Muôn vẻ… Tết muộn

GD&TĐ - Trong khi mọi người, mọi nhà đang rộn ràng đón Tết thì không ít người lao động, tiểu thương và cả các em sinh viên vẫn tranh thủ kiếm thêm ngày Tết. Có người vì nhiệm vụ trực, tăng ca… người khác chấp nhận đón Tết muộn để mong có được một cái Tết sung túc hơn và có chút tiền dành đóng học, lo cho gia đình…

Làm thêm Tết là lựa chọn của nhiều sinh viên
Làm thêm Tết là lựa chọn của nhiều sinh viên

Làm thêm dịp Tết

Trong khi nhiều sinh viên chờ đến ngày nghỉ để về quê đón Tết cùng gia đình thì không ít người ở lại các thành phố lớn tranh thủ làm thêm. Họ chấp nhận về Tết muộn hơn hoặc đón Tết tại các thành phố lớn với những người xa lạ để có thêm thu nhập. Công việc của các sinh viên dịp này thường là bán hàng, giao hàng, làm nhân viên cho các quan ăn, nhà hàng… vì dịp này khách đi mua sắm, ăn uống rất đông.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Hà Nội (Hoàng, Lâm, Hà) xin được vào làm cho một quán ăn Hàn Quốc ở phố Trung Hoà - Nhân Chính cho biết: “Chúng em được nhận vào đây làm thêm từ ngày 20 đến hết ngày 30 tháng Chạp mới nghỉ về quê. Ông chủ người Hàn Quốc rất xởi lởi và tốt tính. Mỗi ngày ông trả công cho chúng em 400 nghìn đồng/ca. Chịu khó làm, mỗi ngày 2 ca thì trong 10 ngày em cũng kiếm được số tiền kha khá để tiêu Tết và trang trải học tập. Tuy cũng nao lòng muốn về quê vì bạn bè, người thân đã về hết nhưng bù lại làm việc có thu nhập cao cũng khiến chúng em tích cực hơn”.

Trần Lan Anh - sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, quê ở Điện Biên năm nay không về quê ăn Tết. Cô chọn cách ở lại Hà Nội làm giúp việc để có thêm tiền đóng học và được đi du lịch. Lan Anh tâm sự: Nhà cô ở tỉnh Điện Biên. Các năm trước về nghỉ Tết, đến được nhà phải đi mấy chặng. Đầu tiên là chặng dài ô tô từ Hà Nội đến TP Điện Biên, sau đó lại bắt một chuyến xe khách về huyện và phải đi bộ 2 - 3 tiếng nữa mới về đến nhà.

Dịp này tàu xe đông đúc, đắt đỏ, cô quyết định ở lại làm giúp việc và trông em cho một gia đình trong những ngày Tết. Cô được gia đình thuê làm trả cho một khoản tiền hậu hĩnh (7 triệu đồng) đủ đóng học thêm tiếng Anh cả một học kỳ. Cùng với đó, cô còn được đi du lịch Đà Nẵng cùng với gia đình chủ. Tuy hơi buồn vì không được về nhà ăn Tết nhưng “đổi lại mình có được một chuyến du lịch miễn phí”.

Cũng chọn công việc đón Tết xa gia đình, Thu Trà, sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Luật - Hà Nội) cho biết: Em xin được việc làm lễ tân cho khách sạn với tiền công 300.000 đồng/ngày chưa kể bao ăn ở tại khách sạn, chưa kể tiền bo của khách khi mình làm việc tốt. Như vậy, sau dịp Tết này em cũng để dành được 7 - 10 triệu đồng. Số tiền đó cũng đủ cho em đóng tiền nhà trọ suốt mấy tháng.

Những người lao công đang khẩn trương làm sạch đường phố
  • Những người lao công đang khẩn trương làm sạch đường phố

Tết muộn vì trực, tăng ca…

Do đặc thù công việc, nhiều nhân viên ngành Môi trường vẫn đi làm trong những ngày Tết đến, xuân về. Chị Hoàng Thanh Huyền, nhân viên Công ty Môi trường Đô thị quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Tết năm ngoái, chỉ còn 30 phút nữa là tới Giao thừa tôi mới có mặt ở nhà. Sau đó tôi và một số đồng nghiệp trực Tết vẫn lặng thầm cùng công việc quét dọn vệ sinh tại các tuyến phố và khu chợ được phân công. Những ngày áp Tết và trong Tết, chúng tôi thường phải làm tăng ca nên về nhà luôn muộn hơn ngày thường”.

Năm nào cũng thế, chiều 30 Tết, khi các khu chợ, trung tâm mua sắm, khu vui chơi… rục rịch nghỉ là lúc công nhân vệ sinh môi trường bắt đầu dọn dẹp. Từng đống rác nằm ngổn ngang khắp chợ. Họ cùng nhau quét dọn, thu gom rồi phân loại cho lên xe ô tô đem đến nơi đổ rác. Sau đó, họ đi quét dọn sạch những con phố mình phụ trách, xong xuôi mới trở về nhà. Để có được những con phố, khu vui chơi sạch đẹp, nhiều cô, nhiều chị lao công trở về nhà khi Giao thừa đã sang.

Nói về những công việc làm sạch đẹp môi trường, đường phố, bà Nguyễn Thu Trang - Phó Giám đốc Công ty Vệ sinh môi trường huyện Quốc Oai cho biết: “Xác định công việc của ngành là phục vụ, làm sạch, đẹp môi trường, đường phố, ngõ, xóm… chúng tôi đã có kế hoạch phân công cụ thể tới từng đội, tổ, từng nhân viên vào các vị trí công việc cụ thể. Đặc biệt, đội vệ sinh môi trường phải chia nhau trực, làm nhiệm vụ trên các địa bàn đã được phân công, làm sao luôn sạch, đẹp nhất để đón Tết”.

Do đặc thù công việc, không chỉ các chị lao công mà các anh công an, bộ đội… thường đón Tết cùng với gia đình muộn hơn do làm nhiệm vụ trực Tết. Anh Nguyễn Trung Kiên, chiến sĩ công an Hà Nội chia sẻ: “Thường những ngày lễ, tết các cơ quan, xí nghiệp công ty… được nghỉ ngơi bên gia đình thì chúng tôi lại đi làm nhiệm vụ. Năm nay, tôi nhận nhiệm vụ trực Tết từ ngày 28 đến hết ngày mồng 1 Tết. Mồng 2 tôi mới được về nhà cùng vợ con về Tết hai bên nội, ngoại”.

Tết đang về rất gần, mong rằng tất cả mọi người dù ở đâu, làm gì đều được đón một cái Tết thật vui và ý nghĩa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ