu bốc thăm trúng vào câu chuyện không may, thì là điều không tốt, cần phải cố gắng tu tâm, dưỡng đức tính, làm những điều tốt đẹp để năm mới tai qua nạn khỏi và được hưởng nhiều điều tốt lành.

Tập tục tắm đức Phật tại ngôi chánh điện (nước tắm được pha nước thơm và có rắc cánh hoa sen), tắm cho các vị sư cao niên ở chùa nhằm rửa sạch hết cái cũ, những bụi bặm của trần thế trong năm cũ, để bước sang năm mới với một thân thể sạch sẽ và hoàn toàn mới. Sau những nghi thức tắm đức Phật đến Pithi bong-skôl (lễ cầu siêu), giống như người Kinh, người Hoa tổ chức tiết Thanh minh cho những người ân nhân của mình đã khuất.

Bong-skôl là lễ để từng họ tộc hay trong mỗi gia đình nhớ về cội nguồn, ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của các bậc tiền nhân tại các tháp tập thể hoặc cá nhân trong khuôn viên nhà chùa. Cùng vào thời điểm này, có gia đình còn tiến hành làm nghi thức tắm cho các bậc ông bà, cha mẹ, những người cao niên trong phum sóc đã có công ơn giảng dạy mình. Tục tắm được tổ chức đơn giản, nhưng lại thể hiện đầy ý nghĩa giáo dục và biết ơn, cầu nguyện nhận được một lời khuyên bảo mọi điều tốt lành, có nhiều của cải và dồi dào sức khỏe.

Trong những ngày diễn ra Tết Chôl Chnăm Thmây, nhà chùa còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí phong phú và đa dạng, hấp dẫn. Sôi động nhất là các trò chơi dân gian, như: kéo co, nhảy bao, thi đấu bóng chuyền, bóng đá, bịt mắt đập nồi đất, đua ghe ngo trên cạn, giấu khăn, đẩy gậy, hát múa… với nội dung đua tài, tranh sắc, hẹn hò với nhau và hy vọng năm mới sẽ tốt đẹp hơn, thu hút nhiều thanh thiếu niên tham gia.

Tết Chôl Chnăm Thmây là dịp để giáo dục con cháu thế hệ mai sau phải có lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ, những bậc ân nhân của mình. Và cũng để đồng bào quy tụ, sum họp gia đình, gặp gỡ bè bạn, mừng tuổi, mừng những thành quả qua một năm lao động sản xuất, kinh doanh, học tập…

Qua đó, hướng mọi người làm những việc thiện để năm mới bản thân và gia đình được hưởng an vui và hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp hơn. Mặt khác, còn là ngày hội văn hóa, là dịp để dân tộc Khmer đoàn kết gắn bó, giao lưu với các dân tộc anh em sống trong đại gia đình Việt Nam; bảo vệ, lưu giữ và phát huy bản sắc cũng như và tôn vinh văn hóa dân tộc càng thêm phong phú, đa dạng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống văn hóa, tinh thần của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng nói chung và đồng bào Khmer nói riêng.

Theo ông Huỳnh Nê, từ những ngày trước tết, bà con đồng bào dân tộc Khmer đã tiến hành dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mua sắm quần áo mới cho mọi người trong gia đình để mặc trong những ngày Tết. Gia đình nào cũng có nồi bánh tét, bánh ít, vì hai loại bánh này tượng trưng cho sự no ấm, được mùa của đồng bào Khmer; có nhiều gia đình làm thêm bánh dừa, bánh bột nhân dừa… để đón mừng một năm mới với mọi điều tốt lành.

Những ngày này, ở các phum sóc, nhất là ở các ngôi chùa, không khí rất náo nhiệt bởi nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, biểu diễn văn nghệ được tổ chức gần như suốt ngày đêm với các điệu múa truyền thống của người Khmer như lâm thol, dù kê, rô băm,…

Là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất cả nước, tỉnh Sóc Trăng có hơn 400.000 người Khmer, tương đương với 30,71% dân số của tỉnh. 

Dịp này, Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cùng các Ban ngành đoàn thể đã tổ chức nhiều đoàn đi thêm hỏi, chúc tết, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo người Khmer ở địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.